Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Hệ thống vùng biển nhạy cảm thế giới và Việt Nam

07/11/2013

     I. Hệ thống các vùng biển nhạy cảm (khu PSSA) 

     Hiện nay, các quy định về Vùng biển nhạy cảm đặc biệt được một số quốc gia coi là tổng hợp của nhiều Công ước quốc tế về  BVMT biển và là giải pháp mới để bảo vệ chủ quyền quốc gia dựa vào khoa học công nghệ xây dựng Khu bảo tồn (KBT) biển. Khu PSSA là vùng biển có giá trị đặc biệt về môi trường - sinh thái, kinh tế - văn hóa - xã hội và khoa học - giáo dục, có nguy cơ bị tổn thương do hoạt động hàng hải quốc tế. Để có thể đề nghị một vùng biển là khu PSSA, cần phải xét đồng thời 3 yếu tố: Tính quan trọng của vùng biển về mặt môi trường tự nhiên; Mức độ ô nhiễm môi trường vùng biển do các hoạt động hàng hải, đặc biệt là hàng hải quốc tế; Các giải pháp liên quan để ngăn ngừa, giảm thiểu hay loại trừ các mối đe dọa đó.

 

                                              

                                                  Phân bổ các khu PSSA trên các vùng biển thế giới

 

     Khi được công nhận là khu PSSA, vùng biển đó sẽ được vẽ ranh giới cụ thể vùng PSSA trên bản đồ hàng hải thế giới, được xuất bản và công bố cho các quốc gia thành viên về việc hạn chế hay nghiêm cấm hàng hải bắt buộc đối với tàu thuyền qua vùng biển PSSA. PSSA giúp các quốc gia kiểm soát, hạn chế các loại tàu thuyền một cách hợp pháp và tuân thủ các Công ước quốc tế về hàng hải như Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (COLREG), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO)…

     PSSA do IMO công nhận là vùng biển có giá trị cao với 17 tiêu chí về môi trường sinh thái, kinh tế - xã hội, khoa học và giáo dục, với chủ yếu là các KBT biển hay Khu đa dạng san hô. Tính đến năm 2012, có 14 Khu PSSA tại hầu hết các vùng biển trên thế giới và đã phát huy tác dụng bảo vệ đồng thời tài nguyên và chủ quyền lãnh thổ cho một số vùng đảo, quần đảo như Malpelo (Colômbia), Canary (Tây Ban Nha), Galapos (Ecuador), Hawaii (Mỹ)…. Có hàng loạt Khu PSSA liên quốc gia như Wadden Sea (Hà Lan, Đan Mạch, Đức); Eo Bonifacio (Italia, Pháp), ven biển Tây Âu, biển Baltic cũng tạo ra phương thức đồng kiểm soát quốc tế tài nguyên môi trường biển và tàu thuyền rất thành công. Lợi ích về an ninh biển và quản lý tài nguyên môi trường biển của các khu PSSA đã được công nhận, các tài nguyên thiên nhiên phát triển, nhiều vùng đã trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới.

     Mô hình khu PSSA cũng đã tạo cơ hội mới và triển vọng thiết lập hệ thống các KBT biển liên quốc gia. Điển hình như khu PSSA liên quốc gia Wadden Sea, được hình thành năm 2002 của 3 quốc gia Đức - Đan Mạch - Hà Lan đã liên kết bảo vệ nhiều khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia và đến nay sau khi IMO công nhận là PSSA chung thì cũng đã được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2009. Các tàu thuyền, đặc biệt đi qua lại vùng biển này đều phải có thông tin và báo cáo bắt buộc về các loại tàu thuyền, kể cả các tàu quân sự. Thực tế đã thiết lập được 5 khu PSSA liên quốc gia trên biển chiếm hơn 1/3 số khu PSSA đang tồn tại trên thế giới.

     II. Tiềm năng các khu PSSA Việt Nam - Giải pháp tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học biển

     Kinh nghiệm thế giới đã chứng minh hệ thống khu PSSA  là KBT biển khả thi và hữu hiệu cho các quốc gia có biển và cơ hội để thiết lập các KBT biển liên quốc gia, hoàn toàn thiết thực đối với Việt Nam. Các nhà khoa học đã có các nghiên cứu và đánh giá cụ thể về các khu đa dạng sinh học (ĐDSH) biển và nguy cơ tác động hàng hải cho Việt Nam, hiện có 23 khu vực biển đủ tiêu chuẩn là PSSA. 

