Banner trang chủ

Khôi phục khả năng tự chống chịu và phục hồi của đồng bằng sông Cửu Long

22/08/2018

     Năm 2013, WWF chính thức trở thành một trong những tổ chức được Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) ủy thác làm Cơ quan điều phối dự án. Theo đó, WWF thay mặt GEF, làm việc trực tiếp với các quốc gia thành viên để đề xuất và thực hiện chương trình, dự án của GEF. Nhân sự kiện Đại hội đồng Quỹ Môi trường Toàn cầu lần thứ 6 diễn ra tại Đà Nẵng, WWF mong muốn Chính phủ Việt Nam quan tâm và ưu tiên giải quyết vấn đề môi trường tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

    Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á. Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2018 là 6,5%, phù hợp với xu hướng tăng trưởng mạnh trong những thập kỷ qua. ĐBSCL - ngôi nhà của hơn 18 triệu dân, đã đóng góp một phần quan trọng vào sự thành công của nền kinh tế này. Mặc dù diện tích chỉ chiếm 11% tổng diện tích lãnh thổ nhưng ĐBSCL lại đóng góp hơn 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

    ĐBSCL cung cấp hơn 50% sản lượng gạo (90% sản lượng gạo xuất khẩu), 65% sản lượng thủy sản bao gồm cả nuôi trồng và đánh bắt, 70% sản lượng hoa quả của Việt Nam. Đây cũng là một vùng có sự phong phú về đa đạng sinh học (ĐDSH) nước ngọt và ven biển, với hơn 300 loài cá, một trong những vùng trọng điểm về kinh tế và ĐDSH cấp quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, năng suất tự nhiên của ĐBSCL hiện nay đang bị đe dọa bởi nhiều rủi ro liên quan đến các hoạt động phát triển. Các công trình đập thủy điện và thủy lợi trên dòng chảy chính của sông Mê Công tại Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, cùng với việc khai thác cát quy mô lớn đang làm giảm đáng kể lượng phù sa và trầm tích chảy về ĐBSCL. Những yếu tố trên đang khiến cho đồng bằng bị thu nhỏ và chìm dần so với mực nước biển. Việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm cùng với việc mất rừng ngập mặn ven biển càng làm cho vấn đề thêm trầm trọng. Ngoài ra hệ lụy còn là xói lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt, bão lũ, gia tăng mức độ xâm nhập mặn làm giảm năng suất của ngành nông nghiệp và thủy sản.

    Đặc biệt, Việt Nam còn là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ BĐKH, trong đó ĐBSCL là một trong ba đồng bằng dễ bị tổn thương nhất trên Trái đất. Mực nước biển dâng, cường độ của các yếu tố động lực biển (gió, sóng và dòng chảy dọc bờ) gia tăng, tần suất bão nhiệt đới tăng, lượng mưa thay đổi và nhiệt độ tăng cao đang gây ra nhiều áp lực đối với nguồn nước, gia tăng thiên tai đồng thời tác động lên cuộc sống của những người dân ĐBSCL, đẩy người dân phải di cư vì khí hậu.

 

Khai thác cát trái phép trên sông ở ĐBSCL là một trong những nguyên nhân làm phá vỡ dòng chảy trầm tích sông

 

     Với những thách thức nêu trên, WWF đã xác định ĐBSCL là một vùng cảnh quan ưu tiên của Việt Nam và thực hiện nhiều hoạt động tại đây kể từ năm 2007. Mục tiêu của WWF là khôi phục khả năng tự chống chịu và phục hồi của ĐBSCL, cảnh báo rủi ro khi đầu tư, nâng cao khả năng thích ứng của người dân địa phương khi chịu tác động của khí hậu và duy trì những giá trị ĐDSH của đồng bằng. WWF, cùng hợp tác trong lĩnh vực công - tư cũng như các tổ chức dân sự xã hội và các đối tác phát triển, sẽ thực hiện những mục tiêu này qua ba cách tiếp cận chính:

Cải thiện các quy định và quản lý trầm tích

    Các dự án thủy điện và khai thác cát nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng tăng cao của khu vực ngày càng đe dọa phá vỡ dòng chảy trầm tích sông. WWF ước tính có khoảng 50 triệu tấn cát bị khai thác tại khu vực hạ lưu sông Mê Công chỉ trong năm 2011, hơn cả mức cát mà con sông có thể sản xuất trong một năm. Ở Việt Nam, từ năm 1998 - 2008, đáy hai con sông chính của dòng Cửu Long đã bị sụt khoảng hơn 1 m, khiến cho nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, tác động trực tiếp đến các cánh đồng lúa màu mỡ. Trung bình một năm, xói lở làm mất đi 12 m đất ven biển. Mặc dù khó có thể đo lường nhưng toàn bộ ĐBSCL đang bị sụt lún dần.

    Bên cạnh việc thực hiện các đánh giá khoa học và đưa ra cảnh báo về tác động của việc sụt giảm lượng trầm tích chảy tới ĐBSCL, WWF đã thúc đẩy các giải pháp theo quy mô toàn lưu vực, đặc biệt là thông qua việc xác định quỹ trầm tích toàn lưu vực, tìm nguồn nguyên liệu thay thế cát và đưa ra các giải pháp sử dụng cát hiệu quả trong xây dựng, đồng thời xây dựng hướng dẫn về phát triển thành phố bền vững.

Thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên

    Khả năng chống chịu và phục hồi tự nhiên của ĐBSCL cần được hiểu rõ và công nhận để tận dụng các lợi ích của chúng đối với con người, tránh các rủi ro không đáng có và chuyển từ tiếp cận đối phó sang nâng cao khả năng tự phục hồi của đồng bằng. Điều này có thể đạt được thông qua thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên trên quy mô rộng, khôi phục khả năng tự chống chịu và phục hồi của đồng bằng, giảm thiểu rủi ro cho các đầu tư và tác động xấu đến con người và thiên nhiên. Thêm vào đó, cần xây dựng hướng dẫn phục hồi rừng ngập mặn trong bối cảnh xói lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng. Ngoài ra, cần xây dựng danh mục các dự án về phát triển các hạ tầng thiên nhiên mà có khả năng thu hút đầu tư từ lĩnh vực công và tư nhân, huy động các công ty hướng tới chuỗi sản xuất xanh, thân thiện môi trường và phối hợp hành động nhằm giải quyết rủi ro về nước.

Chuyển hướng và giảm thiểu rủi ro đầu tư và các dòng tài chính

     WWF làm việc với các đối tác trong ngành tài chính như nhà đầu tư, bảo hiểm, cho vay vốn và ra quyết định để thúc đẩy một khung hành động cho các giải pháp đầu tư bền vững, điều chỉnh định hướng kinh doanh, vận động chính sách, thực hành theo hướng bền vững môi trường, phát thải các bon thấp và đầu tư hiệu quả nguồn tài nguyên. Điều này đặc biệt quan trọng đối với ĐBSCL - nơi mà dòng chảy tự nhiên của con sông Mê Công - yếu tố quan trọng nhất để duy trì sự toàn vẹn của đồng bằng, đang bị đe dọa và các can thiệp cần có điều phối kỹ thuật chặt chẽ trong bảo tồn ĐDSH, quản lý tổng hợp lưu vực sông, dòng chảy môi trường, thủy điện bền vững, nguồn vốn tự nhiên, quản lý nước và quản trị sông.

 

Trần Lê

WWF tại Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đê Tăng trưởng xanh năm 2018)

Ý kiến của bạn