Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Xây dựng đề xuất dự án về giám sát ô nhiễm nhựa

08/12/2023

    Ngày 7/12/2023, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo tham vấn “Xây dựng đề xuất dự án về giám sát ô nhiễm nhựa”.

    Theo số liệu thống kê từ Bộ TN&MT, mỗi năm Việt Nam tạo ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Trong khi đó, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Để khắc phục vấn đề này cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực: giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa; sử dụng vật liệu thay thế túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; công nghệ tái chế rác thải túi ni-lông, rác thải nhựa.

Ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường nhận định, ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, nếu không có các giải pháp ngăn chặn kịp thời sẽ để lại những hệ lụy cho nhân loại trong tương lai. Do đó, công tác giám sát về tình trạng ô nhiễm nhựa cần được quan tâm hơn nữa nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của ô nhiễm từ rác thải nhựa nói chung, từ đó tiến tới hoàn thiện mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Hội thảo tham vấn Xây dựng đề xuất dự án về giám sát ô nhiễm nhựa do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường được tổ chức với mục tiêu thu thập các ý kiến đóng góp của các chuyên gia nhằm tìm ra các giải pháp sáng tạo hoàn thiện đề xuất dự án về giám sát ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.

Bà Swati Singh Sambyal - Đối tác của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (GRID-Arendal) đưa ra hướng dẫn

xây dựng đề xuất dự án về giám sát ô nhiễm nhựa

    Trao đổi về các sáng kiến liên quan đến việc giám sát rác thải nhựa biển, bà Swati Singh Sambyal - Đối tác của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho rằng, trước tiên cần phân tích chuyên sâu nhiều góc độ bao gồm: thị trường, công nghệ - kỹ thuật, khả năng tài chính và lợi nhuận xã hội của dự án. Về việc xây dựng đề xuất dự án, cần làm rõ tầm nhìn, mục tiêu, để có cơ sở đưa ra các dự kiến về tác động xã hội mà dự án đem lại. Sau khi xác định được mục tiêu của dự án, một bản báo cáo tổng quan với các số liệu và dẫn chứng cụ thể sẽ dễ dàng thuyết phục và thu hút nhiều nhà tài trợ. Về vấn đề kêu gọi nguồn tài chính cho dự án, đại diện GRID-Arendal gợi ý nên cân nhắc năng lực quản trị, hành lang chính sách và kế hoạch phát triển quốc gia từ đó kêu gọi vốn từ nguồn ngân sách nhà nước, đặc biệt là khuyến khích sự tham gia đóng góp từ các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động trong ngành nhựa nói chung, hướng tới mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Bà Kim Thị Thúy Ngọc, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường phát biểu tại Hội thảo

    Tại Hội thảo, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường-Kim Thị Thúy Ngọc đã mô tả bức tranh toàn cảnh về hiện trạng quản lý chất thải rắn/giám sát ô nhiễm nhựa tại Việt Nam và đưa ra đề xuất dự án về giám sát ô nhiễm nhựa. Theo bà Kim Thị Thúy Ngọc, Nhà nước đã có các chính sách khuyến khích hoạt động tái chế chất thải bao gồm các ưu đãi về đất đai, thuế và lệ phí; hỗ trợ vốn đầu tư; trợ giá về sản phẩm cũng như các dịch vụ BVMT từ cấp Trung ương cho tới cấp địa phương. Tuy nhiên, các quy định pháp luật (cụ thể là Luật BVMT 2020) chưa có hướng dẫn chi tiết để triển khai thực hiện; phần lớn chất thải chưa được phân loại tại nguồn, chương trình phân loại ở các địa phương mới chỉ thực hiện thử nghiệm, chưa có tính đồng bộ và chính thức hoá; các hướng dẫn về lựa chọn công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn, tiêu chuẩn quy đổi với các sản phẩm tái chế vẫn còn thiếu; chưa có nhiều ưu đãi và hỗ trợ để tạo điều kiện phát triển công nghiệp tái chế và thị trường tái chế.

Toàn cảnh Hội thảo

    Trong những năm trở lại đây, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều sáng kiến về quản lý chất thải nhựa như: Việt Nam hành động chống ô nhiễm nhựa (VAAPP); Dự án “Tiết giảm, tái sử dụng, tái chế để BVMT biển và các rạng san hô” (3RproMar) hay “Thúc đẩy hành động về ô nhiễm nhựa từ nguồn tới biển ở châu Á-Thái Bình Dương”… Trên thực tế, các hoạt động tái chế được thực hiện chủ yếu có quy mô nhỏ, manh mún; năng lực giám sát còn yếu kém và thiếu cơ sở dữ liệu thông tin về ô nhiễm nhựa. Từ hiện trạng trên, bà Kim Thị Thuý Ngọc đề xuất dự án bao gồm 2 hợp phần: thứ nhất, tăng cường kiểm soát ô nhiễm nhựa thông qua thúc đẩy các hoạt động giám sát ô nhiễm nhựa tại Việt Nam nhằm cung cấp thông tin cho quá trình quản lý và xây dựng chính sách; thứ hai, tăng cường quản lý chuỗi giá trị chất thải nhựa tại các tỉnh có lưu vực sông đựa lựa chọn tại Việt Nam thông qua thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn và các giải pháp sáng tạo nhằm ngăn ngừa chất thải nhựa tại nguồn. Các đối tác chính được dự án hướng tới bao gồm thành phần nhà nước (chính quyền trung ương và các tỉnh thành); khu vực tư nhân (URENCO, công ty tái chế); các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng địa phương (CBOs); NGOs (WWF, IUCN, MCD…) và các đối tác phát triển như USAID, UNDP, KOICA, JICA…

    Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phát biểu cho ý kiến về các nội dung: khung thể chế về quản lý chất thải rắn, giám sát ô nhiễm nhựa; công nghệ và các vấn đề tài chính có liên quan; thách thức trong việc quản lý chất thải rắn, giám sát ô nhiễm nhựa… nhằm hoàn thiện dự án về giám sát ô nhiễm nhựa.

Phùng Quyên

Ý kiến của bạn