Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Hướng đến sản xuất xanh, sạch trong phát triển công nghiệp

23/06/2015

     Dự báo, năm 2015 tổng lượng phát chất thải rắn từ các KCN sẽ đạt khoảng 6 - 7,5 triệu tấn/năm và đến năm 2020 là 13,5 triệu tấn, tập trung nhiều tại các vùng sản xuất công nghiệp trọng điểm phía Bắc và phía Nam. Trong khi tại các tỉnh miền Bắc, chất thải rắn phát sinh nhiều nhất tại các làng nghề, đặc biệt, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang diễn ra tại một số làng nghề tái chế kim loại, đúc đồng thì ở các tỉnh phía Nam, nguy cơ ô nhiễm môi trường lại thuộc về các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN).


Lượng rác thải công nghiệp ngày càng gia tăng

 

     TS. Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường và phát triển khẳng định, nền kinh tế Việt Nam triển chủ yếu dựa vào đội ngũ doanh nghiệp (DN) nhưng Việt Nam có đến 95% DN vừa và nhỏ nên lượng vốn không lớn và DN cũng là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường. Ngoài việc khan hiếm về tài chính để đầu tư thì DN rất khó khăn trong việc xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương), năm 2009, các KCN ở Việt Nam thải ra 8.000 tấn chất thải rắn/ngày, tương đương với 3 triệu tấn/năm. Đáng chú ý, lượng chất thải hiện nay không được thu gom, xử lý triệt để mà bị chất đống hoặc xả thải trực tiếp vào các kênh rạch, ao hồ, gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước, đất và không khí.

     TP. Hồ Chí Minh - một trong những TP đi đầu cả nước về phát triển, song không tránh khỏi sức ép nặng nề từ ô nhiễm môi trường. Theo ông Phạm Thanh Trực, Trưởng phòng Môi trường, KCX - KCN TP. Hồ Chí Minh (Hepza), TP hiện có 12 KCX, KCN với hàng nghìn DN hoạt động và con số này còn tăng lên trong tương lai. Tính đến năm 2010, lượng chất thải rắn công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đạt mức gần 10.000 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn công nghiệp nguy hại chiếm 1/2. Ngoài yêu cầu XLNT, khí thải, Hepza bắt buộc DN xử lý chất thải rắn bằng cách phân loại và ký hợp đồng chuyển giao với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý đúng quy định… Song song đó, nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn công nghiệp, TP đã chi ngân sách khá nhiều để xử lý, song tình hình vẫn không được cải thiện. Bằng chứng, trong năm 2014, Hepza liên tục chủ trì và phối hợp giải quyết 23 trường hợp khiếu nại môi trường của người dân đối với DN. Nguyên nhân là do DN xem nhẹ vấn đề BVMT, không chủ động xử lý rác thải công nghiệp. Thậm chí, có nhiều DN đầu tư hệ thống xử lý rác thải nhưng hiếm khi áp dụng, chỉ khi nào có đoàn kiểm tra thì DN mới vận hành hệ thống. Thời gian tới, Hepza sẽ tăng cường giám sát hoạt động xử lý rác thải rắn tại các KCX, KCN. Đồng thời, phối hợp với các sở ngành liên quan kiểm soát công tác quản lý chất thải nguy hại phát sinh, ông Trực cho biết.

     Có thể nói, để phát triển kinh tế - xã hội thì không thể tránh khỏi các hệ lụy về ô nhiễm môi trường. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức của cộng đồng DN thông qua hệ thống tuyên truyền. Ngoài ra, cần phát triển rộng rãi mô hình sản xuất sạch hơn, DN xã hội, đổi mới sinh thái… nhằm đảm bảo sản xuất xanh - sạch. Về phía Bộ TN&MT, ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam cho rằng, Nhà nước sẽ hỗ trợ DN phát triển và BVMT bằng cách tăng cường hệ thống quan trắc, thu gom, xử lý rác thải. Bên cạnh đó, DN cần phải áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến và chủ động có biện pháp BVMT.

 

Thanh Tùng

Ý kiến của bạn