Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Ðông Bắc Á và khuyến nghị cho Việt Nam

15/09/2015

     Thực trạng đánh giá tác động môi trường/đánh giá môi trường chiến lược (ĐTM/ĐMC) ở các nước Đông Bắc Á      ĐTM và ĐMC ra đời và phát triển sớm nhất tại Mỹ (ĐTM từ năm 1969, ĐMC từ thập kỷ 80, thế kỷ XX) sau đó là Canađa, Tây Âu, Đông Âu, Đông Á, Đông Nam Á. Tại 3 nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc), ĐTM quy định bắt buộc cách đây 24 - 35 năm và ĐMC chỉ mới quy định bắt buộc cách đây 10 -15 năm.      Tại Nhật Bản, ĐTM được giới thiệu từ năm 1972, tuy nhiên đến năm 1984, Chính phủ mới quy định chính thức về thực hiện ĐTM cho các Dự án và Luật về “Đánh giá tác động môi trường” được ban hành tháng 6/1997 (Hàn Quốc vào năm 1993, Trung Quốc vào năm 2003, trong khi ở Việt Nam ĐTM vẫn chỉ là 1 chương trong Luật BVMT sửa đổi). Nhật Bản quy định 13 loại hình dự án cần lập ĐTM: đường bộ, chỉnh trị sông, đường sắt, cảng hàng không, nhà máy điện, khu đổ thải, cải tạo đất, điều chỉnh sử dụng đất, khu dân cư mới, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng thành phố mới, tổ hợp trung tâm phân phối, phát triển đất ở và đất công nghiệp do các tổ chức chuyên dụng.      ĐTM được thực hiện rất thận trọng trong khâu nghiên cứu lập báo cáo và khâu thẩm định: 1 báo cáo ĐTM cần trung bình 3 năm từ khi nghiên cứu đến khi được cấp phép thẩm định (Việt Nam thường chỉ mất 6 tháng - 2 năm đối với dự án quy mô lớn cấp Bộ TN&MT thẩm định và chỉ 3 - 9 tháng đối với dự án nhỏ do các Sở TN&MT thẩm định). Chính sự thận trọng này giúp các dự án tại Nhật Bản hạn chế mức thấp nhất các tác động đến môi trường tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, sự kéo dài quá trình ĐTM gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý môi trường do vậy đã có một số đề xuất “hợp lý hóa/đơn giản hóa quy trình ĐTM” với một số loại hình dự án đặc thù.      Tại Trung Quốc, Bộ BVMT đã ban hành Luật ĐTM từ năm 2003 và mỗi năm có 30.000 dự án lập ĐTM và ĐMC (thực chất là ĐTM cho quy hoạch) được thực hiện cho các quy hoạch phát triển vùng kinh tế, địa phương, ngành, lĩnh vực, các lưu vực sông, các vùng kinh tế ven biển, vịnh biển… Đánh giá về chất lượng của hệ thống ĐTM/ĐMC của Trung Quốc, tác giả Từ Hòa và Vương Huy Chí, Trung tâm Nghiên cứu ĐMC - Đại học Nam Khai (Thiên Tân) cho rằng, hiện nay ĐMC chỉ mang tính hiệu quả tương đối, còn thiếu tính định lượng. Để ĐMC có giá trị dự báo cao hơn cần phải xác định và xây dựng các chỉ thị để đánh giá; tìm các phương pháp định lượng, đồng thời đo lường được tác động và diễn biến môi trường do thực hiện quy hoạch.      Tại Hàn Quốc, cơ sở pháp lý về ĐTM/ĐMC rất rõ ràng, với các phương pháp, quy trình được xây dựng hoàn chỉnh. Do vậy, ĐTM/ĐMC đang là công cụ tốt cho định hướng “Tăng trưởng Xanh” với tham vọng đến năm 2020, Hàn Quốc trở thành 1 trong 5 quốc gia hàng đầu thế giới về Kinh tế Xanh.      Trong khi các quy định về ĐMC giữa các quốc gia trong Cộng đồng châu Âu và Mỹ không có nhiều khác biệt thì các quy định về ĐTM/ĐMC giữa các quốc gia châu Á là không giống nhau. Nguyên nhân chính là do sự khác biệt về đặc điểm kinh tế, xã hội và hệ thống chính trị, nền tảng văn hóa của các nước châu Á. Để hoạt động ĐMC/ĐTM có sự liên thông giữa các nước châu Á cần tiến tới hài hòa các quy định, cách tiếp cận, quy trình và phương pháp ĐMC/ĐTM. Tuy nhiên việc này cần có sự đồng thuận giữa các quốc gia trong châu lục.      Các nghiên cứu cụ thể về ĐTM và ĐMC      ĐTM/ĐMC không chỉ là báo cáo phục vụ một dự án đầu tư hoặc một chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (C/Q/K) cụ thể mà còn là các công trình nghiên cứu khoa học. Ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, mỗi năm đã có hàng nghìn công trình nghiên cứu chi tiết về các khía cạnh tác động đến tài nguyên, chất lượng môi trường. Kết quả các nghiên cứu có tính khoa học là cơ sở để dự báo, đánh giá sự thay đổi các thành phần môi trường chịu tác động.      