Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

06/10/2015

   Sự phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây là kết quả từ những nỗ lực của nhiều thành phần kinh tế, trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc thực hiện hiệu quả trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt là BVMT sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập vào thị trường quốc tế và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) xung quanh nội dung này.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng Thư ký VCCI kiêm Tổng Thư ký VBCSD

   Xin ông cho biết việc chấp hành pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp hiện nay? Với vai trò của mình, VCCI có kế hoạch gì đề tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2014 tới cộng đồng doanh nghiệp?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: Nhìn chung, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp. Hiện nay, chỉ có một số doanh nghiệp, thường là các tập đoàn, công ty lớn đã đưa công tác BVMT vào chiến lược và chương trình hoạt động của mình. Còn lại, đa số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước) vẫn chưa gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với BVMT, hoặc chỉ thực hiện qua loa với mục đích đối phó với các cơ quan chức năng. Những thông tin về việc doanh nghiệp vi phạm pháp luật liên quan đến BVMT đã trở nên phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Gần đây nhất, ngày 6/8/2015, Đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường đã thanh tra đột xuất Nhà máy bia Đông Nam Á (Minh Khai, Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) và bắt quả tang Nhà máy xả nước thải không qua xử lý ra môi trường…

   Trong năm 2013, VCCI đã tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), qua đó góp phần tăng cường tính hiệu quả và tính khả thi của Luật. Tiếp nối thành công này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hội thảo trên phạm vi cả nước nhằm phổ biến rộng rãi những điểm mới trong Luật BVMT năm 2014 tới cộng đồng doanh nghiệp.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa VCCI và Bộ TN&MT về biến đổi khí hậu, BVMT

   Việt Nam có chính sách gì để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích khu vực doanh nghiệp tham gia BVMT. Tiêu biểu là quy định miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BVMT (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp); ưu đãi về vốn đối với các dự án đầu tư BVMT (Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/1/2009 của Chính phủ); ưu đãi về đất (miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất) đối với các dự án xử lý nước thải, chất thải sinh hoạt có quy mô lớn (Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ). Bên cạnh đó, trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (TTX) ban hành năm 2014, Chính phủ đã trực tiếp giao VCCI một số nhiệm vụ nhằm hỗ trợ khối doanh nghiệp triển khai sản xuất sạch hơn, thúc đẩy phát triển bền vững. Cụ thể, trong Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 - 2020, VCCI được Chính phủ giao các nhiệm vụ: Thúc đẩy phong trào doanh nghiệp phát triển bền vững; Nâng cao năng lực và thị trường dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và quản lý phục vụ TTX. Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững và VBCSD đã được Ban Thường trực VCCI giao nhiệm vụ làm cơ quan đầu mối, phối hợp với các đơn vị khác trong VCCI xây dựng kế hoạch hành động chi tiết nhằm triển khai nhiệm vụ được giao.

   Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Theo ông, nguyên nhân do đâu và ông có đề xuất, kiến nghị gì để hạn chế tình trạng này?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: Trước hết, nguyên nhân là do hệ thống văn bản pháp luật về BVMT của Việt Nam còn phức tạp và chồng chéo, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện. Về phía doanh nghiệp, một trong số các nguyên nhân chính là nhận thức. Với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp thường cắt bỏ những chi phí “không cần thiết” như chi phí liên quan đến BVMT, bất chấp thực tế họ thuộc nhóm đối tượng phụ thuộc vào môi trường, đồng thời cũng góp phần tạo ra nhiều tác động tiêu cực lên môi trường. Tuy nhiên, ngay cả khi vấn đề nhận thức được giải quyết, nhiều doanh nghiệp lại vướng phải rào cản về nguồn lực. Để có thể khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên, nhiên liệu, cũng như xử lý triệt để chất thải, doanh nghiệp cần trang bị hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ, đi kèm với nguồn nhân lực đủ khả năng quản lý và vận hành hệ thống này. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu trầm trọng năng lực kỹ thuật và tài chính để có thể triển khai sản xuất sạch hơn. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cải tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi công ty hoạt động chưa được quan tâm.

   Để giải quyết tình trạng trên, cần có một giải pháp toàn diện. Một mặt, thường xuyên rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật về BVMT theo hướng đơn giản hóa, phù hợp với thực tế; tiếp tục hoàn thiện và xây dựng thêm nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia BVMT. Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về tầm quan trọng của công tác BVMT; đặc biệt, cần hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp công tác BVMT vào các khâu hoạt động sản xuất và kinh doanh.

 Xin cảm ơn ông!

Vũ Nhung (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9 - 2015)

Ý kiến của bạn