Banner trang chủ

Huy động sự tham gia và giám sát của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới của Hàn Quốc - Bài học chính sách cho Việt Nam

13/10/2016

Nguyễn Thị Bích Phương, Đặng Thị Thanh Thủy

Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực tài nguyên và môi trường (CEN)

     Ra đời tháng 4 năm 1970 do Tổng thống Park Chung Hee khởi xướng, phong trào Nông thôn mới -Seamaul Undong đã tạo nên sự thay đổi căn bản cho nền kinh tế nói chung và sự phát triển của nông thôn Hàn Quốc nói riêng. Đây là bước chuyển biến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa nông thôn của Hàn Quốc từ thời kỳ thực hiện hiện đại hóa nông thôn dựa vào Chính phủ sang thời kỳ dựa vào các hoạt động tình nguyện phi Chính phủ. Sự phát triển của phong trào Seamaul Undong được chia thành 3 giai đoạn với 3 đặc điểm khác nhau, gồm: 1) Hiện đại hóa nông thôn vào những năm 1970s; 2) Phổ biến các giá trị quốc gia vào những năm 1980s; và 3) Các hoạt động tình nguyện phi Chính phủ từ những năm 1990s đến nay.

     Seamaul Undong được xem là một trong những chiến lược phát triển kinh tế thành công nhất của Hàn Quốc trong những năm qua. Nhiều kinh nghiệm trong công tác huy động sự tham gia và giám sát của cộng đồng từ phong trào xây dựng nông thôn mới này có thể là những bài học cần thiết cho Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất là kinh nghiệm về phân chia rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và sự hợp tác hiệu quả của các lực lượng tham gia vào phong trào hiện đại hóa nông thôn và các chiến lược phát triển chung.

     1. Đặt vấn đề

     Saemaul Undong (Sea: mới, maul: làng, Undong: phong trào; Saemaul Undong: Phong trào Làng mới hay Nông thôn mới) được Tổng thống Park Chung Hee khởi xướng năm1970. Saemaul Undong được bắt đầu từ nông thôn, sau đó lan tỏa ra các khu vực đô thị, nhà máy, công sở, trường học và cả các đơn vị quân đội trên toàn quốc. Hiện nay Saemaul Undong vẫn được phát triển nhưng ở quy mô nhỏ hơn, và chủ yếu tập trung vào các hoạt động tình nguyện.

     Seamaul Undong những năm 1970s được đánh giá là thành công điển hình trong phát triển nông thôn của Hàn Quốc thế kỷ XX. Saemaul Undong đã tạo nên một đòn bẩy quan trọng đưa nền kinh tế Hàn Quốc từ tình trạng nghèo đói sau nội chiến sang thời kỳ công nghiệp hóa thần kỳ và phát triển hiện đại như hiện nay. Bên cạnh đó, Saemaul Undong cũng là một thành công quan trọng trong việc xã hội hóa và huy động sự tham gia tình nguyện của người dân.

     Sự thành công của Saemaul Undong đã đem lại nhiều bài học kinh nghiệm về phát triển và hiện đại hóa nông thôn cho các quốc gia khác, trong đó có những bài học kinh nghiệm về huy động sự tham gia của người dân vào các hoạt động xây dựng và giám sát quá trình triển khai phong trào Nông thôn mới. Hoạt động giám sát cộng đồng của Saemaul Undong không tách ra thành một bộ phận hoạt động riêng mà nó được thể hiên thông qua việc phân chia chức năng rõ ràng của các hệ thống tham gia thực hiện Saemaul Undong và những cơ chế đảm bảo sự hợp tác hiệu quả của các hệ thống đó trong quá trình thực hiện.

