Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Bảo tồn các loài thú linh trưởng Việt Nam: Cần một kế hoạch tổng thể, dài hạn

15/09/2015

       Nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa với đặc điểm địa lý, địa hình phức tạp, chia cắt mạnh mẽ, Việt Nam là một trong các quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao, trong lớp thú phải kể đến Bộ linh trưởng thuộc ba họ khác nhau gồm họ cu li, họ khỉ, họ vượn, với 26 loài và phân loài. Trong đó có 5 loài, phân loài đặc hữu gồm voọc Cát Bà, voọc quần đùi trắng, voọc mũi hếch, chà vá chân xám, khỉ đuôi dài Côn Đảo. Thú linh trưởng được xem là những loài chỉ thị cho sức khỏe hệ sinh thái, thước đo của mức độ đa dạng sinh học, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với đời sống văn hóa, tinh thần và khoa học phục vụ con người.   Chà vá chân đỏ        Trong thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện hai loài linh trưởng là chà vá chân xám (năm 2007) và vượn Trung bộ (năm 2010). Bên cạnh đó, Việt Nam đã tăng cường đầu tư, xây dựng và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học trong đó có các loài linh trưởng, với 2,2 triệu ha rừng đặc dụng được thành lập và 30 vườn quốc gia, 114 khu bảo tồn loài và sinh cảnh.   Voọc chà vá sấy khô bắt giữ tại Đông Giang, Quảng Nam          Tuy nhiên, các loài linh thú trưởng Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do các nguyên nhân:      Mất sinh cảnh: Hầu hết, các loài linh trưởng đang phải sống trong các sinh cảnh nhỏ hẹp, bị chia cắt như quần thể voọc mũi hếch tại Hà Giang và Tuyên Quang, voọc Cát Bà tại Hải Phòng, voọc quần đùi trắng tại Vân Long - Ninh Bình… Ngoài việc mất nơi sống, thiếu nguồn thức ăn, các loài linh trưởng còn có hiện tượng suy thoái nguồn gen do đồng huyết, cận huyết. Bên cạnh đó, chất lượng rừng suy giảm, sự xâm lấn do các hoạt của con người, khả năng lây các bệnh dịch từ con người, nhiễu động nơi sống làm giảm khả năng sinh sản, sống sót của các loài thú linh trưởng.      Nạn săn bắn, buôn bán trái phép các loài thú linh trưởng gia tăng: Đây là nguyên nhân trực tiếp đẩy nhiều loài linh trưởng đến nguy cơ tuyệt chủng. Các loài linh trưởng bị săn bắn, buôn bán nhiều gồm chà vá chân nâu, chà vá chân xám, khỉ đuôi dài, vượn đen má trắng. Trong thời gian qua, các lực lượng công an và kiểm lâm đã bắt giữ được một số vụ buôn bán trái phép thú linh trưởng như: 100kg voọc tại Bắc Cạn (tháng 7/2001); Vụ bắt 7 cá thể voọc chà vá chân đen tại Vạn Linh - Khánh Hòa (năm 2010); 13 cá thể voọc chà vá chân nâu sấy khô tại Đông Giang, Quảng Nam (tháng 8/2012); Vụ vận chuyển 18 cá thể voọc chà vá chân đen sấy khô tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tháng 6/2012)…      Cứu hộ, gây nuôi, tái thả: Hiện nay có duy nhất 1 trung tâm cứu hộ các loài thú linh trưởng tại VQG Cúc Phương được hình thành năm 1993, trung tâm đã cứu hộ trên 260 cá thể, sinh sản thành công 240 cá thể và tái thả lại tự nhiên trên 50 cá thể. Các trung tâm cứu hộ khác như Sóc Sơn, Củ Chi, Cát Tiên mang tính chất cứu hộ đa loài. Các trung tâm cứu hộ này thiếu nguồn nhân lực, trong khi không có một cơ chế tài chính bền vững, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài trợ nước ngoài. Linh trưởng là nhóm thú bậc cao, có tập tính sống phức tạp, rất khó nghiên cứu, tái thả và thực tế khó có một sinh cảnh thích hợp để tái thả tự nhiên.      Để bảo tồn và phục hồi các loài thú linh trưởng, Việt Nam cần có một Kế hoạch hành động quốc gia kịp thời và tổng thể, trong đó tập trung vào các giải pháp: Xây dựng khung pháp lý thống nhất và chế tài xử lý nghiêm khắc các hành vi săn bắt, nuôi nhốt, giết mổ, buôn bán trái phép; Thành lập hệ thống trung tâm cứu hộ thú nói chung và linh trưởng nói riêng; Quy hoạch hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn, trong đó ưu tiên cho các khu bảo tồn thú linh trưởng; Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, trong đó, ưu tiên, đặt hàng các nghiên cứu về phân bố, tập tính, bảo tồn; Cần xây dựng các vùng cấm các hoạt động con người nhằm đảm bảo nơi sống cho các loài linh trưởng; Tổ chức tuyên truyền rộng rãi, bảo vệ linh trưởng, đặc biệt nhắm đến đối tượng săn bắn, tiêu thụ thú linh trưởng; Cần có quy định cụ thể quản lý các loại dụng cụ súng, bẫy săn; Phát triển các mô hình du lịch sinh thái bền vững và khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia, đặc biệt là các hoạt động tham quan, tìm hiểu về động vật hoang dã, mang tính giáo dục về BVMT; Đồng thời xây dựng một cơ chế tài chính bền vững cho bảo tồn các loài thú linh trưởng.   Vương Tiến Mạnh Tổng cục Lâm Nghiệp Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 8/2014        
Ý kiến của bạn