Banner trang chủ

Dự báo, phòng ngừa và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường do hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn và làng nghề

06/10/2015

   Nông thôn Việt Nam có diện tích chiếm 80% tổng diện tích của cả nước và là nơi sinh sống của 67% dân số, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước. Các hoạt động chính đã và đang phát triển ở nông thôn bao gồm sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản); chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất tại các làng nghề và hoạt động dân sinh. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, các hoạt động này đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến phát triển bền vững tại khu vực nông thôn hiện nay.

   1. Nhận dạng các áp lực đối với môi trường nông thôn từ các hoạt động phát triển KT-XH

   Sản xuất nông nghiệp

   Trong trồng trọt, việc sử dụng ngày càng tăng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học và hóa chất BVTV đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường do không kiểm soát được các dư lượng phân bón hóa học, dư lượng hóa chất BVTV gây ô nhiễm nguồn nước, phú dưỡng hóa môi trường thủy sinh và làm thoái hóa môi trường đất.

   Việc thâm canh mùa vụ làm tăng nhanh khối lượng phế phụ phẩm sau thu hoạch như rơm, rạ, trấu, cám, lõi ngô. Ước tính chất thải nông nghiệp (rơm, rạ) hàng năm lên tới 76 triệu tấn. Biện pháp xử lý đối với loại chất thải này chủ yếu là đốt ngoài đồng ruộng, tạo nên các luồng khói chứa CO, CO2, NOx, bụi mịn, Aldehyde... ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí.

   Quá trình khai thác quá mức và chuyển đổi rừng nguyên sinh sang mục đích khác như độc canh cây công nghiệp đã làm suy thoái đất rừng và suy giảm đa dạng sinh học. Đây cũng là nguyên nhân tác động đến môi trường các khu lân cận như lũ lụt, thiên tai, xói mòn, sạt lở đất…

   Sự gia tăng đàn và số lượng vật nuôi đã làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng do chất thải chăn nuôi tăng. Chất thải chăn nuôi gồm có hai dạng là chất thải rắn (phân, các chất độn chuồng, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm…) và chất thải lỏng (nước tiểu, nước rửa chuồng, nước tắm cho gia súc…). Theo thống kê đến nay có khoảng 40-50% lượng chất thải rắn chăn nuôi được xử lý, số còn lại thải trực tiếp ra ao, hồ, kênh, rạch.

   Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm đang diễn ra ở mức báo động về ô nhiễm môi trường, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Các điểm giết mổ nhỏ lẻ chủ yếu nằm trong các khu dân cư và phát triển một cách tự phát. Các loại chất thải trong quá trình giết mổ xả tràn lan và trực tiếp xuống sông, cống, rãnh thoát nước gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

   Chế biến nông, lâm, thủy sản

   Chất thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản như nguồn thức ăn dư thừa, thối rữa bị phân hủy; các loại hóa chất, thuốc kháng sinh, lưu huỳnh lắng đọng, diatomit, dolomit…; đặc biệt lớp bùn thải phát sinh do hoạt động vệ sinh và nạo vét ao nuôi, nước thải nuôi trồng thủy sản có hàm lượng chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và chất rắn lơ lửng cao làm cho nước ô nhiễm màu và mùi rất khó chịu.

   Chất thải phát sinh trong quá trình chế biến thủy sản bao gồm nước thải từ quá trình rửa, sơ chế nguyên liệu, chế biến sản phẩm, vệ sinh nhà xưởng, nước rửa máy móc thiết bị, dụng cụ sản xuất; chất thải rắn là các phụ phẩm (đầu, xương, nội tạng…); chất thải nguy hại từ các thùng đựng hóa chất, các loại thuốc khử trùng như chlorine, hóa chất cơ bản, chế phẩm hóa học gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản còn gây sức ép đối với rừng ngập mặn ven biển.

   Hầu hết, các đơn vị chế biến đều được xây dựng gắn liền với vùng nguyên liệu tập trung. Các cơ sở này hình thành tự phát, phân tán với quy mô nhỏ, lẻ, công nghệ lạc hậu. Ngoài ra, các cơ sở này còn tiêu thụ năng lượng lớn, sử dụng nguồn nước nhiều và các phụ phế phẩm của quá trình chế biến không được thu gom, thải trực tiếp vào môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.   

   Sản xuất tại các làng nghề

   Trong thời gian qua, hoạt động sản xuất tại các làng nghề phát triển mạnh song vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, công nghệ và thiết bị thủ công, đơn giản, lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp. Những yếu tố này đã tạo áp lực đối với chất lượng môi trường khu vực nông thôn có làng nghề và sức khỏe cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng không đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, không có đủ diện tích dành cho các công trình xử lý ô nhiễm, cảnh quan thiên nhiên bị phá dỡ để làm mặt bằng sản xuất và các khu tập kết chất thải.

