Banner trang chủ

Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến trong khối APEC

22/08/2017

     Ngày 20/8/2017, Nhóm công tác Hợp tác kỹ thuật nông nghiệp APEC (ATCWG) tổ chức buổi họp thường niên trong khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại TP. Cần Thơ, với sự tham gia của đại biểu 21 quốc gia thành viên APEC.

     Theo Trưởng Nhóm ATCWG Gong Xifeng,, năm qua, ATCWG đã hoạt động hiệu quả và có nhiều đóng góp đáng kể cho hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần bảo đảm an toàn và an ninh lương thực khu vực. Nhóm đã tập trung vào công tác thúc đẩy hợp tác để cải thiện năng lực của các nước thành viên trong sản xuất nông nghiệp và các ngành liên quan để tăng cường thương mại nông sản, đồng thời, chia sẻ và chuyển giao thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ sinh học, quản lý tài nguyên đất, nhằm nâng cao năng lực của thị trường nông sản khu vực và cải thiện việc thực hiện các quy định liên quan đến nông nghiệp theo Hiệp định thương mại tự do (FTA).

     Giai đoạn 2017 - 2018, ATCWG tiếp tục tập trung tăng cường các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; Ứng phó với các thách thức trong vấn đề an ninh lương thực; Thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ứng dụng nhiên liệu sinh học vào công tác chuyên canh; Tăng cường khả năng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của các nền kinh tế thành viên nhằm điều chỉnh, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao kỹ thuật trong khu vực để hình thành chuỗi giá trị thực phẩm theo hướng hiện đại hoá.

     Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, Việt Nam hoàn toàn đồng tình với đề xuất và phương hướng hoạt động của ATCWG trong giai đoạn tới. Với vị trí là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, khi Việt Nam đang ngày càng trở nên dễ tổn thương hơn bởi các yếu tố thiên tai, biến đổi khí hậu và đô thị hoá, gây khó khăn cho ngành nông nghiệp nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước nói riêng.

     Bên cạnh đó, nhu cầu hợp tác đa quốc gia về công nghệ, kỹ thuật trong nông nghiệp cùng các lĩnh vực liên quan là rất cấp thiết để kiến tạo một mạng lưới phòng vệ cấp khu vực trước những bất lợi tự nhiên nhằm bảo đảm an ninh lương thực bền vững.

 


Diễn đàn phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp APEC

 

     Tại cuộc họp, đại biểu các nước đã thông qua nhiều kế hoạch hợp tác tổ chức hội thảo và các khóa đào tạo kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cấp khu vực, ưu tiên cho các nước đang phát triển. Riêng tại Cần Thơ, trong suốt thời gian diễn ra Tuần lễ sẽ có 3 hoạt động bên lề, gồm đào tạo về công tác phòng chống độc tố nấm mốc và kiểm soát công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; Hội thảo về phòng chống mất mát, lãng phí lương thực và kiến tạo một hệ thống lương thực khối APEC bền vững; Hội thảo về thực hiện chứng nhận toàn cầu về kiểm dịch thực vật qua mạng.

     Cũng trong ngày 20/8, Nhóm Diễn đàn Đối thoại về phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp (HLPDAB) đã tổ chức họp thường niên Diễn đàn phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp APEC.

     Cuộc họp được chia ra làm 5 phiên: Đối thoại về phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp; Đối thoại hợp tác công - tư chia sẻ kinh nghiệm của các nền kinh tế khác nhau trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp; Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; Thúc đẩy những sáng kiến, chính sách trong kỹ thuật giống mới và những tiếp cận về chính sách ở các nền kinh tế khác nhau; Phiên toàn thể.

     Trong đó, phiên thứ nhất tập trung cập nhật những thông tin cho Tuần lễ an ninh lương thực APEC 2017 và Tuyên bố Cần Thơ; báo cáo kết quả của Nhóm Diễn đàn An ninh lương thực từ hội nghị APEC 2016 tại Peru cho đến nay; thông tin cập nhật và chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ sinh học trong nông nghiệp của các nền kinh tế APEC khác nhau.

     Phát biểu khai mạc tại phiên họp, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp đang thúc đẩy tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra nhiều lợi ích cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp cũng như ngành sản xuất lương thực. Công nghệ sinh học giúp loại bỏ các dịch bệnh, hỗ trợ cải thiện năng suất nông nghiệp; Là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc đáp ứng các yêu cầu phát triển dân số trong thế kỷ tới, nâng cao năng suất lao động cũng như sử dụng cây trồng biến đổi gen, nhu cầu tiếp cận các vấn đề từ môi trường cũng như sức khỏe con người. Những đóng góp tiềm năng của công nghệ sinh học giải quyết vấn đề mất lương thực, đảm bảo các nền kinh tế đang phát triển nói chung, nguồn lực của nông dân nghèo được hỗ trợ nhiều hơn nữa nhờ công nghệ sinh học.

     Phiên họp Đối thoại về phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp sẽ là một bước ngoặc lớn để giải quyết được các vấn đề chung và xây dựng một liên minh nghiên cứu thúc đẩy, phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, là diễn đàn quan trọng để các nền kinh tế khác nhau trao đổi quan điểm, mở ra các cơ hội mới cho các nền kinh tế APEC hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững vì sự thịnh vượng của các nền kinh tế.

     Phiên họp toàn thể cuối ngày tập trung thảo luận và thông qua kế hoạch chiến lược, chương trình hành động về Diễn đàn đối thoại chính sách cao cấp về công nghệ sinh học trong nông nghiệp APEC.

 

Nguyên Hằng

Ý kiến của bạn