Banner trang chủ

Hiểm họa từ các làng nghề tái chế nhựa

21/07/2017

     Phế liệu từ nhựa, rác thải sản xuất chất đầy trong nhà, đổ bừa bãi ngoài đồng ruộng; Nhiều bãi rác “được” xử lý không theo quy trình; Nước ở các kênh mương, ao hồ có màu đen, mùi hóa chất; Ống khói các lò đốt tái chế nhả khói suốt ngày đêm... là vài nét khái quát về thực trạng môi trường ở một số làng nghề được mệnh danh “thủ phủ” tái chế nhựa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và TP. Hà Nội.

     Phớt lờ ô nhiễm

     Làng Phan Bôi, xã Dị Sử, Mỹ Hào, Hưng Yên có gần 200 gia đình làm nghề thu gom phế liệu, tái chế hạt nhựa cung cấp cho các nhà máy trên toàn quốc. Chủ một cơ sở sản xuất ở làng Phan Bôi cho hay, mặc dù biết môi trường bị ô nhiễm, nhưng cả làng cùng làm, nhà ai cũng gây ô nhiễm, làm nghề thì phải chấp nhận”.

     Thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm nổi tiếng là “thủ phủ” rác. Thôn có hơn 1.000 hộ dân thì có đến hơn 95% sản xuất nhựa hoặc liên quan đến tái chế từ nhựa. Thứ “quý nhất” và nhiều nhất ở đây là rác, từ túi ni lông, chai lọ, đến các thiết bị, rác thải nhựa y tế.  Trung bình mỗi ngày, các xưởng nhập gần 100 tấn nhựa các loại về tái chế, tạo ra từ 2 đến 3 tấn nhựa nguyên liệu và thành phẩm như hộp, cốc, thìa nhựa...  xuất ra thị trường. Hàng trăm cơ sở sản xuất nằm len lỏi trong khu dân cư hoạt động suốt ngày đêm, người dân ở đây phải sống chung với ô nhiễm. Đó là chưa kể hàng trăm tấn rác thải tồn lưu nhiều năm chưa được xử lý.

 

 

     Người dân làng nghề tái chế nhựa Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội cũng đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện làng có khoảng 150 hộ trực tiếp sản xuất, tái chế nhựa, hàng nghìn tấn rác thải từ các nơi được sàng lọc, phân loại đưa vào máy, vừa nghiền vừa sục rửa, xả thải trực tiếp ra môi trường. Theo số liệu của UBND xã Quảng Phú Cầu, hiện thôn có trên 56 tấn rác thải phế liệu tồn đọng chưa được xử lý và gần 700 tấn nhựa phế liệu chưa được phân loại, chế biến. Bà Nguyễn Thị Hạnh, xã Quảng Phú Cầu cho biết, ngày càng nhiều phế thải từ các nơi đưa về đây. Tuy tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

     Giải pháp đi vào... “ngõ cụt”

     Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề tái chế nhựa là do ý thức chấp hành luật về BVMT của tổ chức, cá nhân còn hạn chế và thiếu chế tài xử lý; Các làng nghề chủ yếu có quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu. Bên cạnh đó, việc bắt hay xử lý các trường hợp vi phạm phải có căn cứ, trong khi địa phương không có các thiết bị kiểm tra.

     Những năm qua, chính quyền các xã, huyện ở tỉnh Hưng Yên và TP. Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp như: Xây dựng hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải; Quy hoạch mặt bằng di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư; Tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết BVMT; Mở lớp tập huấn phổ biến, tuyên truyền pháp luật về BVMT... Tuy nhiên, hầu hết các giải pháp đều đi vào... “ngõ cụt”.

     Chủ tịch UBND xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, (Hưng Yên) Vũ Duy Bình cho biết, xã, huyện cũng đã có chủ trương quy hoạch đất để chuyển làng nghề Phan Bôi khỏi khu dân cư. Song do kinh phí chưa có nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, (TP. Hà Nội) Lê Văn Dịu cũng thừa nhận, việc quy hoạch cụm làng nghề Xà Cầu đến nay vẫn chưa thực hiện được”. Để giải quyết tình trạng này, ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan, thì các hộ gia đình phải chủ động, tích cực tìm giải pháp phù hợp, không thể vì kinh tế mà đánh đổi môi trường và sức khỏe.

 

Quang Ngọc (Theo daibieunhandan.vn)

Ý kiến của bạn