Banner trang chủ

Cơ chế phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường: Thực trạng và giải pháp

08/08/2018

     Hiện nay, tranh chấp, khiếu nại tố cáo về môi trường trong nước và quốc tế đang ngày càng gia tăng, diễn ra phức tạp trong bối cảnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm. Trong khi đó, cơ sở pháp lý về cơ chế phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường từ Trung ương đến địa phương chưa được hoàn thiện, đặc biệt trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp quốc tế còn thiếu kinh nghiệm và thực tiễn triển khai gặp một số bất cập.

     Thực trạng chính sách, pháp luật về cơ chế phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường trong nước

     Trong thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường trong nước đã đạt được những kết quả nhất định. Hệ thống văn bản pháp luật được ban hành tương đối đầy đủ như Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011, Luật BVMT năm 2014 và Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại, Nghị định số 76/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo… đã quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường. Gần đây, Bộ TN&MT đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTNMT ngày 10/10/2017 về việc tăng cường tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng.

     Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn việc phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực môi trường giữa một số cơ quan Trung ương và địa phương đã được ban hành như Chương trình số 01/CTPH-TTCP-BTTUBTWMTTQVN ngày 25/11/2014 về phối hợp công tác trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân giữa Thanh tra Chính phủ và Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Đối với công tác giải quyết tranh chấp môi trường, trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan nhà nước với các bên liên quan trong xác định khu vực, phạm vi, mức độ ô nhiễm và đánh giá rủi ro, xác định nguyên nhân; trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 107 của Luật BVMT năm 2014.

     Với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, phần lớn các đơn thư khiếu nại, tố cáo về môi trường trong nước đã được xem xét giải quyết. Vai trò chủ trì của từng cấp từ Trung ương (Bộ TN&MT) đến địa phương (UBND cấp tỉnh, huyện, xã) trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo về môi trường đã được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến việc phối hợp giải quyết, xử lý những vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài, vượt cấp. Nguyên nhân do chưa có quy định về cơ chế phối hợp giữa Bộ TN&MT với các Bộ, ngành khác hoặc giữa UBND các cấp trong việc theo dõi, giám sát việc thực thi các kết quả giải quyết tranh chấp môi trường của các bên liên quan. Đồng thời, chưa có quy định đầy đủ về cơ chế phối hợp trong thực hiện giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế hòa giải.

     Cơ chế phối hợp giải quyết tranh chấp quốc tế về môi trường

     Hiện nay, Việt Nam đã tham gia các cam kết về môi trường trong khuôn khổ các cam kết đa phương về môi trường (MEAs) và hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, các giải pháp để giải quyết tranh chấp trong MEAs thường là thông qua quá trình tham vấn, nhằm đạt được sự đồng thuận hoặc tìm các biện pháp hợp tác để giải quyết tranh chấp. Việt Nam hiện là thành viên của khoảng 20 Điều ước quốc tế liên quan đến môi trường. Việc thực hiện các Điều ước quốc tế này thường không tập trung ở một Bộ mà được phân công cho các Bộ, ngành liên quan làm Cơ quan đầu mối quốc gia. Nhìn chung, việc thực hiện các MEAs của Việt Nam không xảy ra vấn đề tranh chấp quốc tế do Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của một thành viên.

 

Họp nhóm chuyên gia Nghiên cứu về giải quyết tranh chấp môi trường ngoài tòa án

tại Việt Nam do Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT tổ chức năm 2015

 

     Đối với các FTA, việc giải quyết tranh chấp thường qua nhiều bước phức tạp hơn, cơ chế giải quyết mang tính kinh tế, sử dụng công cụ kinh tế (như trừng phạt hay trả đũa thương mại). Đối với những cam kết và nghĩa vụ về môi trường trong khuôn khổ các FTA, cơ chế giải quyết tranh chấp được thực hiện tương tự như đối với các cam kết và nghĩa vụ về thương mại. Đặc biệt, trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết thời gian qua, một số Hiệp định có những cam kết và nghĩa vụ cao hơn về môi trường, điển hình là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Trong các Hiệp định này sử dụng cơ chế tham vấn, giải quyết tranh chấp, trong đó có áp dụng chế tài (sử dụng biện pháp kinh tế) đối với việc vi phạm các cam kết của Hiệp định.

     Trong khi đó, chính sách, pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể về cơ chế giải quyết và phối hợp giải quyết tranh chấp quốc tế về môi trường. Theo phân công của Chính phủ, Bộ Tư pháp là cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ chịu trách nhiệm chính trong các tranh chấp quốc tế. Khi có các tranh chấp quốc tế phát sinh, các Bộ, ngành liên quan sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, Việt Nam còn thụ động trong việc thu thập bằng chứng, thiếu sự tham gia hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan quản lý liên quan. Việc sử dụng ngôn ngữ (tiếng Anh) trong việc giải trình các bằng chứng cũng là một rào cản lớn. Bên cạnh đó, nguồn lực phục vụ cho việc tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế còn hạn chế và thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp, các hiệp hội với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong quá trình đấu tranh pháp lý… Đặc biệt, việc áp dụng chế tài đối với các cam kết và nghĩa vụ về môi trường đối với Việt Nam là vấn đề hoàn toàn mới và chưa có kinh nghiệm giải quyết. Do vậy, năng lực và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề phát sinh hay các tranh chấp thương mại quốc tế liên quan đến môi trường còn nhiều hạn chế.

     Đề xuất giải pháp

     Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các vấn đề môi trường sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn. Các chính sách, pháp luật và cơ chế phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp môi trường trong nước và liên quan đến thương mại quốc tế cần phải được Việt Nam hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ năng lực để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ngày 9/3/2018, CPTPP đã được 11 quốc gia thành viên ký kết. Sự kiện này cũng là nhiệm vụ lớn cho ngành TN&MT thực thi hiệu quả các cam kết môi trường trong FTA thế hệ mới.

     Để tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường, Việt Nam cần rà soát, đánh giá thực trạng thực thi và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về cơ chế phối hợp trong theo dõi, giám sát việc thực thi các kết quả giải quyết tranh chấp môi trường của các bên liên quan; Phối hợp thực hiện giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế hòa giải; Xây dựng quy chế phối hợp giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan đến môi trường phát sinh trong quá trình thực thi các FTA trong các lĩnh vực (đầu tư, thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, các cơ chế tự nguyện, năng lượng, bảo tồn, vệ sinh dịch tễ, chống buôn bán động thực vật hoang dã xuyên biên giới (Công ước CITES), lâm nghiệp, thủy sản, ngăn ngừa ô nhiễm biển từ tàu (Công ước MARPOL) và các lĩnh vực liên quan...).

     Ngoài ra, xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn trong nước, nước ngoài nhằm nâng cao năng lực giải quyết các tranh chấp quốc tế về thương mại cho cán bộ, công chức liên quan. Trong quá trình thực hiện các cam kết và nghĩa vụ, với điều kiện hiện tại, cần phải tính đến việc chuẩn bị các phương án ứng phó với những tình huống hay trường hợp phát sinh các vấn đề tranh chấp thương mại. Do đó, cần một đội ngũ cán bộ có kiến thức và kinh nghiệm đấu tranh pháp lý được đào tạo, tập huấn bài bản trong việc xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại quốc tế…

 

ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương, TS. Nguyễn Hải Yến

Tổng cục Môi trường

ThS. Hoàng Xuân Huy

Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn