Banner trang chủ

Áp dụng phương pháp quản lý tiếp cận dựa vào hệ sinh thái tại Cộng hòa Liên bang Nga và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

14/12/2016

   Cộng hòa Liên bang (CHLB) Nga có 35 vườn quốc gia và 100 khu dự trữ sinh quyển, với diện tích rừng chiếm khoảng 22% tổng diện tích rừng trên thế giới. Các hệ sinh thái (HST) nơi đây đa dạng, đặc trưng nhất là HST đất ngập nước (ĐNN). Để quản lý hiệu quả những giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) tại các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển, CHLB Nga đã áp dụng phương pháp quản lý dựa vào HST (EBM) đối với HST ĐNN nội địa và ven biển.

   Phương pháp EBM

   Phương pháp EBM được phát triển từ những năm 80 của thế kỷ XX. Ban đầu, phương pháp này nhằm mục đích quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo tồn ĐDSH, tuy nhiên, sau đó được áp dụng rộng cho phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)... Thích ứng với BĐKH dựa trên HST khẳng định vai trò của ĐDSH, đồng thời giúp con người thích ứng với các tác động tiêu cực từ BĐKH.

   Phương pháp EBM được thực hiện trên nguyên tắc tích hợp giữa các mục tiêu sinh thái, xã hội và kinh tế; chỉ ra tính phức tạp của các quá trình tự nhiên và hệ thống xã hội; khuyến khích sự tham gia của các bên trong việc xác định vấn đề và tìm ra giải pháp; tìm hiểu các quá trình sinh thái và đưa ra giải pháp để HST đáp ứng với những biến đổi môi trường; xem xét tính toàn vẹn của HST; tính bền vững của con người và các hệ thống sinh thái.

   Có thể thấy, phương pháp EBM là cách tiếp cận tổng hợp, khoa học, dài hạn, chú trọng xem xét các mối liên hệ trong HST; đồng thời xem xét những tác động của con người tới môi trường. Trong khi đó, các phương pháp truyền thống thường bị hạn chế (phạm vi hẹp), ngắn hạn và coi yếu tố con người độc lập với tự nhiên. Với cách tiếp cận EBM, các nhà quản lý sẽ xây dựng kế hoạch quản lý dựa vào HST đối với từng khu vực (vườn quốc gia, khu bảo tồn (KBT)).

   Trên thế giới đã áp dụng phương pháp EBM và một số mô hình triển khai thành công trên thực tiễn như KBT biển Great Barrier Reef của Ôxtrâylia, vùng biển Bering của Mỹ… Trong số đó, CHLB Nga là quốc gia có nhiều bước phát triển cũng như kinh nghiệm áp dụng phương pháp EBM trong thực tiễn.

   Một số mô hình áp dụng ở CHLB Nga

   KBT thiên nhiên Moskvoretsky được thành lập vào năm 1998, là KBT thiên nhiên lớn nhất của TP. Mátxcơva có diện tích 3.660 ha với tính ĐDSH cao. Đây là nơi cư trú của 250.000 chim nước như thiên nga, vịt và ngỗng, trong đó có nhiều loài chim có nguy cơ tuyệt chủng.

   Để quản lý KBT thiên nhiên Moskvoretsky, Ban quản lý đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời sử dụng các công cụ vệ tinh giám sát để hạn chế sự suy giảm tài nguyên ĐDSH. Ngoài ra, Ban quản lý đã xây dựng các kế hoạch quản lý và bảo vệ HST trước những tác động bên ngoài như xem xét các vấn đề bị ảnh hưởng liên quan đến đất (thủy điện trong lực vực sông), không khí (ô nhiễm không khí) hay biển (đánh bắt cá hay tràn dầu); Lồng ghép vấn đề môi trường trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

   Trong thời gian qua, Ban quản lý đã triển khai một số hoạt động như bảo vệ rừng bền vững nhằm hạn chế các tác động xâm hại rừng; thu hút cộng đồng tham gia quản lý tài nguyên và ĐDSH; tăng cường năng lực quản lý ĐDSH thông qua cơ chế chia sẻ thông tin giữa nhà quản lý và cộng đồng; tăng cường quyền lực của cộng đồng thông qua việc thành lập các câu lạc bộ và ủy ban khác nhau. Chính vì vậy, người dân địa phương đã tham gia quản lý rừng một cách tích cực, việc khai thác gỗ bất hợp pháp giảm, thu nhập của người dân cũng tăng lên.

