Banner trang chủ

Gieo rừng

03/05/2018

 

     Gieo rừng là một lời nhắc nhở con người hãy suy xét về nguồn gốc của đồ gỗ, của giấy và các sản phẩm làm từ cây gỗ hiện hữu hàng ngày. Ngày nay, việc con người tiêu thụ những sản phẩm từ gỗ đang phá hủy đi ngôi nhà của các loài thú hoang dã nói riêng và Trái đất nói chung. Để tìm hiểu về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Lê Thiện Đức - Điều phối viên Chương trình Rừng thuộc Tổ chức WWF Việt Nam.

TS. Lê Thiện Đức

 

     Được biết, vừa qua, WWF có tổ chức sự kiện Gieo rừng. Ông có thể cho biết ý nghĩa của sự kiện này và thông điệp của WWF muốn chuyển tải tới cộng đồng, thưa ông?

     TS. Lê Thiện Đức: Từ ngày 23 - 26/11/2017, người dân TP. Hồ Chí Minh đã có dịp trải nghiệm công nghệ thực tế tăng cường (AR) khi tới gian hàng của WWF trong triển lãm Hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam (VIFA HOME). Thông qua công nghệ mang tính sáng tạo và tương tác cao, WWF muốn gửi tới công chúng thông điệp: “Khi sử dụng sản phẩm gỗ có trách nhiệm, bạn đã góp phần giúp cho các cánh rừng của Việt Nam được gìn giữ và phát triển bền vững, tạo môi trường trong lành và cuộc sống an sinh của người dân sống gần rừng tốt đẹp hơn”.

     Từ thủa xưa, gỗ là một nguyên liệu mang lại nhiều tiện nghi cho cuộc sống con người, từ những nhu cầu cơ bản như sưởi ấm, nấu ăn cho tới các vật dụng thường ngày như bàn ghế, giường, tủ... Cho tới nay, mặc dù đã có nhiều nguyên liệu có thể thay thế, nhưng gỗ vẫn là một trong những nguyên liệu được yêu thích. Với dân số bùng nổ trên toàn cầu, nhu cầu về gỗ ngày càng gia tăng, nhiều khu rừng tự nhiên trên thế giới và của Việt Nam đã bị chặt phá, cùng với đó nhiều cánh rừng thương mại được trồng để đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, không phải cánh rừng nào cũng được chăm sóc và khai thác có trách nhiệm. Các hoạt động phá rừng tự nhiên bất hợp pháp và phương pháp trồng rừng không bền vững đã khiến cho môi trường bị suy thoái, đẩy các loài thú dần biến mất do mất sinh cảnh sống.

     Với mong muốn người dân hiểu được thế nào là gỗ có trách nhiệm, trong triển lãm về đồ gỗ VIFA HOME, WWF đã mời công chúng tới tham gia sự kiện “Gieo rừng”. Với sự trợ giúp của công nghệ, người đến gian hàng của WWF đã có cơ hội trở thành “phù thủy” hô biến những cánh rừng điêu tàn thành ngôi nhà tuyệt diệu cho các loài thú và tương tác với chúng. Đây là một trong chuỗi hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sản phẩm gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (QLRBV) và nguồn gốc minh bạch nhằm thúc đẩy phát triển thị trường cho loại sản phẩm này tại Việt Nam. Thông qua hoạt động này, người dân được tiếp cận với khái niệm QLRBV, bắt đầu xây dựng nhận thức về việc bảo vệ gìn giữ những giá trị do rừng mang lại đối với cuộc sống của con người, từ đó dần dần thay đổi thói quen tiêu dùng sản phẩm gỗ, hướng tới một xã hội văn minh, con người sống hài hòa với tự nhiên.

     Xin ông cho biết, các sáng kiến QLRBV trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay?

      TS. Lê Thiện Đức: Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều sáng kiến về QLRBV, mỗi sáng kiến có cách tiếp cận khác nhau. Hiện có 2 sáng kiến chính là Hướng dẫn của Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO) và Nguyên tắc và tiêu chí của Hội đồng Quản trị rừng (FSC). Các tiêu chuẩn về chứng chỉ rừng trên thế giới gồm Hội đồng Quản trị rừng thế giới (FSC) và Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng châu Âu (PEFC). Ngoài ra, cũng có một số tiêu chuẩn quốc gia như SFI của Mỹ, CSA của Canada, LEI của Inđônêxia và MTCC của Malaixia.

