Banner trang chủ

Kiểm toán môi trường và quản lý sinh thái - Một số thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong triển khai thực hiện

06/03/2017

   1. Tổng quan về kiểm toán môi trường và quản lý sinh thái

   Kiểm toán môi trường và quản lý sinh thái (EMAS) là hệ thống quản lý sinh thái tự nguyện được ghi nhận bởi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cho phép các tổ chức/doanh nghiệp (DN) tham gia đánh giá, cải thiện hiệu quả môi trường và phổ biến, công khai các thông tin môi trường tới cộng đồng các bên liên quan. Các tổ chức tham gia EMAS sẽ phải thực hiện quy trình theo các bước: Rà soát/đánh giá môi trường ban đầu; xây dựng chính sách môi trường, chương trình môi trường; thiết lập hệ thống quản lý môi trường; thực hiện kiểm toán môi trường nội bộ; xây dựng báo cáo EMAS theo quy định; xác minh, xác nhận, đăng ký và nhận logo EMAS để chứng nhận độ tin cậy.

   EMAS có 3 nguyên tắc chính là thực thi, minh bạch và tin cậy. Nguyên tắc thực thi yêu cầu các DN khi tự nguyện tham gia EMAS phải thực hiện đúng quy trình đảm bảo cải thiện hiệu quả môi trường. Nguyên tắc minh bạch được thể hiện thông qua báo cáo môi trường để công khai thông tin với các bên liên quan và trong nội bộ DN. Các tổ chức/DN tham gia thực hiện EMAS theo đúng quy trình sẽ được các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan công nhận và kiểm định môi trường thuộc thẩm quyền của các nước thành viên EU cấp chứng nhận, do vậy đảm bảo độ tin cậy của việc thực hiện chương trình EMAS.

   Tất cả các tổ chức nhà nước hay tư nhân, công ty đa quốc gia, DN nhỏ và vừa đều có thể nhận được các lợi ích khi áp dụng EMAS như: Tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn; Nâng cao nhận thức của DN về các quy định pháp luật, do đó cải thiện tinh thần làm việc của nhân viên và nâng cao độ tin cậy, minh bạch về các mối quan hệ với người dân và chính quyền địa phương; Tăng cường cơ hội kinh doanh trong thị trường, tiếp cận thị trường và mở rộng mối quan hệ với khách hàng.

   2. Những thuận lợi và khó khăn của DN Việt Nam khi thực hiện EMAS

   Hiện nay, EMAS mới được thực hiện ở châu Âu, tuy nhiên nếu được phổ biến thông tin và có những chính sách hỗ trợ phù hợp sẽ khuyến khích DN thực thi. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc thực thi EMAS tại các DN có những thuận lợi và khó khăn.

   Thuận lợi

   Việc thực hiện EMAS đối với các DN phù hợp với mục tiêu và các hoạt động phát triển bền vững đang được triển khai mạnh trên toàn thế giới, cũng như Việt Nam. Nếu EMAS được nhiều DN ở nước ta thực hiện sẽ góp phần thực hiện mục tiêu về BVMT trong Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ: giảm cơ bản các nguồn gây ô nhiễm môi trường; khắc phục, cải tạo môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái; cải thiện điều kiện sống của người dân; giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; kiềm chế tốc độ suy giảm đa dạng sinh học; tăng cường khả năng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ mức độ gia tăng phát thải khí nhà kính.

Áp dụng EMAS, các DN sẽ tối ưu hóa quy trình sản xuất,
giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường

   Hoạt động hỗ trợ DN thực hiện EMAS được tiến hành trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai nhiều chính sách, giải pháp khá sâu rộng và toàn diện nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Đồng thời, tiếp tục đổi mới hệ thống thể chế và tập trung hướng tới nguồn nhân lực chất lượng sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho phát triển DN. Ngoài ra, Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đang được xây dựng để trình Quốc hội ban hành cùng với mục tiêu đề ra những hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa một cách có trọng tâm, trọng điểm theo yêu cầu của Chính phủ.

   Đối với việc thực hiện hệ thống quản lý môi trường, trong Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và định hướng năm 2020 cũng chỉ rõ “mục tiêu đến năm 2010: 50% các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc chứng chỉ ISO 14001”, định hướng tới năm 2020, “80% các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc chứng chỉ ISO 14001”. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong công tác BVMT nói chung, ISO 14001 nói riêng và tạo tiền đề cho việc thực hiện EMAS đối với DN trên phạm vi toàn quốc.

   Việc hỗ trợ thực thi EMAS sẽ nhận được sự ủng hộ của cả nhà quản lý, DN và người dân bởi những lợi ích mà nó mang lại. EMAS thúc đẩy phát triển bền vững nhờ đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý môi trường và cộng đồng xung quanh. Đối với DN, EMAS giúp nâng cao uy tín và hình ảnh của DN với khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện EMAS giúp DN không ngừng cải thiện hệ thống quản lý môi trường, giảm thiểu mức sử dụng tài nguyên và nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu mức sử dụng năng lượng, hạn chế thiệt hại do rủi ro môi trường. Hơn nữa, thực hiện EMAS còn giúp DN được hưởng các ưu đãi riêng về tài chính, kỹ thuật, thông tin, nhân lực...

