Banner trang chủ

Cách tiếp cận của một số quốc gia trong đánh giá thực hiện Quy hoạch môi trường và đề xuất áp dụng cho Việt Nam

13/08/2020

    Đánh giá thực hiện quy hoạch đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quyết định sự thành công của quy hoạch, cũng như đối với công tác lập quy hoạch trong tương lai. Ở Việt Nam, Quy hoạch BVMT (QHBVMT) quốc gia đã được thể chế hóa trong Luật BVMT năm 2014 và được xác định như một quy hoạch ngành cấp quốc gia theo Luật Quy hoạch 2017. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến Quy hoạch số 35/2018/QH14, QHBVMT được định nghĩa là “sự sắp xếp, phân bố không gian, phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc, cảnh báo môi trường trên lãnh thổ xác định để BVMT, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước cho thời kỳ xác định”.

    Thực chất, QHBVMT là sự kế thừa, phát triển trên các nguyên lý cơ bản của kiến trúc cảnh quan, sinh thái học, khoa học sức khỏe, khoa học môi trường và nhiều ngành khác; tất cả được tích hợp xoay quanh một trụ cột không thể thiếu là phân vùng môi trường. Trên thực tế, các quy hoạch không gian tương tự gắn với môi trường (quy hoạch môi trường) đã được nghiên cứu và thực hiện thành công ở nhiều quốc gia. Bài báo nhằm phân tích một số tiếp cận trên thế giới trong đánh giá thực hiện quy hoạch môi trường, để từ đó đề xuất một số định hướng và rút ra bài học cho Việt Nam trong bối cảnh QHBVMT quốc gia đang được triển khai xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch 2017.

Cách tiếp cận của một số quốc gia trong đánh giá thực hiện Quy hoạch môi trường

    Qua nghiên cứu cho thấy, cách tiếp cận đánh giá thực hiện quy hoạch dựa trên sự tuân thủ là phổ biến. Trong Quy hoạch phát triển và tái phát triển của bang New Jersey, Mỹ (2001), ngoài quy định cụ thể các tiêu chí được sử dụng trong phân vùng môi trường, Quy hoạch cũng đưa ra bộ chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện các mục tiêu trong Quy hoạch. Ví dụ như: 90% diện tích đất được phát triển, 85% sự gia tăng dân số và 90% việc làm mới đến 2020 nằm trong vùng quy hoạch đô thị và vùng lõi; diện tích đất được gìn giữ cho nông nghiệp và khoang gian mở; đến năm 2020, không còn bị mất đất ngập nước do phát triển, 95% các đoạn sông suối có sự sống thủy sinh; 100% quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch tổng thể bang vào năm 2020…

   Ở Trung Quốc, Quy hoạch 5 năm lần thứ XIII (giai đoạn 2016 - 2020) sử dụng cách tiếp cận phân vùng chức năng đã đưa ra bộ tiêu chí để đánh giá việc thực hiện Quy hoạch, bao gồm: Các nhóm tiêu chí về chất lượng môi trường không khí; chất lượng môi trường nước; chất lượng môi trường đất; điều kiện môi trường sinh thái; giảm phát thải các chất gây ô nhiễm chính; giảm tổng lượng phát thải từng vùng; tỷ lệ các loài động thực vật quan trọng được bảo vệ; tỷ lệ đường bờ biển tự nhiên được gìn giữ; đất sa mạc hóa được quản lý; diện tích đất xói mòn được kiểm soát.

    Tại Ba Lan, Chính phủ đã ban hành Định hướng phát triển không gian quốc gia 2030 (NSDC 2030). Đây là văn bản quốc gia mang tính chiến lược quan trọng nhất của Ba Lan về quản lý quy hoạch không gian trong 20 năm tới. Để giám sát và đánh giá việc thực hiện Quy hoạch, Định hướng cũng đã ban hành bộ chỉ thị, cũng như các bản đồ là cơ sở để giám sát có hệ thống các tác động của các biện pháp phát triển không gian được thực hiện theo các chính sách công khác nhau ở các cấp (quốc gia, khu vực, địa phương). Trong đó, bộ chỉ thị đánh giá và giám sát việc thực hiện chính sách, bao gồm các chỉ thị duy trì chất lượng môi trường. Kết quả sẽ làm cơ sở để cập nhật, hoặc sửa đổi NSDC.

