Banner trang chủ

Đề xuất các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trong Quy hoạch bảo vệ môi trường

04/07/2019

 

    Hiện nay, vấn đề ô nhiễm không khí (ÔNKK) ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại các đô thị phát triển, các khu, cụm công nghiệp... Nguyên nhân là do hoạt động của con người gây ra, vì vậy, cần phải đưa nội dung kiểm soát ÔNKK vào Quy hoạch BVMT, góp phần BVMT nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Nguyên nhân gây ÔNKK

    ÔNKK được hiểu là sự ảnh hưởng đến chức năng của bầu khí quyển theo chiều hướng xấu đi do sự phát thải của các chất khác nhau vào không khí (cả nguồn tự nhiên và nhân tạo) như: Phát thải khí CO2, CH4, CFC, NOx, ODS (các chất gây phá hủy tầng ôzôn), hơi nước; phát thải sol khí, khói, bụi, muội than; kim loại nặng, các chất hữu cơ độc hại; phát thải nhiệt… Các nguồn gây ảnh hưởng đến bầu khí quyển gồm: Tự nhiên (hoạt động của núi lửa, cháy rừng…); nhân tạo (hoạt động sinh hoạt, sản xuất, giao thông, vận tải).

   Các nguồn phát thải gây ÔNKK do con người tạo ra được chia thành các nhóm: Ngành nhiệt điện than, xi măng, luyện kim, sản xuất giấy (nhiên liệu sửdụng thường là than và một số chất thải từ quá trình tái chế giấy phế liệu); các chất ô nhiễm chủ yếu gồm NO2, SO2 và TSP, bụi chứa ôxít kim loại và diôxin/furans; các làng nghề, lò hơi sử dụng nhiên liệu như than (phổ biến là than chất lượng thấp); cơ sởđốt chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, tái chế kim loại; hoạt động giao thông vận tải, xây dựng…

    Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 của Bộ TN&MT, ô nhiễm bụi (trong đó đáng lưu ý là PM 2,5 và PM10) tại các khu đô thị và các làng nghề, khu công nghiệp ở mức đáng báo động. Kết quả này cũng được ghi nhận trong quá trình quan trắc môi trường trong nhiều năm tại các tỉnh, TP như TP. Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương cho thấy, diễn biến nồng bụi lơ lửng (chất ô nhiễm không có khả năng phát tán xa) tại các địa phương dù vẫn cao hơn Quy chuẩn chất lượng môi trường không khí bao quanh (QCVN 05:2013/BTNMT), nhưng có xu hướng giảm từ năm 2013-2017 và tùy thuộc vào mức độ công nghiệp hóa tại từng địa phương mà nồng độ bụi khác nhau. Trong khiđó, diễn biến nồng độ các chất ô nhiễm có khả năng phát tán xa như NO2 và SO2 thì lại khá đồng đều giữa các địa phương.

   Ngoài ra, kết quả quan trắc môi trường tại các địa phương trên cũng cho thấy, mức độ tác động đến chất lượng môi trường không khí do các hoạt động giao thông vận tải là rất rõ rệt. Ví dụ, tại điểm ngã 3 Huế (TP. Đà Nẵng), hàm lượng bụi lơ lửng trong không khí có giảm sau khi hoàn tất nút giao thông đa tầng (năm 2015), giúp giảm ùn tắc giao thông, nhưng nồng độ TSP, SO2, NO2 và CO tại đây trong giai đoạn 2013-2017 lại cao nhất trên địa bàn TP. Đà Nẵng; Kết quả quan trắc môi trường tại ngã sáu Tượng Đài (tỉnh Đắk Lắk) cũngcho thấy, nồng độ SO2, NO2 và CO cao nhất so với các điểm khác trên địa bàn tỉnh; tại khu vực cổng bệnh viện Quân đoàn 4, ngã tư Phú Lợi (tỉnh Bình Dương) và vòng xoay Tam Hiệp (tỉnh Đồng Nai), nồng độ TSP có giảm sau khi nút giao thông (hầm chui) hoàn chỉnh, nhưng hàm lượng TSP, SO2, NO2 và CO vẫn cao nhất trên địa bàn các tỉnh trên.

