Banner trang chủ

Bài học từ vụ Formosa: Cần xem xét, loại bỏ các dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường

26/07/2016

     Sự cố môi trường nghiêm trọng do Formosa Hà Tĩnh gây nên một lần nữa đặt ra vấn đề "quyền lựa chọn" của Việt Nam trong thu hút FDI. Để hiểu rõ hơn về chính sách thu hút FDI của Việt Nam những năm gần đây, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam (VAFIE).

 

GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội VAFIE

 

     PV: Xin ông cho biết một số chính sách thu hút và sử dụng vốn FDI của Việt Nam những năm gần đây?

     GS. Nguyễn Mại: Ngày 27/3/2013 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức tổng kết 25 năm hoạt động FDI (1987 - 2012), trên cơ sở đó Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP đề ra định hướng mới và hệ thống giải pháp, coi trọng hơn cơ cấu, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI. Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh đến việc ưu tiên các dự án có công nghệ và dịch vụ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, ít phát thải khí các bon và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, có công nghệ thân thiện với môi trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần xây dựng “kinh tế xanh” và bền vững. Đồng thời Nghị định sửa đổi bổ sung một số ưu đãi đối với dự án FDI, gắn ưu đãi ngành với vùng lãnh thổ. Nếu như trước đây ưu đãi dự án sử dụng nhều lao động thì hiện nay chỉ ưu đãi dự án đó ở những địa phương kinh tế kém phát triển, không khuyến khích đầu tư vào thành phố.

     Thực tế, sau tổng kết 25 năm thu hút FDI, không ít địa phương đã nói không với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những ám ảnh thành tích vẫn luôn khiến các địa phương dành nhiều ưu ái cho các dự án quy mô lớn, mà không lường trước những tác động khôn lường tới môi trường.

 

Khu liên hợp sản xuất gang thép Formosa - thủ phạm gây sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng 

 

     PV: Ông đánh giá thế nào về vụ việc Formosa gây ra thảm họa môi trường biển ở Miền Trung thời gian qua?

     GS. Nguyễn Mại: Tôi đồng tình với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là “đánh kẻ chạy đi, ai đánh kẻ chạy lại.” Lãnh đạo Formosa đã cúi đầu nhận lỗi và hứa ngoài 500 triệu USD bồi thường, còn làm cách nào để môi trường trở lại như cũ, bồi thường cho người dân và hỗ trợ chuyển nghề… chắc cũng không ít tiền. Theo quan điểm của tôi, vụ việc vừa qua Chính phủ triển khai rất khoa học và khách quan.

     Tuy nhiên, chúng ta không thể vội vã kết luận như một số yêu cầu, vì như thế sẽ thiếu những bằng chứng thuyết phục. Do đó mình không rút giấy phép là đúng. Đồng thời Thủ tướng cũng tuyên bố mạnh mẽ nếu Formosa tái phạm thì không thể tha thứ được. Qua vụ Formosa lần này đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

     PV: Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra vừa qua tại các tỉnh ven biển miền Trung, theo ông, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục thu hút được nguồn vốn FDI có chất lượng cao?

     GS. Nguyễn Mại: Thu hút FDI vẫn quan trọng với nền nước ta, nhưng quan trọng là phải biết sử dụng quyền lựa chọn dự án và nhà đầu tư để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội đất nước đúng định hướng tăng trưởng với tốc độ cao, bền vững và xây dựng nền kinh tế xanh đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng XII. Đây là nhiệm vụ của cả Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và phải được quan tâm ngay từ việc lựa chọn dự án FDI hay nhà đầu tư.

     Theo định hướng đó, tôi kiến nghị Chính phủ nên cân nhắc để chỉ đạo các địa phương hãy thận trọng hơn trong việc lực chọn những dự án có nguy cơ hủy hoại môi trường như: lọc dầu, xi măng, sắt thép và dệt nhuộm. Các dự án lọc hóa dầu và xi măng hiện tại của Việt Nam đều dư thừa so với nhu cầu và là những lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên tạm dừng triển khai các dự án mới. Ngoài ra, các dự án thép cũng nên dừng lại, bài học dư thừa thép và ô nhiễm ở Trung Quốc vẫn còn đó. Vì vậy, Việt Nam có thể chuyển sang ưu tiên cho các dự án sản xuất hợp kim cao cấp. Đối với các dự án dệt nhuộm, để bảo đảm không xảy ra thảm họa môi trường, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu để xây dựng hệ thống chỉ tiêu môi trường và định mức vốn đầu tư xử lý môi trường của từng loại dự án; chỉ khi đã đạt chuẩn về môi trường thì mới được vận hành. Tôi cho rằng, Việt Nam là nước công nghiệp hóa đi sau, nên cần học hỏi những kinh nghiệm của các nước đi trước để tránh các “vết xe đổ” của họ.

     PV: Từ sự cố này, Việt Nam rút ra bài học gì đối với công tác quản lý môi trường, thưa ông?

     GS. Nguyễn Mại: Phải nói rằng ở đây không chỉ có Formosa có lỗi, mà lỗi còn nằm ở cả hệ thống các cơ quan nhà nước. Ở nước ta hiện nay hệ thống quản lý nhà nước về môi trường đã được phân cấp từ Trung ương cho đến địa phương, trong đó có cả Cảnh sát môi trường nhưng vẫn để xảy ra sự cố thảm họa môi trường là điều đáng tiếc.

    Nếu hệ thống các cơ quan hoạt động có hiệu quả, năng lực chuyên môn cao, có tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, được đầu tư để xây dựng thiết bị quan trắc để kịp thời thông tin đến cơ quan có trách nhiệm xử lý thì không để một thảm họa ghê gớm như vậy.

     Hiện nay việc đánh giá tác động môi trường chủ yếu dựa trên báo cáo của nhà đầu tư. Báo cáo đó dường như không có tác dụng thực tế và ít người chú ý đến sau khi dự án đi vào hoạt động. Do đó, trong thời gian tới cần phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nếu thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi, thiếu các thiết bị hiện đại… thì khó chuyển sang hậu kiểm được. Vì thế muốn chuyển sang hậu kiểm chúng ta phải làm một cách bài bản.

     Vừa qua, Formosa gây ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt như vậy mà chúng ta không biết vì không có quan trắc; Formosa báo cáo ra sao thì tỉnh biết thế. Vì vậy, phải có hệ thống đấu nối với nhà máy để quan trắc và được thẩm định, theo dõi bởi các chuyên gia có trình độ. Tuy nhiên, để chuyển sang hậu kiểm có nghĩa là phải thay đổi toàn bộ những cái đang thực hiện hiện tại và bổ sung những cái đang thiếu.

     PV: Xin cảm ơn ông.

 

Phạm Đình (thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016)

Ý kiến của bạn