FSC là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động độc lập. FSC đưa ra tiêu chuẩn hướng đến việc QLRBV cả về mặt môi trường và xã hội. Tôn chỉ hoạt động của FSC là duy trì những cánh rừng trên thế giới, phục vụ cho các thế hệ tương lai - đảm bảo con người có rừng và rừng cung cấp sản phẩm bền vững lâu dài. Tiêu chuẩn quản lý rừng của FSC hiện được coi là một trong những tiêu chuẩn quốc tế uy tín nhất. Hiện nay, FSC đã chứng nhận được 199 triệu ha rừng.

     PEFC là tổ chức toàn cầu nhằm đánh giá và công nhận các chương trình chứng chỉ rừng quốc gia được xây dựng trong một quá trình có nhiều bên tham gia. Hiện PEFC là tổ chức chứng nhận rừng lớn nhất, đã chứng nhận được 313 triệu ha rừng.

     Ở Việt Nam, WWF là một trong những tổ chức tiên phong trong việc thúc đẩy QLRBV và chứng chỉ rừng tại Việt Nam. Năm 1999, WWF đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo đầu tiên về QLRBV và Chứng chỉ rừng FSC (chứng chỉ rừng được cấp theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng thế giới) ở TP. Hồ Chí Minh, sau đó hỗ trợ thành lập tổ công tác quốc gia về QLRBV và chứng chỉ rừng. WWF cũng hỗ trợ xây dựng bản thảo tiêu chuẩn quản lý rừng FSC cho Việt Nam dựa trên Bộ nguyên tắc và tiêu chí về QLRBV của FSC.

     Năm 2015, FSC ban hành bộ tiêu chuẩn mới với các nguyên tắc, tiêu chí sửa đổi và chỉ số chung cho quốc tế (FSC-STD-60-004 V1-0 EN). Trên cơ sở đó, các quốc gia đang xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia theo bộ tiêu chuẩn mới này và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Việt Nam đã thành lập nhóm xây dựng tiêu chuẩn và đã chỉnh sửa các chỉ số cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam, đồng thời tổ chức tham vấn các bên liên quan. Bộ tiêu chuẩn mới của Việt Nam đã được trình cho FSC xem xét vào tháng 7/2017. Tuy nhiên cho đến nay chưa có phê duyệt chính thức của FSC cho Bộ tiêu chuẩn của Việt Nam.

     Ngoài ra, Việt Nam đang xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia để cấp chứng chỉ QLRBV phù hợp với luật pháp Việt Nam và hài hòa với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế theo Quyết định số 83/QĐ-BNN-TCLN phê duyệt Đề án thực hiện QLRBV và chứng chỉ rừng giai đoạn 2016-2020. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được Bộ NN&PTNT giao phối hợp Tổng cục Lâm nghiệp và Tổ biên soạn xây dựng Bộ tiêu chuẩn QLRBV cho Hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam. Cho đến nay, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã thực hiện đánh giá khoảng trống giữa Bộ nguyên tắc QLRBV của Thông tư số 38/2014/TT-BNNPTNT với Bộ tiêu chuẩn hiện hành của PEFC và xác định các nguyên tắc và tiêu chí còn thiếu, hoặc chưa phù hợp cần phải điều chỉnh. Tiếp theo, Việt Nam sẽ xây dựng thông tư quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ rừng, quyền hạn và nhiệm vụ của các tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ rừng; xây dựng hồ sơ và đăng ký tham gia hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế, trước mắt là tham gia Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng châu Âu (PEFC).

     Thưa ông, Việt Nam đã có các quy định gì để khuyến khích cộng đồng và doanh nghiệp tham gia QLRBV?

      TS. Lê Thiện Đức: Trong vòng trên 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy QLRBV. Đầu tiên phải kể đến Chiến lược phát triển lâm nghiệp 2006-2020 với mục tiêu: Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,24 triệu ha đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; Nâng tỷ lệ đất có rừng lên 42 - 43% vào năm 2010 và 47% vào năm 2020; Đảm bảo có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp; Bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, xóa đói giảm nghèo; Xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn miền núi; Góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.

