Banner trang chủ

Cần áp dụng đồng bộ và lâu dài nhiều giải pháp quản lý nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy

06/06/2018

     Việc lạm dụng túi ni lông thông thường đang gây ra những lo ngại không nhỏ trong vấn đề BVMT. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang bắt đầu áp dụng triệt để các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các loại túi ni lông, chai, vỏ hộp bằng nhựa trong đời sống hằng ngày. Cửa hàng, siêu thị tại các nước phát triển chuyển từ sử dụng túi ni lông thông thường sang loại túi đựng thân thiện với môi trường như túi vải, giấy…

     Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông, tuy nhiên, chỉ có khoảng 17% số đó được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại bị thải bỏ sau khi dùng xong một lần. Ðáng lo ngại, túi ni lông phải trải qua một thời gian rất lâu mới có thể phân hủy hoặc không tự phân hủy được, tích tụ trong đất gây suy thoái môi trường đất.

 

Trung bình mỗi năm Việt Nam thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông nhưng chỉ khoảng 17%

trong số đó được thường xuyên tái sử dụng

 

     Tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và những cảnh báo về hiểm họa lâu dài cho môi trường đã khiến nhiều người bắt đầu chú ý đến cách hạn chế sử dụng túi ni lông. Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải nhựa và túi ni lông đã được ban hành như: Quyết định số 582/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QÐ-TTg, ngày 7/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có mục tiêu sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy…

     Hiện nay, nhận thức của không ít người dân trong thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhất là chất thải nhựa và túi ni lông còn hạn chế. Trong khi đó, túi ni lông thân thiện môi trường chưa có khả năng cạnh tranh với túi ni lông thông thường, dẫn đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước kém hiệu quả… Vì vậy, để từng bước giảm ô nhiễm môi trường do túi ni lông gây ra, Việt Nam cần áp dụng đồng bộ và lâu dài nhiều giải pháp quản lý, từ các giải pháp mang tính pháp lý đến các giải pháp kinh tế, khuyến khích và tuyên truyền ngắn hạn, dài hạn. Có thể cấm phát không túi ni lông tại siêu thị, trung tâm thương mại; Hạn chế sản xuất, mua bán và phân phối túi ni lông. Bộ TN&MT và các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp định hướng, khuyến khích hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi ni lông thân thiện môi trường; Hạn chế sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt. Đồng thời, cần tăng thuế BVMT đối với túi ni lông khó phân hủy, tạo lập thị trường tiêu dùng cho các sản phẩm túi thân thiện môi trường; Ðẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy thành các sản phẩm thân thiện môi trường; Từng bước tạo thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường trong đời sống sinh hoạt của người dân.

     Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm 5/6/2018 với chủ đề "Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông" cũng là dịp để Việt Nam và cộng đồng quốc tế tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy; Khuyến khích sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

 

Nguyệt Minh (Theo nhandan.com.vn)

Ý kiến của bạn