   Các hoạt động dân sinh

   Với số dân sinh sống tại khu vực nông thôn chiếm đến 67% tổng dân số cả nước thì hoạt động dân sinh ở vùng nông thôn sẽ có tác động không nhỏ đến môi trường. Khi kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, đồng nghĩa với việc chất thải sinh hoạt của người dân ngày càng tăng. Nguồn nước thải sinh hoạt không được xử lý sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường nước và môi trường đất, ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân. Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn có tỷ lệ các thành phần nhựa, cao su, ni lông, bao bì đựng các vật liệu hữu cơ và vô cơ tăng dẫn đến các biện pháp xử lý các chất thải rắn sinh hoạt truyền thống bị hạn chế. Các bãi rác tự phát không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường không khí do phát tán mùi hôi; ô nhiễm nước mặt và nước ngầm do nước rỉ rác và thay đổi chất lượng thành phần đất, tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

   Sự phát triển các khu đô thị và khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn hay các vùng lân cận đã làm giảm diện tích đất trồng trọt, thay đổi đáng kể diện mạo mô hình nông thôn truyền thống. Nhiều cụm công nghiệp đã hình thành tại khu vực nông thôn nhưng chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng và công trình BVMT. Bên cạnh đó, một số khu công nghiệp, khu kinh tế ở các vùng lân cận có hiện tượng xả chất thải ô nhiễm vào khu vực nông thôn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, biến đổi khí hậu đã làm cho hiện tượng thời tiết thay đổi bất thường và đang có dấu hiệu phổ biến gây ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và gia tăng sức ép lên con người và môi trường nông thôn.

   2. Dự báo các áp lực do phát triển KT-XH trong những năm tới và định hướng biện pháp tổng hợp phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường nông thôn

   Căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp có thể thấy, xu hướng phát triển về số lượng, diện tích, năng suất của các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tại các làng nghề trong những năm tới. Dự báo về xu hướng phát triển ngành nông nghiệp thông qua các kế hoạch, chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn liên tục tăng trưởng với tốc độ 4-5%/năm. Có thể nhận thấy, trong thời gian 5 - 10 năm tới nếu công tác BVMT không có gì thay đổi thì các loại chất thải phát sinh từ trồng trọt, chăn nuôi đều có sự tăng nhanh khoảng 20-40% so với hiện nay. Đây là con số rất đáng lo ngại, tình trạng tích lũy chất ô nhiễm trong đất, nước mặt và nước ngầm sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và sức khỏe của người dân.

   Song song với tốc độ phát triển KT-XH, chất thải từ hoạt động dân sinh ngày càng tăng, đa dạng về chủng loại và thành phần, đặc biệt là chất thải rắn và nước thải. Nếu giả thiết, đến năm 2020, số lượng người dân tại khu vực nông thôn không thay đổi, các phế phẩm, rác thải không thay đổi nhưng đa dạng hơn về thành phần và chủng loại, đặc biệt là các thành phần khó phân hủy thì áp lực lên môi trường khi không được xử lý sẽ tăng lên đáng kể. Đặc biệt, tại các làng nghề, tình trạng chất thải rắn sinh hoạt và sản xuất không được phân loại thì mức độ phức tạp về thành phần chất thải rắn lại tăng lên gấp bội. Bên cạnh đó, nước thải ngày càng ứ đọng, ngấm sâu vào đất, nước ngầm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân.

   Phát triển bền vững là quan điểm xuyên suốt đối với sự phát triển ở Việt Nam, trong đó có môi trường nông thôn. Chiến lược phát triển KT-XH gắn liền với hoạt động bảo vệ và cải thiện môi trường, đảm bảo sự hài hòa giữa môi trường và phát triển KT-XH khu vực nông thôn, điều này cần được thể hiện rõ qua các chính sách và biện pháp triển khai trong thực tiễn. Đó là không hy sinh lợi ích môi trường nông thôn cho lợi ích kinh tế trước mắt; đó là lợi ích của sản xuất nông nghiệp cũng như các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, làng nghề… cần được gắn liền với hoạt động BVMT vì sự phát triển bền vững và vì cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn.

Chất thải sinh hoạt ngày càng gia tăng một phần do hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn và làng nghề gây ra

   Để hướng tới phát triển triển bền vững tại các vùng nông thôn, cần có định hướng các biện pháp tổng hợp phù hợp với điều kiện môi trường nông nghiệp - nông thôn với các giải pháp hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BVMT nông thôn; Xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống quản lý và BVMT các cấp, đặc biệt là đối với BVMT nông thôn cấp xã, huyện; Lựa chọn và đề xuất các giải pháp kỹ thuật công nghệ trong phòng ngừa giảm thiểu và xử lý các loại chất thải nông nghiệp và nông thôn phù hợp, khả thi và hiệu quả; Tăng cường các hoạt động giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường, phòng ngừa và ứng phó các sự cố rủi ro; Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức BVMT và huy động sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động BVMT.

Tài liệu tham khảo

Luật BVMT số 55/2014/QH13

Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản

Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến 2020 và tầm nhìn đến 2030

Kế hoạch phát triển ngành NN&PTNT 2016-2020

Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp 2010-2020

Bộ TN&MT - Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2014 - Môi trường nông thôn.

     Đặng Kim Chi (Chủ biên) Làng nghề Việt Nam và môi trường, phần 1, 2, 3 - Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật 2012, 2013, 2014

GS.TS.NGND. Đặng Kim Chi

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9 - 2015)

Ý kiến của bạn