     Tiếp đến là năm 2006, Bộ NN&PTNT đã ra Quyết định số 83/QĐ-BNN-TCLN phê duyệt Đề án thực hiện QLRBV và chứng chỉ rừng giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu chung của Đề án là quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị dịch vụ môi trường rừng, thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng ở Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới, góp phần nâng cao giá trị gia tăng ngành Lâm nghiệp. Theo Đề án này tới năm 2020 sẽ có ít nhất 500.000 ha rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, trong đó 350.000 ha là rừng trồng và 150.000 ha là rừng tự nhiên. Cho đến nay, toàn bộ diện tích đạt được chứng chỉ rừng của Việt Nam là 231.704 ha, đạt được 46% so với mục tiêu đạt ra.

     Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg về việc một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp. Trong Quyết định này có đề cập đến chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán và khuyến lâm từ ngân sách nhà nước như: Trồng các loài cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi) trên đất trống đồi núi trọc, cây đa mục đích, cây bản địa, mức hỗ trợ 8 triệu đồng/ha; trồng các loài cây sản xuất gỗ nhỏ (khai thác trước 10 năm tuổi) và cây phân tán (quy đổi 1.000 cây/ha), mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; Trồng rừng sản xuất trên đất trống đồi núi trọc tại các xã biên giới, các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Nguyên được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/ha ngoài mức hỗ trợ quy định nêu trên; Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng trồng rừng khảo nghiệm (giống mới, trên vùng đất mới) theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được hỗ trợ vốn bằng 60% giá thành trồng rừng được duyệt. Mỗi mô hình trồng rừng khảo nghiệm được hỗ trợ không quá 2 ha; Hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm: 500.000 đồng/ha/4 năm (1 năm trồng và 3 năm chăm sóc); Hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng: 300.000 đồng/ha; và đặc biệt hỗ trợ một lần cấp chứng chỉ rừng bền vững cho các doanh nghiệp, cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình: 70% chi phí, tối đa không quá 300.000 đồng/ha quy mô tối thiểu 100 ha trở lên (cho rừng tự nhiên, rừng trồng). Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tài chính này chưa chủ rừng nào tiếp cận xin hỗ trợ thành công.

     Để đẩy mạnh việc QLRBV và thu hút cộng đồng, doanh nghiệp tham gia, trong thời gian tới cần triển khai một số giải pháp chính, đó là: Tiếp tục thu hút các dự án thúc đẩy QLRBV và chứng chỉ rừng cho các công ty lâm nghiệp, đặc biệt là nhóm hộ trồng rừng; Liên kết chuỗi các nhà sản xuất, các nhà chế biến và các nhà thương mại lại với nhau, tạo liên kết thị trường cho các chủ rừng hướng đến QLRBV và các nhà chế biến thương mại hướng đến thương mại và sản xuất lâm nghiệp có trách nhiệm; Thúc đẩy thị trường nội địa đối với sản phẩm gỗ có chứng chỉ thông qua các nhà sản xuất, các kênh bán lẻ và truyền thông để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước đối với sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC, lợi ích việc tiêu dùng sản phẩm này từ đó bước đầu tạo cầu tiêu thụ sản phẩm có chứng chỉ trong thị trường nội địa với các công ty đối tác tiên phong (hiện thị trường sản phẩm có trách nhiệm chủ yếu cho thị trường quốc tế); Chính phủ Việt Nam cần đưa ra chính sách mua sắm công, đảm bảo các cơ quan nhà nước đi tiên phong trong việc sử dụng các sản phẩm gỗ có chứng chỉ; Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiểu biết của các chủ rừng về tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại gỗ (FLEGT) và các quy định có liên quan nhằm đưa các thông tin/quy định về thương mại gỗ hợp pháp đến với chủ rừng và doanh nghiệp nhỏ; Các công trình xây dựng cũng cần áp dụng tiêu chuẩn sử dụng các sản phẩm gỗ (nội thất, ngoại thất) như tiêu chuẩn của Hội đồng công trình xanh của Mỹ - tiêu chuẩn LEDD.

 

Rừng keo của hộ gia đình được trồng theo mô hình quản lý rừng bền vững ở Huế - Ảnh: Lộc Vũ Trung/WWF

TS. Lê Thiện Đức

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2018)

Ý kiến của bạn