Banner trang chủ

Áp dụng bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường ở Việt Nam: Thuận lợi và khó khăn

30/10/2017

     Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường (TNBTTHVMT) đã được áp dụng rộng rãi như một công cụ quản lý dựa vào thị trường trong BVMT. Trong nhiều thập kỷ qua, các quốc gia trên thế giới đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo hiểm TNBTTHVMT (thiết lập khung pháp lý). Sản phẩm bảo hiểm này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thực hiện quy định BVMT của doanh nghiệp (DN) và chia sẻ gánh nặng rủi ro với DN trong trường hợp xảy ra sự cố, dẫn đến phải thực hiện đền bù thiệt hại về môi trường.

 

           Việt Nam đã tích cực triển khai loại hình bảo hiểm nông nghiệp

 

     Từ năm 2005, Việt Nam đã tiếp cận với loại hình bảo hiểm TNBTTHVMT thông qua quy định tại Luật BVMT năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đến nay, sau 12 năm, bảo hiểm TNBTTHMT vẫn chưa được triển khai trong thực tế, chưa có một quy định cụ thể để thực hiện. Tuy nhiên, thông qua việc nghiên cứu các sản phẩm bảo hiểm tương tự, cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, có thể đưa ra một số đánh giá về những thuận lợi, khó khăn khi áp dụng sản phẩm bảo hiểm TNBTTHVMT ở Việt Nam.

     Hiện nay, bảo hiểm TNBTTHVMT đã được thay thế bằng Luật BVMT năm 2014; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật BVMT và các văn bản pháp luật khác. Cụ thể, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm hoạt động dầu khí, sản xuất, kinh doanh hóa chất, xăng dầu; sử dụng tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ, hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam; lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại; vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải có trách nhiệm mua bảo hiểm TNBTTHVMT, hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật.

     Trong thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu, ban hành và triển khai bảo hiểm bồi thường trách nhiệm về môi trường, trong đó tập trung chủ yếu vào việc thực hiện bảo hiểm đối với các sự cố tràn dầu. Tại Hàn Quốc, Đạo luật về trách nhiệm, bồi thường thiệt hại và khắc phục thiệt hại do ô nhiễm môi trường đưa ra định nghĩa, bảo hiểm trách nhiệm môi trường có nghĩa là một hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa chủ cơ sở sản xuất với công ty bảo hiểm, trong đó quy định các điều khoản, điều kiện đảm bảo về trách nhiệm đối với thiệt hại về môi trường. Chính phủ Hàn Quốc đã phân loại các hoạt động sản xuất trong lĩnh vực dầu khí theo mức độ, tiềm năng gây ô nhiễm môi trường theo 3 nhóm rủi ro: Cao, trung bình, thấp. Trên cơ sở từng mức độ rủi ro được phân loại, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng mức độ trách nhiệm tối thiểu đối với từng loại hình đối tượng tham gia mua bảo hiểm trách nhiệm pháp lý môi trường.

     Nhận thức được tầm quan trọng của việc đền bù thiệt hại ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã thông qua các công ước quốc tế thiết lập khung pháp lý về bồi thường thiệt hại ô nhiễm dầu do các sự cố tràn dầu từ tàu gây ra như Công ước quốc tế 1969 về trách nhiệm dân sự đối với bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu (Công ước Trách nhiệm dân sự 1969) và Công ước quốc tế 1971 về thành lập Quỹ quốc tế đối với đền bù thiệt hại do ô nhiễm dầu (Công ước Quỹ 1971). Trên thực tế, Việt Nam đã áp dụng các quy định trên để thực hiện đền bù thiệt hại về môi trường đối với sự cố tràn dầu. Đây là cơ sở pháp lý và kinh nghiệm thực tiễn để Việt Nam triển khai thực hiện bảo hiểm TNBTTHVMT.

     Ngoài ra, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực triển khai loại hình bảo hiểm nông nghiệp, một loại sản phẩm bảo hiểm có nội dung gần giống với sản phẩm bảo hiểm TNBTTHVMT. Đặc điểm chung của hai sản phẩm là đều phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, thời tiết, do vậy, việc mua bán bảo hiểm, lựa chọn loại hình bảo hiểm, các đối tượng có liên quan đều có những đặc điểm tương đối giống nhau. Vì thế, kinh nghiệm thực tiễn từ việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp sẽ cần thiết cho các nhà quản lý lựa chọn phương án tối ưu để triển khai bảo hiểm.

     Tuy nhiên đến nay, sau khi Luật BVMT năm 2014 ra đời vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn (các quy định về phí bảo hiểm, đối tượng tham gia bảo hiểm, cách thức quản lý, chính sách về khuyến khích, hỗ trợ tham gia thị trường bảo hiểm...) để triển khai thực hiện. Trong khi đó, nhận thức của cơ quan quản lý, người dân và DN về bảo hiểm TNBTTHVMT còn hạn chế. Đối với loại hình bảo hiểm đặc biệt này, việc nghiên cứu, đánh giá  rủi ro cho từng loại hình sản xuất để đưa ra mức phí bảo hiểm, mức chi trả đền bù thiệt hại phù hợp là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Do không tính toán được đầy đủ các rủi ro môi trường và khoản tiền bồi thường, nên một số công ty bảo hiểm không có nhu cầu tham gia cung ứng sản phẩm bảo hiểm này ở Việt Nam.

     Có thể nói, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên sản phẩm bảo hiểm TNBTTHVMT ra đời là một giải pháp kinh tế quan trọng, giúp giải quyết các vấn đề môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm và chia sẻ gánh nặng rủi ro. Tuy nhiên, sản phẩm bảo hiểm này là một lĩnh vực khó, đặc biệt trong việc kiểm soát rủi ro. Mặt khác, khi có tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra thì chi phí để bảo hiểm cho các đối tượng là rất lớn, nhiều khi vượt quá năng lực tài chính của công ty bảo hiểm. Do vậy, để triển khai thị trường bảo hiểm TNBTTHVMT hiệu quả, việc đánh giá thuận lợi, khó khăn, những nội dung phù hợp với điều kiện phát triển, hoàn cảnh thực tế là rất quan trọng, góp phần phát triển sản phẩm bảo hiểm này trong giai đoạn tới.

 

ThS Trần Bích Hồng, ThS Hàn Trần Việt

Viện Khoa học Môi trường

Lê Văn Tùng

Học viện Chính trị

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017)

Ý kiến của bạn