Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tuyên truyền và truyền thông trong việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

10/05/2022

    Việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 là một bước tiến mới trong việc đưa ra những quy định một cách rất toàn diện, đầy đủ, đồng bộ, với những chế tài chặt chẽ, sâu sát, cụ thể hóa công tác BVMT trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, đến tận các tầng lớp dân cư, hộ hộ gia đình và mỗi người dân. Thực hiện Luật BVMT năm 2020 là công tác vừa cấp thiết, vừa lâu dài, liên quan mật thiết đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và tác động đến quyền, lợi ích của các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất, kinh doanh, đến tất cả các ngành, các cấp, đến tất cả mọi người dân... Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, truyền thông Luật BVMT 2020 là một công cụ đi trước, mở đường đồng thời trong suốt quá trình thực hiện Luật. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông trên địa bàn rộng lớn nhất, có nhiều đối tượng chịu ảnh hưởng, chi phối nhất, có vai trò quyết định thành công thực hiện Luật BVMT năm 2020. Đó là các địa bàn, khu vực dân cư, thôn, làng, ấp, bản và các hộ gia đình trên phạm vi cả nước.

1. Nếu như trong những năm qua, công tác tuyên truyền BVMT đã làm khá tốt “sứ mạng” của nó, song đến nay, chúng ta mới chỉ tuyên truyền, chứ chưa làm tốt công tác truyền thông. Tức là vẫn chưa làm tốt chức năng bản chất của truyền thông, trong đó là khả năng tạo nên sức mạnh hiệu ứng xã hội cũng như hiệu lực, hiệu quả khi đưa những thông tin về môi trường đến với dân chúng. Tuyên truyền là việc đưa ra văn bản của Đảng, Nhà nước, kèm theo là những lời bình luận, giải thích, định hướng dư luận xã hội để mọi người hiểu rõ, ủng hộ, làm theo. Theo ý nghĩa nguyên thủy, khái niệm tuyên truyền vốn chỉ dùng trong lĩnh vực  chính trị sau ngày càng được mở rộng nhằm phổ biến, truyền bá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống, thông tin kịp thời tình hình thời sự, chính trị cũng như giáo dục, định hướng tư tưởng trước các sự kiện chính trị, xã hội nhằm tác động đến tư tưởng, tình cảm, tâm trạng, niềm tin của dân chúng. Còn đặc trưng cơ bản, nổi bật của truyền thông là quá trình đưa đến công chúng những thông tin, trên cơ sở đó để mọi đối tượng trong xã hội chia sẻ, trao đổi ý kiến, đánh giá lợi hại, hiệu lực, hiệu quả, tác động của thông tin đến lợi ích, tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, thái độ, hành động của các cá nhân, các nhóm xã hội, cộng đồng. Trong thời đại của xã hội thông tin, mạng Internet vô cùng phổ biến và thuận tiện như hiện nay, truyền thông lại càng phát huy thế mạnh của mình trong việc kết nối các cộng đồng, chia sẻ thông tin, thể hiện thái độ, thậm chí bàn luận, tranh luận, phản ứng lại xung quanh các thông tin của nhà truyền thông đưa ra. Điều này không thể hoặc ít xảy ra trong công tác tuyên truyền. Truyền thông và tuyên truyền là hai loại hình có thể có cùng mục đích nhưng khác nhau về phương thức tổ chức thực hiện cũng như kết quả sự tác động của thông tin, trong đó, tuyên truyền là dạng thức truyền thông đặc biệt. Hiện nay, trong thực tế, nhiều khi người ta hay nói đến công tác truyền thông, nhưng thực chất từ nhận thức đến phương thức thực hiện thì cơ bản vẫn là công tác tuyên truyền chứ chưa mang tính chất cũng như nội hàm của khái niệm truyền thông.

2. Phát huy thế mạnh của công tác truyền thông thực hiện Luật BVMT 2020. Bước đầu có thể tập trung vào một số khâu nổi bật sau:

    Một trong những khâu cốt yếu của truyền thông Luật BVMT năm 2020 là tạo ra sự tương tác qua lại giữa chủ thể truyền thông và khách thể truyền thông. Nếu như tuyên truyền thường là đưa thông tin một cách một chiều, thậm chí tuyệt đối hóa chủ thể. Chẳng hạn, những người làm công tác tuyên truyền thường “đưa cái mình có đến với đối tượng” tức là đưa văn bản Luật, Nghị định, Thông tư, hướng dẫn đến với công chúng trong khi đó truyền thông đề cao tương tác, đề cao công chúng, tức là sâu khi họ tiếp thu văn bản thì thái độ, tình cảm, băn khoăn, trăn trở, mong muốn của đối tượng truyền thông là gì. Trên cơ sở đó, những nhà truyền thông tìm cách đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của công chúng theo hướng vừa đề cao lợi ích chung, lợi ích của tập thể, vừa tôn trọng lợi ích của hộ gia đình, cá nhân ngươi dân khi thực hiện Luật. Hiện nay, Luật BVMT 2020 mới đi vào thực hiện trong thời gian ngắn nên phần lớn người dân chưa tiếp nhận đầy đủ, toàn diện thông tin cũng như các nhà tuyên truyền, truyền thông cũng chưa tạo ra hiệu ứng, chưa thu được nhiều phản hồi từ công chúng. Hầu hết các khu dân cư, thôn, làng, ấp, bản, hộ gia đình, thậm chí chính quyền cơ sở, tổ dân phố còn khó khăn trong việc triển khai việc thực hiện Luật, nhất là rất lúng túng trong việc phân loại, thu gom, cân, đong, đo đếm, trả phí, lệ phí môi trường...Thay đổi một thói quen đã ngấm vào suy nghĩ hành động vào từng cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân hàng nghìn năm nay là một việc rất phức tạp, lâu dài không thể làm trong “ngày một ngày hai”. Do đó, cùng với các các giải pháp đồng bộ khác nhau, rất cần các nhà truyền thông tương tác, đối thoại, giải thích, thuyết phục trên cơ sở nắm được những tâm tư, ý nghĩ, nguyện vọng, thậm chí cần có thao tác “cầm tay chỉ việc” cho từng tập thể,  cá nhân đối tượng, cộng đồng.

    Giai đoạn đầu rất cần kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền và truyền thông. Công tác tuyên truyền, truyền thông tạo ra tương tác, trao đổi với nhau trong xã hội và mục đích cuối cùng là tạo ra tác dụng tích cực, hạn chế, giảm bớt tiềm ẩn xung đột trong xử lý, BVMT, đồng thời mở ra cơ hội cho cá nhân, cộng đồng phát huy sáng kiến, sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, làm lợi cho dân cư, tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng, trong xã hội, góp phần BVMT, thúc đẩy phát triển bền vững. Do đó, nếu các nhà tuyên truyền, truyền thông tận dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để đưa được những thông tin để tạo ra sự tương tác, trao đổi, đối thoại, lấy những tấm gương tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, những cách làm hay và bằng sự kiên trì, vận động, thuyết phục theo kiểu “mưa rầm thấm lâu” nhất định sẽ thu được các kết quả bất ngờ, những đóng góp bổ ích, góp phần nhanh chóng đưa Luật BVMT năm 2020 vào cuộc sống

    Khác với công tác tuyên truyền, trong truyền thông thường tạo ra hiệu lực và hiệu quả xã hội nhờ chất lượng và sự đổi mới của cách đưa thông tin đến công chúng, coi công chúng là trung tâm, là khách hàng quý báu của mình. Hiệu lực, nói một cách khác là hiệu ứng xã hội của truyền thông mang lại, thể hiện ở các mức độ, thời điểm công chúng, nhóm cộng đồng, cá nhân có uy tín, đối tượng tiếp nhận thông tin, thông điệp truyền thông. Hiệu lực truyền thông có thể được biểu hiện ở nhiều dạng thức, tầng nấc, góc độ và cấp độ khác nhau, tùy theo vấn đề, tính chất thông điệp, điều kiện tiếp nhận và cách thức biểu hiện trong môi trường, điều kiện cụ thể của đối tượng tiếp nhận thông tin. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, truyền thông Luật BVMT 2020 hiện nay cần đi trước một bước, đồng thời cần có những thông tin mang tính đột phá. Ví dụ cụ thể là để tạo ra hiệu lực tác động vào xã hội, vào từng hộ gia đình, từng thành viên xã hội. Hiện nay, khi khu dân cư, thôn, làng, ấp, bản, hộ gia đình chưa bị áp các quy định của Luật liên quan đến việc phân loại, thu gom, cân, đo, tập kết, trả phí chất thải hay các hộ sản xuất trong các làng nghề, trong các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường chưa bị xử lý theo quy định mới thì nhà truyền thông chưa tạo ra hiệu lực xã hội, tức là chưa xuất hiện những phản ứng, thắc mắc, kiện cáo, mâu thuẫn, thậm chí xung đột trong nội bộ người dân về môi trường. Do đó, với tư cách là cơ quan đi trước, mở đường, các nhà tuyên truyền, truyền thông cũng cần đặt ra những tình huống, giả thiết xung đột, mâu thuẫn nội bộ, sự chây ỳ, cản trở việc thực hiện quy định của Luật, phổ biến, tập huấn, rèn luyện kỹ năng hòa giải cho các  cấp chính quyền, những người đứng đầu thôn, làng, ấp bản, các cơ quan chức năng không bị bất ngờ, lúng túng. Trên cơ sở tạo ra sự thống nhất, đồng thuận xã hội, dần dần mới có thể xây dựng thói quen mới trong suy nghĩ, hành động, có tiêu phí môi trường, càng thải nhiều chất thải ra môi trường thì phải trả nhiều phí môi trường. Vì môi trường sống của mỗi chúng ta không phải là những gì vô hạn, nó cũng là tài nguyên thiên nhiên, chúng ta tiêu hôm nay phải vì các các thế hệ mai sau.