   KBT ĐNN Astrakhansky được thành lập năm 1919 với diện tích 66.800 ha. Đây là nơi cư trú của nhiều loài chim, trong đó có 27 loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như chim ưng biển, chim cắt saker, thiên nga trắng...

   Trong thời gian qua, ĐDSH trong KBT đang chịu sự tác động mạnh của quá trình phát triển các hệ thống giao thông và quy hoạch đất nông nghiệp. Để nâng cao hiệu quả quản lý, Ban quản lý KBT đã xây dựng kế hoạch đào tạo về quản lý làm giàu từ rừng; đồng thời kiểm soát các loại gỗ quý, hiếm thông qua hệ thống pháp luật. Mặt khác, Ban quản lý đã thành lập “mạng lưới truyền tin cộng đồng” nhằm bảo vệ rừng và những giá trị ĐDSH trong KBT. Sau khi áp dụng các phương pháp trên, nguồn lợi thủy sản đã được cải thiện, nhiều loài cá quý hiếm đã quay trở lại KBT. Từ đó, cuộc sống của người dân đã được nâng cao, tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp giảm đi.

   Lưu vực sông Volga có tính ĐDSH cao nhất trên thế giới với chế độ thủy học đặc biệt hình thành từ sự tương tác của các dòng sông lớn nằm trong lưu vực biển khép kín. Nơi đây có 278 loài thực vật, 30 loài động vật có vú, 61 loài cá, 230 loài chim, trong đó có 27 loài chim nằm trong Sách đỏ của CHLB Nga như bồ nông Dalmatian, cò thìa mỏ vàng, đại bàng đuôi trắng... Đặc biệt, nơi đây cũng là đường di cư của nhiều loài chim nước trên thế giới.

Lưu vực sông Volga có tính ĐDSH cao trên thế giới

   Trên lưu vực sông Volga diễn ra nhiều hoạt động phát triển kinh tế với quy mô lớn, dẫn đến suy thoái HST và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Ban quản lý lưu vực sông Volga đã áp dụng phương pháp EBM để phục hồi lưu vực sông với sự tham gia của cộng đồng trong việc lập kế hoạch; đồng thời xác định giá trị ĐDSH, mối đe dọa từ sự mất rừng và môi trường sống của động vật hoang dã. Qua đó, ô nhiễm môi trường lưu vực sông đã được kiểm soát. Mô hình đã thành công trong việc phác họa và xác định các mục tiêu để bảo tồn ĐDSH nhằm duy trì tính toàn vẹn của HST, bảo tồn cấu trúc, chức năng và giá trị ĐDSH của HST.

   Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về áp dụng phương pháp EBM

   Hiện tại, Việt Nam chưa có chính sách cụ thể cho việc áp dụng phương pháp EBM, tuy nhiên trong các văn bản pháp luật đã có chủ trương khuyến khích áp dụng phương pháp này. Trước tiên, Việt Nam cần xây dựng những hướng dẫn kỹ thuật để khuyến khích áp dụng phương pháp EBM. Sau khi áp dụng thành công sẽ xây dựng thành các nội dung cụ thể trên cơ sở lồng ghép với chính sách có liên quan như chính sách về lâm nghiệp, thủy sản, quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội... Việc áp dụng phương pháp EBM trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

   Để áp dụng phương pháp EBM có thể sử dụng các công cụ như đánh giá mức độ tổn thương do tác động tiêu cực của BĐKH và kế hoạch thích ứng; quy hoạch không gian biển và bờ biển dựa trên HST; lồng ghép quy hoạch đất và biển để giảm thiểu tối đa tác động của việc sử dụng đất trong môi trường biển và ven biển. Qua khảo sát cho thấy, CHLB Nga đã áp dụng đầy đủ và linh hoạt các công cụ này khi áp dụng phương pháp EBM tại các khu vực cụ thể. Đối với Việt Nam, cần khuyến khích sử dụng nhiều công cụ khi áp dụng phương pháp EBM cho từng đối tượng cụ thể.

   Nhiều chương trình/dự án đã được triển khai ở Việt Nam nhưng mới chỉ dừng lại ở việc tiếp cận HST, mà chưa áp dụng đúng bản chất của phương pháp EBM. Do vậy, cùng với việc xây dựng chính sách cũng như triển khai các hoạt động cụ thể áp dụng EBM tại Việt Nam, cần có nhiều chương trình, thỏa thuận hợp tác với CHLB Nga về bảo tồn ĐDSH nói chung và áp dụng phương pháp EBM nói riêng.

ThS. Huỳnh Thị Mai

ThS. Ngô Xuân Quý

Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn