02/07/2025
Ngày 7/2/2025, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp SOM (Senior Officials Meeting) về tầm nhìn hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản giữa Vụ Hợp tác quốc tế (đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và Vụ Môi trường, Xuất khẩu và Quan hệ quốc tế (đại diện Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản).
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, hai bên đã cùng nhau lên kế hoạch tổ chức Đối thoại cấp cao hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản; tổ chức Diễn đàn đối tác công tư giữa hai nước nhằm tăng cường hợp tác doanh nghiệp; đồng thời thảo luận, rà soát thống nhất các nội dung của bản Dự thảo Tầm nhìn trung và dài hạn.
Đối với nội dung tổ chức Đối thoại cấp cao hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản và Diễn đàn đối tác công tư giữa hai nước, hai bên thống nhất sẽ tổ chức ở Tokyo (Nhật Bản) vào đầu tháng 9/2025. Tại Đối thoại cấp cao lần này, hai bên sẽ đánh giá sâu sắc lại các kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua; trên cơ sở đó thông qua nội dung và nhất trí triển khai bản chính sách Tầm nhìn trung và dài hạn. Sau phiên Đối thoại cấp cao, dự kiến hai Bộ trưởng sẽ tham dự và phát biểu khai mạc tại Diễn đàn đối tác công tư với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp hai nước.
Ông Hagiwara Hideki - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Xuất khẩu và Quan hệ quốc tế (Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản) chia sẻ tại cuộc họp
Về các nội dung Dự thảo Tầm nhìn trung và dài hạn, hai bên nhất trí, bản chính sách sẽ tập trung hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam với 4 trụ cột chính, bao gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp; Thúc đẩy đầu tư tư nhân và cải thiện hệ thống chứng nhận sản phẩm, công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, bảo vệ nguồn gen và giống cây trồng; Hỗ trợ xây dựng chính sách; Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp tại cả hai quốc gia. Một trong những sáng kiến mới đáng chú ý là việc phát triển nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp. Theo đó, cả hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo và trao đổi nhân lực giữa hai quốc gia, nhằm xây dựng đội ngũ nông dân có kỹ năng, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, sản xuất bền vững và quản lý tài nguyên nông nghiệp.
Quang cảnh cuộc họp
Trước đó, vào tháng 5/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã lần đầu tiên ký kết bản chính sách Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 1 (2015 - 2019) tại Tokyo (Nhật Bản). Tầm nhìn này tập trung hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam với 3 nội dung chính: Xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Đào tạo nhân lực chất lượng cao. Triển khai bản chính sách Tầm nhìn trung và dài hạn, đã có 11 dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại và dự án vốn vay của Nhật Bản trong khuôn khổ Tầm nhìn giữa hai Bộ. Tiếp đó, đến tháng 12/2020, hai bên đã ký kết bản chính sách Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước giai đoạn 2 (2020 - 2024) tại Hà Nội, với 4 nội dung tập trung vào: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, hỗ trợ BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu; Thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp; Hỗ trợ Việt Nam hoạch định chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp; Mở rộng các mô hình thí điểm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Có thể nói, việc triển khai bản chính sách Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp đã hỗ trợ đắc lực cho nông nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao hạ tầng, thúc đẩy đầu tư tư nhân và tăng cường nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp bền vững, từng bước khắc phục được những bất cập trong sản xuất nông nghiệp như: vật tư, con giống đầu vào, chất lượng sản phẩm đầu ra, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu…, góp phần không nhỏ vào quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Việt Nam. Tin tưởng rằng, với việc thông qua bản chính sách Tầm nhìn trung và dài hạn vào tháng 9 tới sẽ thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ, sự sẵn sàng tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, sự cần cù, sáng tạo của những người nông dân, mở ra cơ hội lớn cho phát triển nông nghiệp bền vững, vì lợi ích chung của hai đất nước.
Trung Hiếu