07/01/2019
Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, quy định khá cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường biển. Nhưng thực tiễn kiểm soát ô nhiễm môi trường biển những năm qua cho thấy, các quy định pháp luật về vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Theo Tiến sĩ Bùi Đức Hiển,Viện Nhà nước và Pháp luật, để tạo thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, pháp luật hiện hành quy định có 2 nhóm quy chuẩn kỹ thuật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Đó là Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước biển và Nhóm quy chuẩn với chất thải, nước thải ra biển. Trên cơ sở đó, năm 2015, Việt Nam đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển, để đánh giá và kiểm soát chất lượng nước biển của các vùng biển, phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường biển và các mục đích khác; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý chất thải nhằm kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường biển.
Tuy vậy, qua nghiên cứu cho thấy, đa số các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải, nước thải ra biển đã được ban hành cách đây hơn 10 năm, nhiều thông số đã bị lạc hậu so với quy chuẩn của khu vực và quốc tế, không đáp ứng được yêu cầu kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trên thực tế. Chẳng hạn như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2008/BTNMT về chất lượng nước biển ven bờ; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 11:2008/BTNMT về nước thải công nghiệp chế biến thủy sản; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 38:2011/BTNMT về chất lượng nước mặt bảo vệ đời sống thủy sinh…
(Ảnh minh hoạ: IE)
Luật BVMT năm 2014; Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và hải đảo năm 2015; Bộ luật Hàng hải năm 2015; Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi, bổ sung năm 2008; Luật Du lịch năm 2005; Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển đều quy định dựa trên nguyên tắc BVMT phải lấy phòng ngừa là chính. Song thực tế còn nhiều bất cập như chưa xây dựng được Danh mục thu hút đầu tư các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường theo quan điểm đề ra trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg; thiếu các quy định cụ thể về phát hiện ô nhiễm môi trường biển; thiếu các công cụ đánh giá thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển gây ra...
Cụ thể, trong Luật BVMT năm 2014 đã có quy định chung về phát hiện ô nhiễm môi trường, như quan trắc môi trường, thông tin về tình hình môi trường, thanh tra, kiểm tra ô nhiễm môi trường, nhưng chưa quy định cụ thể về phát hiện ô nhiễm môi trường biển. Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo năm 2015 có quy định về vấn đề này cụ thể hơn, nhưng vẫn còn thiếu các yếu tố bảo đảm cho quá trình này. Chẳng hạn nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, đặc biệt là chưa có quy định về ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Về thông tin tình hình môi trường biển, các quy định pháp luật mới chủ yếu nhấn mạnh hợp tác chia sẻ thông tin ô nhiễm môi trường biển mà chưa nhấn mạnh đến hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, nguồn tài chính, khoa học công nghệ để tạo cơ sở tổng hợp cho kiểm soát ô nhiễm môi trường biển được hiệu quả. Hơn nữa, pháp luật vẫn chưa quy định và đánh giá đúng mức vai trò của cộng đồng, truyền thông báo chí, tổ chức cá nhân sử dụng biển như ngư dân, thủy thủ tàu biển, các lực lượng trên biển... trong giám sát, phát hiện ô nhiễm môi trường biển, trong khi đó đây là những chủ thể quan trọng.
Theo quy định của pháp luật, xử lý ô nhiễm môi trường biển là trách nhiệm của các chủ nguồn thải, cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền. Ngoài việc phải khắc phục ô nhiễm, phục hồi hiện trạng môi trường biển, các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật môi trường có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tùy theo mức độ vi phạm pháp luật thì chủ thể có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý khác nhau như trách nhiệm hành chính, hình sự, dân sự, kỷ luật. Thực tế những năm qua cho thấy, môi trường biển ở Việt Nam bị ô nhiễm trầm trọng và có xu hướng gia tăng. Trong khi đó trách nhiệm hình sự với hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm các quy định về quản lý chất thải, hủy hoại nguồi lợi thủy sản… đã được quy định từ Bộ luật Hình sự năm 1999 đến nay, thậm chí trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã áp dụng trách nhiệm hình sự với cả pháp nhân có hành vi làm ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay chưa có một cá nhân, tổ chức nào bị xử lý hình sự về hành vi này.
Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại về TN&MT đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 03/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định đã xác định trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại này thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng vẫn chưa hiệu quả. Còn với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật BVMT năm 2014. Nhưng đến nay chưa có vụ yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường nào được giải quyết tại tòa án. Quy định pháp luật hiện hành cũng gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức trong quá trình yêu cầu bồi thường thiệt hại, do khó để chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi làm ô nhiễm môi trường và thiệt hại xảy ra.
Pháp luật môi trường hiện hành quy định cụ thể trách nhiệm từ Chính phủ đến UBND các cấp tỉnh, huyện, xã, cũng như trách nhiệm của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Quốc phòng, Công an… các Sở, phòng, ban trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, nhưng những năm gần đây môi trường biển Việt Nam vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm. Qua đó cho thấy hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường biển là rất thấp, trong khi đó cơ chế giám sát từ phía Nhà nước cũng như cộng đồng, truyền thông, báo chí đối với hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển vẫn chưa hiệu quả.
Hiện Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và hải đảo quy định nội dung các nguồn thải từ đất liền phải được kiểm soát. Tuy vậy trong thời gian vừa qua, thải nhựa trên biển phát sinh nhiều vấn đề báo động. Điều này chứng tỏ việc kiểm soát chất thải từ đất liền vẫn chưa được quan tâm thích đáng. Cần có các quy chế quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này. Các nội dung về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được quy định tại Điều 43, Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và hải đảo mới chỉ dừng lại ở mức độ điều tra, thống kê, đánh giá, phân loại ô nhiễm từ nguồn phát thải từ đất liền. Việc thực thi các biện pháp giải pháp, hạn chế, kiểm soát việc ô nhiễm này lại liên quan đến luật môi trường và các luật chuyên ngành trên đất liền. Điều đó làm quá trình kiểm soát ô nhiễm biển từ đất liền không được thực hiện một cách thống nhất liên tục.
Tiến sĩ Bùi Đức Hiển cho rằng, chính sách pháp luật về bảo vệ TN&MT biển đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế biển của Việt Nam, nhưng nhiều quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, dẫn tới môi trường biển ngày càng bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng. Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường biển, cần nghiên cứu và hoàn thiện các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về kiểm soát, tăng cường công tác phối hợp với các bên liên quan và các cá nhân trên biển, cũng như ứng dụng công nghệ mới trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển.
Đức Anh (Theo tinmoitruong.vn)