    Đối với cách tiếp cận dựa trên thực tiễn, tiêu biểu là văn bản Quan điểm Phát triển không gian châu Âu (ESDP) được Liên minh châu ÂU (EU) công bố vào năm 1999. Văn bản đã xác định 3 định hướng quan trọng cho Quy hoạch không gian của EU là xây dựng hệ thống đô thị cân đối, nhiều tâm, tăng cường hợp tác giữa thành thị với nông thôn; thúc đẩy sự thống nhất toàn vùng trong giao thông và truyền thông, nhằm đảm bảo tiếp cận bình đẳng đối với cơ sở vật chất, kiến thức; phát triển bền vững, sử dụng khôn khéo và bảo tồn các di sản tự nhiên và văn hóa, nhằm duy trì sự đa dạng văn hóa, bản sắc khu vực. Đồng thời, Văn bản đã đưa ra 60 khuyến nghị chính sách để đạt được các mục tiêu trên. Văn bản không mang tính bắt buộc, các quốc gia EU được khuyến nghị áp dụng khi xây dựng chính sách cấp quốc gia và đa quốc gia. Faludi (2006) đã chỉ ra rằng, các nguyên tắc nêu ra trong ESDP đã được lồng ghép vào chính sách quy hoạch không gian của các quốc gia EU ở nhiều mức độ khác nhau, cũng như các chương trình cấp EU, trong đó có INTERREG (là một chuỗi các chương trình được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khu vực châu Âu nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các khu vực trong EU để hướng tới phát triển bền vững).

Đề xuất khả năng áp dụng cho Việt Nam trong đánh giá thực hiện QHBVMT quốc gia

    Qua nghiên cứu và phân tích các tiếp cận trên thế giới về đánh giá thực hiện quy hoạch cho thấy, việc đánh giá quy hoạch dựa trên sự tuân thủ, hay cách tiếp cận lý tính là cần thiết. Theo đó, QHBVMT cần xác định các mục tiêu cần đạt được, đưa ra chỉ thị đo lường các mục tiêu đó và đặt ra cột mốc cho từng giai đoạn thực hiện. Các mục tiêu của QHBVMT không chỉ bao gồm các sản phẩm đầu ra, hay các kết quả trực tiếp của những dự án (ví dụ: thay đổi về công tác quản lý rừng, quản lý chất thải…), mà còn phải tính đến các tác động lâu dài của QHBVMT. Đó là sự thay đổi mang tính hệ thống, phản ánh được nhận thức về mối quan hệ sâu sắc giữa con người và môi trường tự nhiên như thay đổi về cơ cấu kinh tế, cơ cấu sử dụng đất theo hướng bền vững; thay đổi về ý thức của người dân, doanh nghiệp trong các khu vực cần được quản lý nghiêm ngặt về môi trường…

    Bên cạnh đó, việc đánh giá quy hoạch dựa trên thực tiễn cũng là cần thiết. Theo Luật Quy hoạch 2017, QHBVMT quốc gia là quy hoạch ngành quốc gia, có một vị trí đặc thù trong hệ thống quy hoạch. Việc thực hiện QHBVMT quốc gia yêu cầu phải cụ thể hóa các nguyên tắc của QHBVMT quốc gia vào các quy hoạch địa phương. Bên cạnh đó, QHBVMT quốc gia còn có sự gắn bó mật thiết về bản chất với nhiều quy hoạch ngành khác như quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học… Vì vậy, QHBVMT quốc gia cần phải được xây dựng một cách linh hoạt, có cơ chế cho phép điều chỉnh phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tiễn.

 

Hoàng Hồng Hạnh, Trần Quý Trung, Nguyễn Thế Thông

Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)

Ý kiến của bạn