Banner trang chủ

Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, lâu dài để giảm thiểu ô nhiễm trắng tại Việt Nam

15/06/2018

     “Ô nhiễm trắng” - cụm từ các nhà khoa học dùng để gọi về loại ô nhiễm do túi ni lông gây ra cho môi trường. Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng “ô nhiễm trắng” nghiêm trọng và để giải quyết thực trạng này, cần nhiều giải pháp đồng bộ, lâu dài.

     Các nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng thảo luận tại Hội thảo khoa học về kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy do Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức ngày 4/6/2018. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các chương trình hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới 5/6 - “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”.

     Nhiều hệ lụy cho môi trường từ thói quen sử dụng túi ni lông

     Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi ni lông/ngày. Như vậy, trung bình mỗi ngày có hàng triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra. Tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85% và khu vực nông thôn là 55%. Chỉ riêng 2 TP lớn là Hà Nội, TP. HCM, trung bình 1 ngày thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác và rác thải ni lông chiếm 7 - 8%.

     Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, tác hại nguy hiểm nhất của túi ni lông tới môi trường chính là tính chất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi ni lông nhỏ nhưng lại có quá trình phân hủy kéo dài từ 500 - 1.000 năm nếu không bị tác động bởi ánh nắng mặt trời. Đây chính là gánh nặng của môi trường dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng”.

     Vấn đề quản lý chất thải từ túi ni lông gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân trong thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là chất thải nhựa và túi ni lông còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, túi ni lông thân thiện với môi trường có giá thành cao nên người dân vẫn sử dụng túi ni lông truyền thống.

 

Trung bình mỗi ngày có hàng triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường

 

     Bên cạnh đó, chất thải rắn sinh hoạt được giao từng phân đoạn quản lý cho các Bộ, ngành, địa phương cùng tham gia quản lý nên còn sự bất cập, chưa thống nhất và đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Cơ chế thúc đẩy xã hội hóa trong công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng thiếu và chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư; Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý tại khu vực nông thôn mang tính chất cộng đồng, chưa thúc đẩy được tính chuyên nghiệp của các tổ dịch vụ, hợp tác xã và công ty dịch vụ môi trường.

     Mặt khác, việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn cũng còn gặp nhiều khó khăn. Tại một số địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn đã có dự án đầu tư về xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này còn chậm, thủ tục phức tạp và kéo dài, việc tính toán cơ chế thu hồi vốn đối với các dự án này cũng rất khó khăn.

     Cần có giải pháp đồng bộ và lâu dài

     Trao đổi tại Hội thảo khoa học về kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy. TS Nguyễn Văn Hồng, Phân viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, cần áp dụng đồng bộ và lâu dài các giải pháp quản lý, giải pháp kinh tế, giải pháp khuyến khích và tuyên truyền cả ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể: không phát không túi ni lông tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn các TP, người tiêu dùng muốn mua phải trả giá cao; Hạn chế sản xuất, mua bán và phân phối túi ni lông tại các địa phương; Tính phí thu gom và tái chế túi ni lông cho người sản xuất, không được chuyển phí sang người tiêu dùng thông qua giá thành sản phẩm.

     Đồng tình với quan điểm này, bà Dương Thị Phương Anh, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Bộ TN&MT cho rằng, việc thu thuế BVMT đối với túi ni lông cũng đã cải thiện được ý thức của nhà sản xuất trong việc hạn chế sử dụng nguyên liệu khó phân hủy để sản xuất túi ni lông. Mặc dù túi ni lông thân thiện với môi trường được miễn thuế BVMT nhưng do nhiều hộ gia đình quy mô nhỏ sản xuất túi ni lông khó phân hủy và không phải nộp thuế theo thực tế sản xuất nên đã kéo giá thành túi ni lông thông thường thấp hơn. Như vậy, túi ni lông thân thiện với môi trường không có khả năng cạnh tranh với túi ni lông thông thường, dẫn đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước kém hiệu quả.

     Thực tế, ngoài chính sách và hỗ trợ của Nhà nước, để giảm thiểu “ô nhiễm trắng” phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân. Tại một số địa phương, việc giảm thiểu sử dụng túi ni lông đã mang lại hiệu quả nhờ những mô hình, phong trào cụ thể. Ví dụ, từ năm 2009, lãnh đạo TP. Hội An và người dân trên đảo Cù Lao Chàm đã bắt đầu thực hiện Chương trình “Nói không với túi ni lông”. Mỗi hộ dân được phát 2 giỏ nhựa, hướng đến thói quen sử dụng “túi sinh thái”. Các chương trình truyền thông cũng được tổ chức với những câu slogan độc đáo như: “Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ"; “Không túi ni lông, BVMT” được treo trên đường làng, ở cầu cảng đón khách du lịch… Chương trình đã đạt được hiệu quả tích cực nhờ sự triển khai đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và sự chung tay của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.

     Hiện tại, các chính sách để giảm thiểu ô nhiễm chất thải rắn, trong đó có túi ni lông đang dần được hoàn thiện. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó yêu cầu mục tiêu cụ thể đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Cụ thể: tất cả các đô thị loại đặc biệt và loại I có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; Sử dụng 100% túi thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị, thay thế cho túi ni lông khó phân hủy.

 

Quỳnh Như

Ý kiến của bạn