Bảng: 23 khu bảo vệ - bảo tồn biển và ven biển Việt Nam đủ tiêu chuẩn là PSSA

STT

Khu vực biển

Đặc tính bảo tồn

Tỉnh

1

Vịnh Hạ Long

Di sản thiên nhiên

Quảng Ninh

2

Đảo Trần

Bảo tồn biển

Quảng Ninh

3

Cô Tô

Bảo tồn biển

Quảng Ninh

4

VQG Bái Tử Long

Vườn quốc gia

Quảng Ninh

5

Cát Bà

Khu sinh quyển,Bảo tồn biển

Hải Phòng

6

Bạch Long Vĩ

Bảo tồn biển

Hải Phòng

7

Xuân Thủy

Vườn quốc gia, ĐNN

Nam Định

8

Tiền Hải

ĐNN

Thái Bình

9

Hòn Mê

Bảo tồn biển

Thanh Hoá

10

Cồn Cỏ

Bảo tồn biển

Quảng Trị

11

Hải Vân-Sơn Trà

Bảo tồn biển

Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng

12

Cù Lao Chàm

Bảo tồn biển, khu sinh quyển

Quảng Nam

13

Lý Sơn

Bảo tồn biển

Quảng Ngãi

14

Vịnh Nha Trang

Bảo tồn biển

Khánh Hoà

15

Nam Yết

Bảo tồn biển

Khánh Hoà

16

Núi Chúa

Bảo tồn biển

Ninh Thuận

17

Hòn Cau

Bảo tồn biển

Bình Thuận

18

Phú Quý

Bảo tồn biển

Bình Thuận

19

Côn Đảo

Bảo tồn biển, ĐNN

Bà Rịa - Vũng Tàu

20

Cần Giờ

ĐNN, khu sinh quyển

TP Hồ Chí Minh

21

Cà Mau

VQG, ĐNN, Khu sinh quyển

Cà Mau

22

Phú Quốc

Bảo tồn biển

Kiên Giang

23

Hoàng Sa

San hô

Đà Nẵng

 

     Theo đánh giá của UNESCO, Việt Nam có rất nhiều vùng biển có giá trị thiên nhiên và môi trường quốc tế đặc biệt như Hạ Long, Cát Bà, ven biển châu thổ sông Hồng, Cù Lao Chàm, Cần Giờ, Cà Mau, Kiên Giang và sắp tới là Khu liên tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng). Năm 2010, Chính phủ đã có quyết định xây dựng 16 KTB biển: Đảo Trần, Cô Tô, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Sơn Trà - Hải Vân, Cù Lao Chàm, Nha Trang, Phú Quý, Hòn Cau, Núi Chúa, Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Yết. Thực tế Việt Nam mới chỉ có 5 KBT biển có ban quản lý, số còn lại đang trong giai đoạn lập hồ sơ và chờ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt.

     Ngoài ra, Việt Nam còn có các Vườn quốc gia ven biển như Bái Tử Long, Cát Bà, Xuân Thủy, Núi Chúa, Côn Đảo, Cà Mau, Phú Quốc và các khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, Thạnh Phú. Năm 2008, Chính phủ đã có quy hoạch 45 các KBT nước nội địa bao gồm cả các cửa sông ven biển. Một số KBT có các hệ sinh thái biển giá trị cao nhưng dễ bị tổn thương như rừng ngập mặn, san hô tuy đang có các biện pháp bảo vệ. Các rạn san hô và rừng ngập mặn là nơi sinh sống, đẻ trứng của nhiều loài sinh vật biển, là lá chắn sóng, chống xói mòn và bảo vệ bờ biển, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

     Nghĩa vụ, trách nhiệm bảo tồn hệ sinh thái biển, bảo vệ ĐDSH biển và đại dương là của tất cả các quốc gia, công dân trên thế giới. Sự tổn thất về ĐDSH biển Việt Nam đang diễn ra ngày một gay gắt, chủ yếu là do sự phá hủy môi trường sống, sự khai thác quá mức, và đặc biệt các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động hàng hải (dầu tràn, nước dằn tầu, hóa chất, sinh vật ngoại lai, đắm tầu). Hoạt động giao thông vận tải thủy là hoạt động kinh tế phát triển mạnh nhưng có nhiều tác động bất lợi đối với môi trường thiên nhiên, đặc biệt các khu vực sông biển, có tuyến luồng hàng hải và cảng. Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển hàng hải và hệ thống cảng biển Việt Nam chưa được gắn liền toàn diện với bảo vệ ĐDSH biển, vì sự phát triển bền vững của các hệ sinh thái biển. ĐDSH như hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn và cỏ biển đang bị suy giảm rõ rệt. Hiện tượng thủy triều đỏ và bùng phát tảo nở hoa xuất hiện thường xuyên hơn, tuy quy mô không lớn, ở vùng ven bờ Nam Trung Bộ như ở Bình Thuận, Khánh Hòa và Đà Nẵng.