     2. Tổng quan về phong trào Làng mới - Seamaul Undong

     Cốt lõi chính của phong tràoSeamaul Undonglà: Thay đổi tư duy, phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân; phát huy dân chủ để phát triển nông thôn; phát triển kinh tế hợp tác từ phát triển cộng đồng. Ban đầu phong trào đưa ra 10 nội dung sau: Mở rộng, làm mới đường vào thôn xóm; Mở rộng, làm mới đường trong thôn; Làm vệ sinh thôn xóm; Xây dựng khu giặt giũ chung; Đào giếng nước chung; Cải tạo mái nhà từ lợp rạ thành mái ngói, xi măng; Cải tạo hàng rào quanh nhà từ tường đất thành tường xây gạch, xi măng; Sửa cầu; Sửa hệ thống đập sông ngòi và Xây dựng điểm gom phân bắc. Các quy hoạch nông thôn mới nhấn mạnh 3 yếu tố chính là tổ chức không gian, phát triển sản xuất nông nghiệp về nghề phụ - quy hoạch cải tạo hạ tầng nông thôn được thực hiện đồng bộ và cuốn chiều ở từng địa phương với nguồn lực nhà nước và người dân cùng làm.

Các hoạt động canh tác trong mùa đông của người dân tỉnh Sangju, Hàn Quốc

     Về quản lý: Ở cấp Trung ương, Bộ Nội vụ được giao chỉ đạo và quản lý toàn bộ phong trào, bên dưới có các Vụ đảm nhận các nhiệm vụ cụ thể. Ở tỉnh, thành phố đến cấp quận, huyện có cơ quan chuyên trách đảm nhận phong trào. Ở cấp phường, xã thành lập ủy ban điều hành phong trào thường do chủ tịch hành chính đứng đầu. Ở thôn, xóm thành lập “Ban phát triển tự quản” mà người lãnh đạo là do dân bầu.

     Chính quyền kêu gọi sự đóng góp từ phía người dân và xin nguồn trợ giúp bên ngoài dưới các hình thức vật liệu, tiền vốn và công nghệ. Mỗi tháng ít nhất hai lần có viên chức nhà nước tới để kiểm tra và hướng dẫn tiến độ của sáng kiến quốc gia theo chức trách. Lãnh đạo của các phân ban có nhiệm vụ báo cáo tóm tắt hàng tháng và tổng kết tiến độ hàng năm. Đánh giá từng giai đoạn là một bước rất quan trọng. Có ba báo cáo chính: báo cáo tiền dự án, báo cáo lâm thời và báo cáo tổng kết dự án. Hiệu quả của dự án trước được nghiên cứu rất kỹ lưỡng để phát triển tiếp những dự án mới. Các bản báo cáo tổng kết dự án được sử dụng rọng rãi trong chế độ bổ nhiệm cán bộ xã.

     Tinh thần xuyên suốt của phong trào Saemaul Undong là: cần cù, tự lực và hợp tác.

  • Cần cù mang lại tính chân thật, không cho phép sự giả tạo và thói kiêu căng ngạo mạn.
  • Tính tự lực giúp cho con người biết tự lực cánh sinh, nếu không sẽ phải chịu thiệt thòi “trâu chậm uống nước đục”. Ai cũng có thể làm chủ được số phận của mình một khi họ hoàn toàn độc lập, không phải nhờ cậy đến bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài.
  • Hợp tác phải dựa trên mong muốn phát triển chung cả cộng đồng, và sự phát triển đó có được là nhờ nỗ lực tập thể “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

     Bảng phân tích Phẩm chất Saemaul

Phẩm chất Saemaul

Nội dung

Tác động

Khẩu hiệu

Chăm chỉ

Nỗ lực bền bỉ và vững vàng. Tinh thần của người tiên phong.

Nhân tố cơ bản để tồn tại trong bối cảnh nghèo tài nguyên.

Nếu muốn thành công, hãy bắt tay vào làm ngay lập tức.

Tự lực

Chịu trách nhiệm cho chính mình và không đổ lỗi cho người khác. Tinh thần của người làm chủ.

Khuyến khích tinh thần trách nhiệm.

Chúa chỉ giúp những người biết giúp chính bản thân mình.

Hợp tác

Đoàn kết, và cùng thắng lợi. Tinh thần cộng đồng (win-win)

Tăng năng suất và hiệu quả làm việc.

Hai cái đầu sẽ hơn một cái đầu.

     Với tinh thần đó, cho đến nay, quá trình thực hiện Saemaul Undong đã trải qua 3 giai đoạn.

