Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Tỉnh Bến Tre thực hiện hiệu quả các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

11/07/2023

    Là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông và nằm ở giữa hạ lưu bởi 4 con sông lớn cùng hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, Bến Tre có vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi trong phát triển kinh tế, song cũng gây nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Hàng năm, các loại hình thiên tai đã gây tác động rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.

    20 năm trở lại đây, thiên tai đã làm 43 người chết, 84 người mất tích, 819 người bị thương; trên 28.000 căn nhà bị sập đổ và 100.000 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái; 200.000 ha lúa bị thiệt hại và 100.000 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng; gần 250.000 km đê bao, bờ bao bị ngập úng, sạt lở; trên 350.000 người bị thiếu nước sạch sử dụng. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 8.000 tỷ đồng.

    Gần đây nhất là hạn mặn mùa khô năm 2015 - 2016 ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.800 tỷ đồng, đến hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 ước tính thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.660 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm, tỉnh Bến Tre cũng thuờng xuyên bị ảnh hưởng bởi dông lốc gây ra; trong 5 năm qua, dông lốc đã gây hư hỏng, tốc mái khoảng 1.000 căn nhà ở của người dân, trong đó 3 huyện ven biển bị ảnh hưởng nhiều nhất.

    Trước thực trạng trên, công tác ứng phó BĐKH được tỉnh Bến Tre quan tâm và triển khai rộng khắp trong các Sở, ban, ngành tỉnh, cũng như các tổ chức đoàn thể, cấp huyện, cấp xã và nhân dân cùng tham gia. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức được chú trọng và thực hiện thường xuyên hàng năm. Qua đó, nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh được tiếp cận với kiến thức, thông tin về BĐKH góp phần thay đổi nhận thức trong chủ động ứng BĐKH.

Giải pháp kè mềm hạn chế sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre

    Nhiều mô hình sinh kế, canh tác thích ứng BĐKH được thí điểm nhận được sự hưởng ứng và tham gia của nông dân và các mô hình đạt kết quả tốt đã tạo được việc làm và cải thiện thu nhập cho các hộ tham gia mô hình. Các công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường như tiết kiệm nước, dự báo, cảnh báo thủy văn, năng lượng tái tạo đã bước đầu phát triển và ứng dụng trong thích ứng, cảnh báo, dự báo và giảm phát thải khí nhà kính.

    Trong đó, các dự án tiêu biểu đã được thực hiện như: Nghiên cứu ứng dụng chất giữ ẩm và đề xuất kỹ thuật sử dụng cho đất trồng cây ăn trái; Đánh giá thực trạng xâm nhập mặn vào đất và nước vùng cửa sông ven biển Bến Tre trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng và đề xuất các giải pháp ứng phó; Đánh giá hiện trạng, dự báo biến động đường bờ biển tỉnh Bến Tre trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng và đề xuất các giải pháp phát triển bãi bồi thân thiện với môi trường; Triển khai nghiên cứu chế phẩm sinh học cải tạo, xử lý đất nhiễm mặn...

    Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, Bến Tre đã tập trung đầu tư xây dựng khoảng hơn 50 công trình thủy lợi lớn nhỏ, các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu, ngăn mặn và triều cường, trữ ngọt, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Châu Loan

Ý kiến của bạn