    Từ hiệu lực công tác tuyên truyền, truyền thông sẽ tác động và cuối cùng sẽ tạo ra hiệu quả xã hội mạnh hay yếu, nhanh hay chậm tùy thuộc vào hiệu lực của thông tin. Hiệu quả truyền thông là những hiệu ứng xã hội từ công chúng xã hội được biểu hiện không chỉ trước mắt và lâu dài. Trên lĩnh vực nhận thức, tư tưởng, hiệu quả truyền thông biểu hiện khá phức tạp, có khi được thể hiện ở bình ổn trạng thái tư tưởng, tạo được đồng thuận xã hội, nhưng cũng có thể ở dạng thức khác, có thể tạo ra sự xung đột, mâu thuẫn lợi ích về môi trường sống, nhiều khi cũng tạo ra sự đổi mới trong tư duy, trong nhận thức, tùy vấn đề, bối cảnh và mục đích tác động của thông tin. Hiệu quả của tuyên truyền và truyền thông nhiều khi phụ thuộc nhiều vào thái độ, hành động giải quyết của nhà cầm quyền bằng các cơ chế, chính sách, chế độ. Thuế, phí môi trường là công cụ đi kèm với tuyên truyền và truyền thông môi trường.

    Hình thức, phương thức thực hiện, truyền thông có nhiều ưu tế hơn là truyên truyền. Nếu như truyên truyền cần cả một tổ chức, bộ máy, phương tiện, điều kiện vật chất in ấn, phát hành báo chí, cơ sở vật chất cho phát thanh, truyền hình, tài liệu mà hiệu ứng, hiệu quả chưa thế thấy ngay lập tức thì truyền thông không cần các cơ sở vật chất, cũng không cần đông người, nhiều khi chỉ một vài người nổi tiếng, có uy tín xã hội, kiến thức về môi trường, có kỹ năng tuyên truyền, truyền thông tiến hành đối thoại, trao đổi, tranh luận, thuyết phục công chúng hay thông qua mạng xã hội sẽ có hiệu ứng và hiệu quả tức thì. Nhưng đứng về phạm vi toàn xã hội, chỉ riêng lực lượng cán bộ, viên chức, nhân viên ngành Tài nguyên và Môi trường thì chỉ như “muối bỏ bể”, hoàn toàn không thể đáp ứng công tác tuyên truyền và truyền thông về BVMT và Luật BVMT 2020. Chính vì vậy, trong Luật BVMT năm 2020 đã đề ra quy định về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, của cộng đồng dân cư, của mỗi gia đình và từng thành viên xã hội trên tinh thần phát huy dân chủ ở cơ sở “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” công tác BVMT, thực hiện Luật BVMT 2020.

3. Luật BVMT năm 2020 đề cao sự công khai, minh bạch, thông tin đầy đủ, cụ thể công tác BVMT, sự tác động môi trường trong tất cả các chương trình kinh tế - xã hội, các dự án kinh tế cũng như tất cả các hoạt động khác ảnh hưởng đến môi trường. Luật BVMT năm 2020 cũng rất đề cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đồng thời phát huy vai trò tự nguyện của các tình nguyện viên, những người làm công tác xã hôi, những người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, những người nổi tiếng trong cộng đồng, xã hội. Đây là lực lượng đông đảo, mạnh mẽ, có vai trì quyết định trong công tác BVMT và thực hiện Luật BVMT 2020. “Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.“Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Lời căn dặn trên đây của Bác Hồ là bí quyết để chúng ta thực hiện thắng lợi công tác BVMT và Luật BVMT năm 2020. Các nhà tuyên truyền và truyền thông hãy thử đưa những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thực hiện Luật BVMT 2020 cho dân chúng bàn. Chắc chắn sẽ thu được những kết quả tích cực, bất ngờ!

Nhà báo Vũ Lân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)

Ý kiến của bạn