    Một trong những hiện tượng về ÔNKK là mưa axít, hiện tượng này có mối liên hệ khá chặt chẽ với việc phát thải các chất ô nhiễm dạng khí, chủ yếu là hệ lụy của quá trình lan truyền và phát tán các hơi axít, SO2, NO2. Kết quả quan trắc mưa axít giai đoạn 2015-2018 tại 3 trạm (Quảng Ngãi, Nha Trang và Đà Lạt) cho thấy, ở Quảng Ngãi, số trận mưa và tỷ lệ trận mưa có giá trị pH<5,6 tăng dần từ năm 2016-2018; tại Nha Trang, diễn biến số trận mưa có giá trị pH<5,6 diễn biến không theo quy luật và cũng như kết quả nghi nhận được tại trạm Quảng Ngãi, nồng độ SO2, NO2 và NH3 đều nhỏ, không phát hiện được hiện diện của các hơi a xít trong không khí; ở Đà Lạt, số trận mưa có giá trị pH <5,6 thấp nhất trong 3 trạm, tuy nhiên, trận mưa có giá trị pH thấp trong giai đoạn 2017-2018 ghi nhận được tại nhiều thời điểm trong năm.

    Kết quả quan trắc mưa axít tại 3 trạm trên cho thấy, mức độ ảnh hưởng của các nguồn phát thải khí mang tính chất vùng, ngoài phạm vi của địa phương và chịu ảnh hưởng bởi yếu tố địa hình, thời tiết khí hậu.

 

Thực hiện quan trắc môi trường trên các tuyến phố ở các đô thị lớn để theo dõi ÔNKK

 

Kiểm soát ÔNKK

    Thứ tự ưu tiên trong kiểm soát ÔNKK trên quan điểm kinh tế-môi trường: Ngăn ngừa (sản xuất sạch hơn)→ Giảm thiểu (công nghệ, thiết bị, quản lý sản xuất) → Xử lý cuối đường ống.

   Có thể nói, cách tiếp cận sản xuất sạch hơn là tiếp cận tích cực trong kiểm soát ÔNKK và kiểm soát ÔNKK nói riêng, ví dụ, việc thay thế xăng chứa chì bằng xăng không chì giúp giảm thiểu được hàm lượng chì trong không khí hiệu quả. Việc nghiên cứu phát triển các công nghệ và thiết bị sản xuất tiên tiến, hiện đại là giải pháp rất hiệu quảnhư cải tiến động cơ xe hơi giúp giảm bớt tiêu thụ nhiên liệu từ đó giảm thiểu được phát thải khí thải. Giải pháp xử lý cuối đường ống bao giờ cũng cần sau khi áp dụng 2 giải pháp ưu tiên trên. Hiệu quả xử lý cuối đường ống phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó bản chất của chất thải đóng vai trò khá quan trọng như sự khác biệt trong kiểm soát ô nhiễm đối với SOx và NOx. Ví dụ, tại Anh, hàm lượng chì trong không khí giảm mạnh sau khi Chính phủ Anh có giải pháp kiểm soát ÔNKK hiệu quả, đặc biệt là bỏ xăng có chì; khí SOx và NOx cũng giảm mạnh, nhưng mức độ khác nhau do công nghệ xử lý SOx đạt hiệu quả cao hơn, trong khi đối với NOx thì hiệu quả chưa cao.

    Đối với các doanh nghiệp có các nguồn phát thải lớn như nhiệt điện, luyện kim, xi măng và giấy thì giải pháp kiểm soát ÔNKK thường là giải pháp tổng hợp, (gồm: công nghệ, thiết bị xử lý cuối đường ống tiên tiến và có thể kiểm soát tốt chất lượng dòng thải, đáp ứng các quy chuẩn phát thải khí thải hiện hành…), thì với các doanh nghiệp nhỏ, hoặc làng nghề, khả năng áp dụng các biện pháp tổng hợp tương đối khó và các trang thiết bị xử lý cuối đường ống thường chưa đạt kết quả.

   Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, mật độ giao thông gia tăng, số phương tiện cá nhân tham gia giao thông cũng tăng lên nhanh chóng, trong khi các phương tiện công cộng chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến tình trạng ÔNKK tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh gia tăng trong thời gian qua.

ÔNKK và kiểm soát ÔNKK trong Quy hoạch BVMT

   Chức năng của Quy hoạch phát triển không gian nói chung và Quy hoạch BVMT nói riêng gồm:

   Chức năng điều tiết: Quản lý sử dụng tài nguyên (đất, nước) thông qua sự phân định các chức năng cụ thể, áp dụng các điều kiện để tránh, hoặc giảm thiểu xung đột cho các mục đích sử dụng khác nhau.

    Chức năng phối hợp: Sự thống nhất giữa các mục tiêu phát triển và biện pháp (khả năng tương thích, sự phù hợp, sự thống nhất…) để đáp ứng các mục tiêu khu vực của chương trình Quy hoạch.

   Chức năng thông tin: Việc tiếp nhận và xử lý dữ liệu về các vấn đề cụ thể là cơ sở để thực hiện các chức năng nói trên, cho các mục đích tham khảo chính sách (như chính sách phát triển, phân bố nguồn lực tài chính và nhân lực, các chương trình trợ giúp, hỗ trợ đầu tư…).

   Nội dung lập Quy hoạch BVMT được căn cứ vào quy định tại Khoản 5, Khoản 38, Mục III về Quy hoạchBVMT và Phụ lục 1 ban hành kèm theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14; Các nội dung quy hoạch BVMT liên quan đến môi trường không khí, gồm: Đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường không khí; tình hình và dự báo phát sinh chất thải vào môi trường không khí; tác động của biến đổi khí hậu; quản lý và kiểm soát ÔNKK; phân tích, đánh giá về tổng quan điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, thực trạng quản lý, BVMT với trọng tâm liên quan đến giám sát và kiểm soát ÔNKK.

   Trên cơ sở đó, một số giải pháp đề xuất vấn đề ÔNKK và kiểm soát ÔNKK trong Quy hoạch BVMT: Trong Quy hoạch BVMT của quốc gia, quy hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí cần tập trung vào hướng hoạch định phân vùng chức năng tại các khu vực khác nhau (không phụ thuộc vào ranh giới hành chính tỉnh mà dựa vào các đặc điểm tự nhiên như địa hình, thảm thực vật, điều kiện thời tiết, khí hậu…). 

   Xác lập phân vùng khả năng chịu tải của môi trường không khí theo không gian, từ đó có các điều tiết cụ thể giữa quy hoạch phát triển các ngành nhiệt điện than, luyện kim, xi măng, giấy… với các hoạt động khác như giao thông vận tải, đốt chất thải…theo từng khu vực khác nhau thông qua xác lập quy chuẩn xả thải phù hợp. Qua đó, xác định lộ trình cắt giảm phát thải chất ÔNKK thông qua các biện pháp tích cực như ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý cuối đường ống.

    Xác định các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể trong công tác BVMT trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn từ 30 - 50 năm, cụ thể:

   Thứ nhất, lộ trình và các nhiệm vụ, giải pháp cắt giảm phát thải các chất ÔNKK từ các nguồn thải công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp (các làng nghề), hoạt động giao thông (quy hoạch phát triển giao thông liên vùng, quy hoạch giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân trong các khu vực đô thị).

   Thứ hai, thiết kế khung giám sát chất lượng môi trường không khí phù hợp như là một công cụ hữu ích phục vụ đánh giá hiệu quả và điều chỉnh một cách phù hợp của công tác quy hoạch BVMT không khí; Tích hợp các ưu điểm của 3 hệ thống quan trắc hiện đang tồn tại: Quan trắc môi trường quốc gia (3 vùng); quan trắc môi trường tại các địa phương và quan trắc môi trường đối với các nguồn thải do các doanh nghiệp tự thực hiện.

   Thứ ba, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch cần căn cứ vào các vấn đề đã được xác định để đưa ra giải pháp, nhân lực, kinh phí, huy động tài trợ quốc tế cho các định hướng, dự án và giai đoạn của Quy hoạch.

 

TS. Nguyễn Như Dũng

Viện Nhiệt đới môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2019)

Ý kiến của bạn