     Giai đoạn những năm 1970s:Chính phủ Hàn Quốc giữ vai trò chủ đạo trong việc đặt ra các chương trình, kế hoạch thực hiện Saemaul Undong. Phong trào Saemaul ở giai đoạn này tập trung vào các hoạt động phát triển các làng nông thôn với tỉ lệ tham gia cao một các đáng kinh ngạc của chính người dân, và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Vì vậy, giai đoạn này cũng được gọi là giai đoạn phát triển cộng đồng nông thôn, hoặc giai đoạn thực hiện hiện đại hóa nông thôn.

     Giai đoạn những năm 1980s: giai đoạn hơp tác giữa Chính phủ và các thể chế phi Chính phủ. Trong đó, các thể chế phi chính phủ, các Văn phòng Saemaul Undong, giữ vai trò chính trong thực hiện các hoạt động, còn Chính phủ chỉ cung cấp sự hỗ trợ về quản lý hành chính, tài chính và công nghệ. Giai đoạn này được đánh dấu như thời kỳ mà Saemaul Undong làđiển hình của giá trị quốc gia.

     Giai đoạn từ 1990s đến nay Saemaul Undong hoạt động như một phong trào tình nguyện tại Hàn Quốc. Những người tham gia Saemaul Undong thường tham gia các hoạt động tình nguyện tại cộng đồng để làm sống lại những ý tưởng, giá trị và tinh thần Saemaul Undong.

     Trong đó, giai đoạn quan trọng nhất tạo nên sự thành công của Saemaul Undong như hiện nay là giai đoạn những năm 1970.Việc thực hiện Saemaul Undong trong giai đoạn này được chia thành 3 thời kỳ:

  • Thời kỳ 1971-1973: thời kỳ tạo nền tảng ban đầu với mục tiêu phổ biến tinh thần Saemaul và cải thiện môi trường sống cơ bản ở nông thôn.
  • Thời kỳ 1974-1976: thời kỳ tự lực và phát triển với mục tiêu là chuẩn hóa môi trường sống nông thôn và phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất.
  • Thời kỳ 1977-1981: thời kỳ thành công và tự chủ với mục tiêu hoàn thiện các dự án hạ tầng từ thời kỳ trước và xác định các nguồn thu nhập tăng thêm.

     Để thực hiện các mục tiêu dài hạn của Saemaul Undong, Chính phủ đưa ra 40 dự án tiêu chuẩn thuộc 4 lĩnh vực chính, gồm 10 dự án thuộc phát triển hạ tầng sản xuất, 10 dự án về nâng cao thu nhập, 8 dự án về phát triển rừng và 12 dự án về phát triển an sinh xã hội và môi trường. Những dự án này được xác định như tiêu chuẩn để đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch phát triển dài hạn của Saemaul Undong.Trên cơ sở đó, mỗi làng sẽ cụ thể hóa thành 35 dự án cơ bản cho nhu cầu phát triển làng, trong đó có 10 dự án bắt buộc được dùng để đánh giá trình độ phát triển của làng. Những dự án cơ bản sẽ được người dân lựa chọn tương ứng với trình độ phát triển của làng, từ đó, chính họ sẽ quyết định họ sẽ làm gì cho làng của họ trong giai đoạn tiếp theo.

     3. Kinh nghiệm huy động sự tham gia và giám sát của cộng đồng trong phong trào Seamaul Undong

     Saemaul Undong là kế hoạch phát triển toàn diện các cộng đồng nông nghiệp, sự hợp tác và tham gia của tất cả các tổ chức chính quyền và tổ chức phi chính phủ là cần thiết. Việc thành lập các tổ chức tự nguyện tự quản lý như các tổ chức làng, xóm và khuyến khích các hoạt động phát triển tự nguyện là một đặc điểm quan trọng cho thành công của Saemaul Undong. Việc thực hiện tự nguyện các dự án Saemaul thông qua các thực thể phi chính phủ được xem như biện pháp hoàn hảo cho các hoạt động Saemaul trong dài hạn.

     Điểm khác biệt trong hệ thống thực hiện Saemaul Undong là khả năng huy động sự tham gia của người dân từ tất cả thành phần, gồm cả Tổng thống, công chức, viên chức, người nông dân, doanh nghiệp, sinh viên...

     Hệ thống thực hiện Saemaul Undong có thể chia thành 2 nhóm chính: (1) hệ thống thực hiện bởi Chính phủ cho các mục đích quản lý hành chính, hay nói cách khác là các chính sách điều phối; (2) hệ thống thực hiện bởi khu vực tư nhân cho các hoạt động giám sát và quản lý các dự án và kế hoạch phát triển thực tế. Các tổ chức tư nhân liên quan đến Saemaul có thể chia thành các tổ chức thành lập mới cho mục đích thực hiện Saemaul Undong; các tổ chức truyền thống của làng, xóm; và các tổ chức liên quan đến các hoạt động nông nghiệp. Thành phần quan trọng nhất trong việc thực hiện Saemaul Undong là các Lãnh đạo Saemaul.

     4. Bài học chính sách về sự tham gia và giám sát của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới từ phong trào Saemaul Undong

     4.1.Bài học thành công

     Saemaul Undong thực sự là một cuộc “vận động cải cách ý thức” cùng với “vận động thực hiện hành động”. Cuộc cải tổ ý thức của người dân dựa trên các khẩu hiệu tinh thần: “Đã làm là được”, “Tất cả đều có thể làm được” và “Nhất định phải làm”. Với những kết quả đạt được, người dân nông thôn đã tự tin, phấn khởi bắt tay xây dựng ngôi làng của mình khang trang và cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ thực tế này, nông dân thấy tin vào sức mình, tin ở Chính phủ, tin vào tương lai tươi sáng cho con cháu mai sau. Và họ đã tích cực hưởng ứng phong trào và có được những gì mình muốn.

     Những nghiên cứu về Saemaul Undong chỉ ra nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất cho sự thành công của phong trào này là sự tham gia tình nguyện của người dân với thái độ tích cực và năng động. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong bối cảnh phát triển nông thôn ở thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay.

     Xem xét toàn bộ quá trình thực hiện Saemaul Undong có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

     Thứ nhất, về yếu tố chiến lược, Saemaul Undong đã thực hiện đồng thời một chiến lược phát triển kinh tế quốc gia kết hợp với một cuộc vận động trên pham vi cả nước về đổi mới thái độ của người dân. Tinh thần Saemaul được xây dựng dựa trên những nhận định về những thiếu sót và hạn chế trong thái độ của người dân Hàn Quốc để phát triển kinh tế. Các chương trình giáo dục tih thần Saemaul được thực hiện đồng thời với các dự án nhằm thay đổi thái độ, nhận thức và lối sống của người dân. Những bước đi đúng hướng đã phát huy hiệu quả, giúp Chính phủ có thể rút dần vai trò ở các giai đoạn sau.

     Thứ hai, việc thực hiện chiến lược phát triển theo từng bước thông qua các dự án Saemaul ở đơn vị làng, xã đã giúp phát huy được lợi thế của “hiệu ứng đám đông” trong việc huy động sự tham gia tình nguyện và tích cực của người dân. Saemaul Undong đi từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn, tự tích luỹ sức dân để dân đầu tư cho mình. Giai đoạn đầu, người dân chỉ đóng công sức và rất ít tiền. Chỉ đến năm thứ ba trở đi mới bước sang phát triển sinh kế, đến khi thu nhập tăng, mới huy động đầu tư đi kèm chính sách hỗ trợ tín dụng và mở mang thị trường. Lúc thu nhập nông thôn bằng thu nhập thành phố thì vốn của doanh nghiệp cũng đầu tư mạnh về nông thôn. Việc đi từng bước còn cho phép nhà nước tập trung đủ vốn vào mục tiêu ưu tiên, tạo quỹ thời gian để dân thay đổi tư duy, đủ thời gian để xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở.

     Thứ ba, sự hợp tác hiệu quả của các thực thể tham gia thực hiện Saemaul Undong là yếu tố quan trọng nhất để huy động sự tham gia tình nguyện của người dân. Về cơ bản, 3 thực thể dẫn đầu trong việc thực hiện Saemaul Undong là Người dân (Villagers), Người đứng đầu cộng đồng (Saemaul Leaders) và công chức (Public Servants). Cụ thể, người dân tham gia vào Saemaul Undong một cách tự nguyện và tích cực, Lãnh đạo Saemaul cống hiến năng lực lãnh đạo của họ và công chức giữ vai trò hỗ trợ hiệu quả cho quá trình thực hiện các dự án Saemaul.

Sangju là một trong những địa phương phát triển nông nghiệp nhất của Hàn Quốc

     Saemaul Undong dựa trên những mối quan hệ tin tưởng và kính trọng lẫn nhau, cũng như tư cách thành viên của cộng đồng đã khiến cho việc thống nhất lợi ích của cá nhân và lợi ích của cộng đồng dễ dàng hơn. Sự xung đột lợi ích được giải quyết khiến tinh thần đoàn kết, cũng như sức mạnh cộng đồng được đảm bảo. Điều này kết hợp với chiến lược thực hiện phát triển từng bước của Chính phủ thông qua việc phân hóa trình độ phát triển của từng làng vào 3 nhóm và có chính sách hỗ trợ khác biệt theo từng nhóm, đã tạo nên một cuộc cạnh tranh công bằng giữa các làng. Điều đó buộc mỗi thành viên trong cộng đồng phải tự lực để đưa trình độ phát triển của làng cũng như năng lực của bản thân lên trình độ phát triển cao hơn để đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ của Chính phủ.

     Ngoài ra, việc thống nhất được các tổ chức truyền thống hết sức đa dạng ở làng, xã cũng tạo nên những động lực quan trọng để tăng sự tích cực của người dân.Cán bộ phải thực hiện vai trò của mình một cách hiệu quả, và trung thực để tạo niềm tin của người dân vào Chính phủ. Khi người dân có niệm tin vào Chính phủ, họ sẽ tham gia tích cực hơn vào các kế hoạch phát triển được đề ra.

     Bên cạnh đó, phát huy vai trò của phụ nữ cũng là một nhân tố quan trọng để huy động sự tham gia tích cực của người dân. Ngoài việc đảm bảo sự cân bằng về giới, thực tế chứng minh rằng phụ nữ thường tham gia tích cực hơn đàn ông trong các vấn đề liên quan đến Saemaul, và họ cũng đạt những kết quả tốt hơn trong những hoạt động này. Việc tham gia mạnh mẽ của các tổ chức phụ nữ hoặc những thành viên nữ trong các tổ chức làng góp phần quan trọng đưa Saemaul Undong thành những hoạt động hàng ngày của người dân. Đối với Saemaul Undong, mỗi làng đều bắt buộc có 1 nữ lãnh đạo Saemaul và mỗi gia đình đều phải có ít nhất 1 phụ nữ tham gia các cuộc họp liên quan đến các vấn đề hoặc dự án Saemaul.

     Ngoài ra, việc Chính phủ thực hiện các dự án dầu tư một cách hiệu quả và khéo léo vận dụng thành công lý thuyết về tạo cú “sốc” đã khiến cho người dân nông thôn tự thức tỉnh và có niềm tin vững chắc vào khả năng điều hành và chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

     Thành công rất lớn, nhưng Seamaul Undong cũng có những mặt trái nhất định. Sự đóng góp của Chính phủ được coi là nhân tố chính cho những thành công ban đầu nhưng cũng đồng thời là nguồn gốc của sự đi xuống sau này. Kế hoạch của Chính phủ được chuẩn hoá dựa trên chế độ bổ nhiệm cũng là một vấn đề. Tất cả những gì đạt được chủ yếu dựa trên vật chất và điều này khiến cho người dân ỷ lại vào những nguồn tài trợ bên ngoài, gây ra tâm lý thụ động. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân của việc tàn phá môi trường và làm băng hoại các giá trị văn hóa truyền thống.

     4.2. Một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

     Từ kinh nghiệm của Phong trào Làng mới ở Hàn Quốc, 6 bài học được rút ra là:

  1. Phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn;
  2. Phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân;
  3. Đào tạo cán bộ phát triển nông thôn;
  4. Phát huy dân chủ để phát triển nông thôn;
  5. Phát triển kinh tế hợp tác từ phát triển cộng đồng;
  6. Phát triển và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường bằng sức mạnh toàn dân. 