   Hiện nay, Việt Nam đang tích cực tham gia và phát huy vai trò thành viên trong các tổ chức kinh tế quốc tế; tích cực tham gia vào đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do; đã và đang thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với mức độ tự do hóa sâu rộng. Việc tham gia các Hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích thương mại cho Việt Nam, đặc biệt các DN sẽ có nhiều cơ hội để khẳng định thương hiệu, phát triển vươn ra thị trường quốc tế nếu đạt được các chứng chỉ môi trường quốc tế như ISO, EMAS...

   Khó khăn

   EMAS là một khái niệm còn khá mới tại Việt Nam, các DN nói chung chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận với nội dung này. Để thực hiện được EMAS đòi hỏi DN phải có hệ thống quản lý môi trường hoàn chỉnh, tuy nhiên tại Việt Nam, việc xây dựng hệ thống quản lý môi trường trong DN còn chưa được chú trọng do những hạn chế về vốn đầu tư, trình độ sản xuất... EMAS giống như đa phần các công cụ quản lý môi trường khác như hệ thống quản lý môi trường, kiểm toán môi trường xuất phát từ các nước phát triển với nền sản xuất công nghiệp tiên tiến và nền văn hóa khác với Việt Nam, do vậy bước đầu để các DN hiểu và tiếp cận là rào cản lớn.

   Quy mô DN nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, khả năng quản lý DN yếu, việc tiếp cận nguồn tín dụng và mặt bằng sản xuất khó. Phần lớn các DN hiện nay đang sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ, không đồng bộ, gây thất thoát lớn về tài nguyên, năng lượng cũng như các nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

   Việc thay đổi để thích hợp với yêu cầu thực hiện EMAS đòi hỏi DN phải có nguồn vốn đầu tư lớn, song vốn đầu tư là một trong những khó khăn cố hữu của các DN. Giống như các DN khác trên thế giới, tham gia thực hiện EMAS được đánh giá sẽ mang lại những lợi ích tích cực cho DN. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng chi phí để tham gia thực hiện EMAS là tương đối lớn. Do vậy, để triển khai áp dụng công cụ này đối với các DN, đặc biệt là các DN ở Việt Nam cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu và có chính sách phù hợp. Nguồn lực đầu tư vào sản xuất của DN Việt Nam còn hạn chế so với nhiều nước nên các DN chưa nhìn nhận được tầm quan trọng của việc tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.

   Nhiều lãnh đạo DN chưa nhận thức được đúng đắn và đầy đủ về mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh sản xuất với vấn đề môi trường trong khi DN đang tạo ra nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, đặc biệt từ ô nhiễm chất thải rắn, nước thải và khí thải do hoạt động sản xuất công nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất còn chưa thực sự quan tâm đến BVMT nên vẫn xảy ra các hành động cưỡng chế tuân thủ các quy định pháp luật.

   Việc thiếu các nội dung quy định EMAS cũng là một trong những khó khăn trong quá trình thực hiện của các DN. Về cơ bản, nội dung EMAS chưa được quy định chính thức trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam, nhưng khía cạnh kiểm toán môi trường là một trong những nội dung chính của EMAS được đề cập trong một số văn bản liên quan đã tạo hành lang pháp lý cho các địa phương, cá nhân, tổ chức triển khai thực hiện công tác BVMT trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên trong thực tế, nội dung này chưa thực sự được triển khai tại các DN do quy định về kiểm toán môi trường còn chung chung. Ngoài ra, còn thiếu chính sách khuyến khích áp dụng EMAS tại các DN; thiếu các chuẩn mực, hướng dẫn, cẩm nang về EMAS.

   Việc tiếp cận thông tin về các quy định pháp luật và chính sách hỗ trợ về BVMT của DN hiện nay còn khá hạn chế; do đó để nâng cao khả năng thực thi EMAS cần có giải pháp nhằm tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho DN như xây dựng trang thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý cho DN, trong đó cập nhật đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa được ban hành từ cấp Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương về các lĩnh vực hỗ trợ.

   Tóm lại, EMAS là công cụ quản lý môi trường được nhiều quốc gia khuyến khích thực hiện với mục đích cải thiện hiệu quả môi trường liên tục của DN, kiểm soát rủi ro môi trường, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí và tạo dựng thương hiệu, tuy nhiên, mỗi quốc gia có những hình thức hỗ trợ DN thực hiện EMAS khác nhau. Tại Việt Nam, EMAS còn khá mới mẻ, chưa được quy định và phổ biến rộng rãi, các bước thực hiện EMAS chưa được DN nhận thức và triển khai trong thực tế. Tuy nhiên, với những lợi ích mà EMAS mang lại khi thực hiện, Việt Nam cần có các cơ chế hỗ trợ phù hợp với thực trạng, đặc thù và điều kiện phát triển của DN để DN có thể dễ dàng tiếp cận và triển khai áp dụng.

Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Lê Thị Nhung

Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2017

Ý kiến của bạn