Banner trang chủ

Ô nhiễm môi trường tại Thanh Hóa: Báo động từ thực tế

09/06/2016

     Mặc dù, hiện nay dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và miền núi tỉnh Thanh Hóa chiếm khoảng 88,5%, nhưng công tác thu gom rác thải mới chỉ đạt 55 – 60%.

 

Bãi rác tự phát tại thị trấn Còng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa

 

     Theo báo cáo từ Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa, hiện nay lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 1.200 -1.500 tấn/ngày. Lãnh đạo Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết, hiện các bãi rác của khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh chủ yếu là bãi chứa rác tạm, rác thải hầu hết chỉ được đổ đống và đốt mà chưa được san gạt, đầm nén, lấp phủ đất, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, không sử dụng các chế phẩm vi sinh để hạn chế mùi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

     Ô nhiễm từ bãi rác tạm và thuốc BVTV

     Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng phân bón, hóa chất (BVTV) cũng không đúng chủng loại, kỹ thuật, không rõ nguồn gốc xuất xứ, các loại hóa chất BVTV bị cấm và hạn chế sử dụng trong canh tác nông nghiệp vẫn đang diễn ra. Các chai lọ, vỏ, bao gói hóa chất BVTV sau khi sử dụng đều được người dân vứt bỏ tại bờ ruộng hoặc xuống các kênh tiêu thoát nước. Ngoài ra, chất thải trong chăn nuôi hầu như chưa được thu gom và xử lý triệt để, thải trực tiếp xuống ao hồ, đồng ruộng hoặc các hệ thống kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước mặt cũng như nước ngầm xung quanh khu vực tiếp nhận.

     Mặt khác, cũng theo lãnh đạo ngành TN&MT tỉnh, tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi hải sản, sử dụng các phương pháp có tính hủy diệt, sử dụng chất nổ, xung điện… gây nên hiện tượng mất cân bằng hệ sinh thái. Cùng với đó việc khai thác khoáng sản chưa hợp lý dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các hoạt động chế biến lâm sản, sản xuất tinh bột sắn, mía đường, cồn, men… đã tác động lớn đến chất lượng nguồn nước các hệ thống sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, sông Âm. Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước tại sông Mã, sông Bưởi, sông Yên, sông Hoạt… không đảm bảo mục đích cung cấp nước sinh hoạt và bị ô nhiễm bới các chỉ tiêu BOD5, COD, TSS, NH4+…

     Từ thực tế ô nhiễm nghiêm trọng của khu vực nông thôn, miền núi tỉnh Thanh Hóa đang đặt ra bài toán về việc hoàn thiện và cụ thể hóa những quy định của Luật Bảo vệ môi trường đối với khu vực nông thôn miền núi. Hiện các bãi rác của khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh chủ yếu là bãi chứa rác tạm, rác thải hầu hết chỉ được đổ đống và đốt mà chưa được san gạt, đầm nén…

     Phải có văn bản chuyên biệt

     Thực tế, sau khi Luật Bảo vệ môi trường được ban hành và áp dụng vào thực tiễn đã phát huy tác dụng và tạo cho môi trường nông thôn một luồng sinh khí mới. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều chuyên gia môi trường, để phát huy hiệu quả trong cần phải sớm ban hành các văn bản chuyên biệt quy định một cách hệ thống về quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn. Đồng thời, cần sớm chỉnh sửa, hoàn thiện một số điều chưa phù hợp với thực tế, thiếu hiệu quả khi áp dụng hoặc bổ sung các nội dung hướng dẫn thi hành đối với vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn, như tiêu chí môi trường trong công nhận nông thôn mới. Quan trọng hơn nữa là các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành phải đến từng người dân, nâng cao nhận thức cho người dân để việc tuân thủ, thực thi các quy định có hiệu quả.

     Hiện nay, mặc dù hệ thống văn bản đã ban hành khá nhiều, nhưng chưa thực sự được triển khai đầy đủ, do vậy hiệu quả đạt được còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường, phòng ngừa và ứng phó các sự cố rủi ro, đặc biệt trong giám sát hiệu quả việc thực hiện các chính sách, pháp luật hiện hành, giám sát các Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến môi trường nông thôn.

     Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thời gian tới để giữ “bình yên” cho môi trường nông thôn, miền núi nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng cần xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống quản lý, bảo vệ môi trường các cấp, đặc biệt là đối với bảo vệ môi trường nông thôn cấp xã, huyện, cùng với đó là tiếp tục lựa chọn và đề xuất các giải pháp kĩ thuật công nghệ trong phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý các loại chất thải nông nghiệp, nông thôn phù hợp, khả thi và hiệu quả. Huy động sự tham gia của cộng đồng, tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư là những hoạt động không thể thiếu, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

 

Mai Thanh

(Diễn đàn Doanh nghiệp)

Ý kiến của bạn