Banner trang chủ

Hà Nội tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí

02/05/2019

     Thời gian gần đây, thông tin về chất lượng không khí (CLKK) ở Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Để đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định về vấn đề này.

     PV: Theo Báo cáo của Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 đang đứng thứ 2 trong khu vực. Ông nghĩ thế nào về nhận định này?

 

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định

 

     Ông Lê Tuấn Định: Liên quan đến thông tin “Hà Nội là TP ô nhiễm bụi PM2.5 đứng thứ hai Đông Nam Á”, mà một số bài báo gần đây đề cập, trích nguồn từ báo cáo của GreenID, tuy nhiên, do không giải thích đầy đủ, thiếu chính xác, dễ dẫn đến hiểu lầm trong cộng đồng khi tiếp nhận thông tin. Theo Báo cáo của GreenID về Hiện trạng CLKK toàn cầu so sánh giá trị bụi PM2.5 tại một số TP trong khu vực Đông Nam Á, Hà Nội đứng thứ 2 sau Jakarta (Inđônêxia) về mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên, nhận định Hà Nội ô nhiễm bụi PM2.5 đứng thứ hai Đông Nam Á là chưa chính xác, bởi vì trong Bảng thống kê, chỉ có dữ liệu của 20 TP thuộc 4 quốc gia: Thái Lan (14 TP), Inđônêxia (1 TP); Philipin (3 TP), Việt Nam (2 TP), không có đủ số liệu của 11 quốc gia của khu vực Đông Nam Á để có thể đánh giá, xếp hạng theo như nhận định đã nêu.

     Bên cạnh đó, nếu so sánh với các TP khác của Châu Á, mức độ ô nhiễm của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thấp hơn rất nhiều. Giá trị bụi PM2.5 trung bình năm 2018 tại Hà Nội là 40,8 µg/m3, ở TP. Hồ Chí Minh là 26,9 µg/m3, trong khi đó, Dhaka (Băng-la-đét) là 97,1 µg/m3; Dehli (Ấn Độ): 113,5 µg/m3; các TP của Trung Quốc như Hòa Điền, Hà Bắc, Từ Châu, Trịnh Châu… dao động từ 65,5 - 116 µg/m3...

     PV: Ông có thể cho biết, nguyên nhân vì sao CLKK ở Hà Nội diễn biễn xấu trong khoảng thời gian đầu năm 2019?

     Ông Lê Tuấn Định: Trên cơ sở dữ liệu thu được từ 10 trạm quan trắc CLKK trong năm 2017, 2018 và các số liệu tại các trạm quan trắc khác trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí có xu hướng tăng cao vào các tuần cuối năm, hoặc những ngày có điều kiện khí tượng bất lợi; nồng độ các chất đó lại giảm đi vào tuần nghỉ lễ, Tết và những ngày có điều kiện khí tượng thuận lợi. Kết quả quan trắc CLKK trong 3 tháng đầu năm 2019 cũng thể hiện xu hướng này. Trong thời gian này, nồng độ bụi PM2.5 có trong không khí cao, đặc biệt tăng cao vào cuối tháng 1 (thời điểm Tết Nguyên Đán) và giữa tháng 3.

 

Nồng độ  bụi PM2.5 thường tăng cao vào các giờ cao điểm, khi mật độ giao thông lớn

 

     Nguyên nhân chính khiến CLKK xấu đi tại 2 thời điểm trên là do điều kiện khí tượng bất lợi. Trong 3 tháng đầu năm, TP. Hà Nội vẫn còn chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc; gió mùa có thể mang bụi từ các nguồn ở xa tới, cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao, làm nồng độ bụi PM trong không khí tăng cao; hoặc có những hôm trời hửng nắng, ngày có nhiệt độ khá cao, nhưng đêm đến, nhiệt độ giảm mạnh. Thời điểm đó có thể xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt (nhiệt độ lớp không khí gần mặt đất có nhiệt độ thấp, trong khi lớp không khí bên trên có nhiệt độ cao hơn, thông thường càng lên cao, nhiệt độ không khí càng giảm), tạo ra lớp sương mù bao phủ toàn TP ở độ cao khá thấp. Sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển trở nên bất lợi, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm cho chất ô nhiễm có trong không khí ngày càng tích tụ, khiến CLKK trong thời gian gần đây xấu đi rõ rệt.

     Ngoài ra, các ngày cuối tháng 1/2019 là thời điểm cuối năm âm lịch 2018, nhu cầu đi lại nhiều, lượng phương tiện tham gia giao thông tăng lên, gây ùn tắc giao thông trên nhiều khu vực của TP. Đây cũng chính là dịp Lễ Tất niên truyền thống, các gia đình đốt vàng mã tăng cao; các gia đình thường dọn dẹp nhà cửa, dẫn đến hoạt động đốt rác diễn ra phổ biến; tại khu vực ngoại thành, người dân thường đốt các phụ phẩm nông nghiệp trên đồng ruộng. Do thành phần rác rất đa dạng, hoạt động đốt rác được thực hiện theo cách thủ công, thời gian đốt kéo dài, tạo lượng khói lớn, ảnh hưởng tới CLKK. Đồng thời, thời điểm này, các công trình xây dựng cũng phải gấp rút hoàn thiện trước khi nghỉ Tết, đã phần nào làm tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

     Chính điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với khí thải từ giao thông, xây dựng, hoặc nguồn thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề… làm cho không khí Hà Nội bị tích tụ chất ô nhiễm, dẫn đến CLKK kém đi.

     PV: Sở TN&MT đã, đang triển khai những giải pháp gì để cải thiện CLKK tại Hà Nội?

     Ông Lê Tuấn Định: Để cải thiện CLKK, trong giai đoạn 2017 - 2018, TP đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1.000.000 cây xanh, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông, tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc, lát lại vỉa hè để phục vụ người dân đi bộ; hạn chế phương tiện cá nhân; thay thế xăng A92 bằng xăng E95; tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông; thay thế than tổ ong; cấm và hạn chế đốt rơm rạ. Đối với các hoạt động xây dựng, các công trình cũng phải được che chắn, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường không khí; các xe tải trọng cao, chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải được đóng kín thùng, rửa trước khi vào TP và ra khỏi công trường…. Ngoài ra, Sở cũng tăng cường đầu tư các bãi phế thải xây dựng, áp dụng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại, tiên tiến và đẩy mạnh công tác thu gom rác thải sinh hoạt. Mặt khác, TP cũng đã triển khai các đề án nhằm cải thiện CLKK như: Đề án chống ồn, chống bụi; Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030; Xử lý chất thải y tế nguy hại; Thu gom, xử lý chất thải nguy hại.

     PV: Xin cảm ơn ông!

 

Giáng Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)

Ý kiến của bạn