     Trong đó, việc triển khai Chương trình Nông thôn mới ở Việt Nam cần chú trọng khuyến khích và phát huy nội lực tiềm tàng của nông dânvào các hoạt động công ích chung của làng xã và trong việc thực hiện và giám sát các hoạt động xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam; Phát huy tinh thần tự chủ - đoàn kết - sáng tạo của cộng đồng, làm thế nào để những người nông dân trở nên tự tin, nông thôn trở thành xã hội năng động, có khả năng tự tích luỹ, tự đầu tư và nhờ đó mà có khả năng tự phát triển; đồng thời chú ý gìn giữ những giá trị văn hóa của địa phương, ý thức bảo vệ môi trường của chính quyền và người dân địa phương.

     Để phát huy được tinh thần tự lực của người dân trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới và tham gia tích cực vào qua trình giám sát thực thi tại địa phương, Chính phủ và các địa phương phải thực hiện đồng bộ các vấn đề sau:

  • Giảm hỗ trợ trực tiếp, cho không và tăng hỗ trợ cho vay; xóa bỏ tư duy ỷ lại. 
  • Đầu tư hỗ trợ trọn gói trong thời gian trung hạn và dài hạn;
  • Hỗ trợ để nông dân tự mình đứng lên trở thành người chủ đích thực (chuyển từ Nhà nước chỉ đạo sang nhân dân thi hành, nhân dân làm chủ, Nhà nước hỗ trợ);
  • Tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong việc giải trình, phân cấp mạnh cho địa phương, cơ sở, cộng đồng làm chủ; phát huy sáng kiến của người dân, tránh áp đặt từ trên; đánh giá hiệu quả rõ ràng và minh bạch các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đánh giá chéo kết quả giữa các địa phương. Kết quả không tính bằng các “tiêu chí” cứng (có lợi cho các địa phương giàu đã ở gần đích) mà tính bằng mức độ cố gắng (đo bằng khoảng cách tiến bộ từ các mức xuất phát điểm khác nhau). Kết quả tốt hay xấu đều phải công bố công khai. Nơi nào thực hiện thành công mới được tiếp tục hỗ trợ để Chương trình Nông thôn mới không phải là một “chương trình” mà là một “phong trào” thi đua sôi nổi của người dân. 
  • Tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả đầu ra; xây dựng, đạo tạo đội ngũ cán bộ thôn, bản;
  • Tuyên truyền và nhân rộng các mô hình, gương điển hình tốt…

5. Kết luận

     Nhìn chung, Saemaul Undong những năm 1970s là chiến lược quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế của Hàn Quốc, đưa nền kinh tế Hàn Quốc sau nội chiến từ thời kỳ khó khăn, nghèo đói sang nền kinh tế phát triển như ngày nay. Không chỉ vậy, Saemaul Undong còn được đánh giá là cuộc vận động quốc gia tạo nên sự thay đổi quan trọng về thái độ, nhận thức, và tinh thần hợp tác của người dân trên phạm vi tòan quốc. Khác với các cuộc cải cách thông thường được bắt đầu từ thành thị đến nông thôn, Saemaul Undong đã tạo nên sự thay đổi quan trọng từ nông thôn, và lan ra thành thị, các nhà máy, công sở trên cả nước. Trong quá trình đó, bài học kinh nghiệm quan trọng nhất của Saemaul Undong là sự tham gia tình nguyện và tích cực của cộng đồng. Sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của lãnh đạo Saemaul và công chức cũng như sự điều phối chức năng của các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ liên quan đến Saemaul đã đảm bảo cho sự tham gia tích cực ấy.

     Tài liệu tham khảo

  1. Chung Kap Jin, “Experiences and Lessons from Korea’s Saemaul Undong in the 1970s”, https://www.kdevelopedia.org/resource/view/04201306140126702.do#.V26IfY9OJOw
  2. Đặng Kim Sơn, Bài học từ phong trào làng mới “SAEMAUL UNDONG”, Tạp chí Tia Sáng, 22/12/2015.
  3. http://thongtinhanquoc.com/saemaul-undong, “Saemaul Undong-Phong trào đổi mới nông thôn ở Hàn Quốc”.
  4. Phạm Xuân Liêm, “Phong trào Seamaul Undong và mô hình Làng mới ở Hàn Quốc”, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 5/2014.

Ý kiến của bạn