     Theo số liệu Cục Đăng kiểm Việt Nam, nguyên nhân chính gây ô nhiễm biển gồm: súc rửa hầm hàng chiếm 46%, từ nước la canh và ballast chiếm 22%, tràn dầu chiếm 24%, sự cố giao nhận dầu 3% và do nguyên nhân khác là 3%. Các loại tàu thuyền nước ta đã tiêu thụ khoảng hơn 1/4 lượng nhiên liệu lỏng và xả vào không khí nhiều khí thải như CO2, CO, chất hữu cơ bay hơi (VOCs), SO2, các Oxit nitơ (NOx), bồ hóng (muội than). Ô nhiễm đáng kể nhất do hoạt động vận tải thủy vẫn là ô nhiễm nước do dầu, tích đọng kim loại nặng vào trầm tích. Nồng độ dầu trung bình trong nước tại khu vực các sông khu vực Hạ Long - Hải Phòng khoảng 0,26mg/lít, khu vực Đà Nẵng - Dung Quất khoảng 0,29mg/lít và vùng Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 0,14 - 0,52mg/lít. Khoảng 50% số tuyến sông được đánh giá bị ô nhiễm nước do có hoạt động vận tải thủy nội địa; trên mỗi tuyến sông có hoạt động vận tải thủy phải tiếp nhận khoảng 100 - 275m3 nước thải nhiễm bẩn không qua xử lý/ngày từ các phương tiện vận tải thủy. 

     Dọc bờ biển Việt Nam có 90 cảng biển, 48 vũng vịnh và trên 112 cửa sông, cửa lạch đổ ra biển. Đặc biệt, vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên các tuyến hàng hải huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản. Thêm vào đó với hệ thống sông ngòi dày đặc như hệ thống sông vùng duyên hải Quảng Ninh, hệ thống sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Đông Trường Sơn, sông Đồng Nai - Vàm Cỏ và hệ thống sông Cửu Long..., các tuyến đường sông, đường bộ ven biển được xây dựng trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương nội địa mà còn giữa Việt Nam với các nước khác trong khu vực. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho Việt Nam trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa, an ninh quốc phòng, an ninh hàng hải.

     Với sự ra đời của Luật Biển Việt Nam năm 2012, cùng với các Luật BVMT, Đa dạng sinh học, Bộ Luật hàng hải Việt Nam, Luật Thủy sản, sắp tới là Luật Tài nguyên môi trường biển, Việt Nam cần xây dựng hệ thống khu PSSA, nhằm tăng cường bảo vệ ĐDSH biển, tiến tới đề xuất thêm các vùng biển trở thành di sản thiên nhiên biển thế giới như Hoàng Sa, Trường Sa, vốn đã được đề xuất từ một số nghiên cứu quốc tế với vẻ đẹp sinh động của các rạn san hô biển độc đáo.

     Việt Nam cũng cần có Chiến lược quốc gia xây dựng hệ thống các khu PSSA trên các vùng biển, phục vụ phát triển biển bền vững về môi trường và ĐDSH, hợp tác quốc tế về tài nguyên môi trường.

Trước mắt nên xem xét xây dựng 1 số khu PSSA biên giới như 7 khu hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc, và cũng là các đảo thuộc đường cơ sở biển tuân thủ Công ước Luật biển 82 như Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Yết - Trường Sa. Tất cả những vùng này đều đủ tiêu chí của IMO để có thể trở thành PSSA. Với phương tiện, kỹ thuật quân sự hạn chế, tình hình biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, Việt Nam có thể xem xét trong thời gian sớm nhất xây dựng hồ sơ khu PSSA Trường Sa, Hoàng Sa… trình IMO. Nếu được công nhận Việt Nam sẽ dễ dàng kiểm soát, bảo vệ tài nguyên biển và đồng thời bảo vệ, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

     Thời gian tới, cần chuẩn bị nghiên cứu các cơ sở khoa học, pháp lý, để cùng các quốc gia láng giềng trên biển (Trung Quốc, Philipin, Malaixia, Inđônêxia, Brunây, Campuchia, Thái Lan) để đàm pháp, ký kết thiết lập các khu PSSA song phương hay đa phương. Đây cũng là công việc quan trọng tuân thủ các công ước BVMT và ĐDSH biển như UNCLOS, MARPOL, CBD, RAMSAR, WHC, DOC… và các thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và các quốc gia biển khác.

 

Tài liệu tham khảo:

1.IMO, 2007.

2.PSSA- công cụ quản lý môi trường biển. Tạp chí Hàng hải, 12/2010.

3.Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020.

4.Nguyễn Huy Yết, Đặng Ngọc Thanh. Bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam. Nhà XB KHTN và CN, Hà Nội.

5. Dư Văn Toán, và nnk, 2012. Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ TNMT “Nghiên cứu luận cứ khoa học và thực tiễn xác định các vùng PSSA trên vùng biển Việt Nam”

 

 

 

Dư Văn Toán

                                                             Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo

Nguồn: Tạp chí MT, số 9/2013

 

 

Ý kiến của bạn