Xem xét ĐMC về phát triển thành phố sinh thái - châu thổ ở Pusan theo hướng phát triển khôn khéo: Chính quyền tỉnh Pusan lập quy hoạch phát triển thành phố tại cửa sông với dự định ban đầu là xây đê ngăn vịnh biển. Từ phân tích về tác động môi trường do gia tăng ô nhiễm vịnh biển, suy giảm hệ sinh thái nước, nghiên cứu ĐMC đã đề nghị bỏ phương án xây đê lấn biển mà thay vào đó là vẫn mở cửa vịnh, đồng thời phát triển các khu công nghệ cao ít ô nhiễm, lập hệ thống giao thông “xanh”, phát triển các công viên ven biển. Đây là hướng tăng trưởng khôn khéo nên đã được chính quyền Pusan chấp nhận.      Hợp lý hóa quy trình ĐTM đối với loại hình dự án tháo dỡ nhà máy điện: Nhật Bản đang phải đối mặt với các nguồn ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện lạc hậu. Để xây dựng các nhà máy điện mới có tải lượng ô nhiễm thấp cần phải dỡ bỏ các nhà máy cũ, công tác dỡ bỏ này cũng đòi hỏi phải có báo cáo ĐTM, với quy trình lập và thẩm định 1 báo cáo ĐTM cần 3 năm. Nếu vậy, công tác tháo dỡ nhà máy cũ và xây dựng nhà máy mới sẽ bị chậm trễ kéo theo là tổn thất về kinh tế và ô nhiễm môi trường kéo dài. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Môi trường Nhật Bản đã cho phép xây dựng quy trình đơn giản hóa (hợp lý hóa) với các nội dung: Rút ngắn thời gian và rút gọn nội dung khảo sát môi trường, tận dụng tối đa số liệu/thông tin quan trắc môi trường đối với nhà máy đã được thực hiện trong thời gian vận hành; Rút ngắn thời gian xem xét, thẩm định báo cáo ĐTM. Với sự cải tiến này (chỉ áp dụng đối với loại hình dự án tháo dỡ nhà máy điện) thời gian lập và thẩm định báo cáo ĐTM chỉ còn 1-1,5 năm. Tuy nhiên cho đến nay chỉ vài dự án được thực hiện theo quy trình giản lược.      Một số khuyến nghị về ĐTM/ĐMC ở Việt Nam      Trong tầm nhìn đến năm 2020 - 2025, Việt Nam nên có “Luật ĐTM” (bao gồm cả ĐMC). Trong ĐTM, ĐMC việc dự báo và đánh giá mức độ tác động là quan trọng nhất. Đây cũng là nội dung cần hàm lượng kiến thức cao nhất, vì chỉ có dự báo đúng (hoặc gần đúng) thì mới khoanh vùng tác động, đề xuất biện pháp giảm thiểu, quan trắc, quản lý môi trường. Vì vậy mong muốn Luật BVMT (sửa đổi) và các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM/ĐMC tập trung vào nội dung dự báo tác động, không chỉ tác động đến môi trường vật lý (đất, nước, không khí), tác động do chất thải mà còn tác động sinh thái và xã hội.      Trong ĐTM, các biện pháp giảm thiểu, nhất là giảm thiểu ô nhiễm cần nêu các phương pháp, kỹ thuật “chuẩn” đã được khuyến cáo trong các hướng dẫn kỹ thuật, nhất là với các dự án có nguồn ô nhiễm lớn. Tuy nhiên, trong ĐTM chỉ cần mô tả nguyên lý của phương pháp giảm thiểu tác động kèm các sơ đồ là đủ, chưa cần đến thiết kế. Cần lưu ý các biện pháp BVMT sinh học (các hệ sinh thái, vùng đất ngập nước, rừng, đa dạng sinh học) và giảm thiểu tác động xã hội.      Trong ĐTM cần phải lập Kế hoạch Quản lý môi trường (EMP) nêu rõ các loại hình tác động trong từng giai đoạn và các biện pháp giảm thiểu tương ứng, tổ chức thực hiện, giám sát. Trên cơ sở EMP, trước khi triển khai xây dựng, chủ dự án (hoặc nhà thầu xây dựng) phải lập “Kế hoạch Quản lý môi trường tại công trường (SEMP)”. Đến lúc này SEMP mới phải nêu chi tiết từng biện pháp, từng thiết bị xử lý, tính toán cụ thể khối lượng chất thải, xác định và thiết kế các khu đổ thải, lập kế hoạch an toàn, kế hoạch vệ sinh môi trường khu lán trại, kế hoạch kiểm soát ô nhiễm, kế hoạch xử lý xói lở, kế hoạch bảo vệ sức khỏe, kế hoạch trồng rừng đền bù (nếu cần), kế hoạch bảo quản phát lộ khảo cổ ở mức chi tiết. Nên bổ sung yêu cầu về lập SEMP.      Cần quy định bắt buộc về “giám sát hậu thẩm định” đối với các ĐTM. Đây là yêu cầu quan trọng để đảm bảo giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, phải quy định về “giám sát sự tuân thủ yêu cầu BVMT trong quá trình thực hiện dự án”. Công tác này không chỉ là giám sát chất thải và quan trắc môi trường trong quy định về cấu trúc và nội dung báo cáo ĐTM hiện hành mà là giám sát, đánh giá việc thực hiện của chủ dự án/nhà thầu xây dựng đối với từng biện pháp trong EMP đã được thẩm định. Công tác giám sát sự tuân thủ này do tư vấn độc lập thực hiện.   PGS.TS. Lê Trình Chủ tịch Hội Đánh giá Tác động Môi trường Việt Nam Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2014    
Ý kiến của bạn