Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Tìm hiểu Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản quy định thi hành liên quan đến hoạt động thủy điện

04/09/2024

    Mới đây, tại TP. Đà Nẵng, Cục quản lý Tài nguyên nước (TNN) (Bộ TN&MT) phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội thảo “Tìm hiểu Luật TNN số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định thi hành phục vụ công tác vận hành, khai thác công trình thủy điện”.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, hiện nay, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, với tổng công suất đặt toàn hệ thống đạt 80.555 MW, trong đó tổng công suất thủy điện là 22.872 MW, chiếm tỷ trọng 28,4%. Các công trình thủy điện có vai trò, nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống lũ cho hạ du, tưới tiêu phục vụ nhu cầu của người dân và phát điện đảm bảo an ninh cung cấp điện. Vì vậy, việc vận hành các công trình thủy điện an toàn, hiệu quả, tối ưu nguồn nước, đúng quy trình, quy định của pháp luật là rất quan trọng, đây đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ của EVN nói chung, các đơn vị thành viên nói riêng, được lãnh đạo EVN quan triệt, chấp hành nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương.

    Theo Phó Tổng Giám đốc EVN, Luật TNN năm 2023 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với mục tiêu quản lý, bảo vệ, khai thác TNN một cách hiệu quả và bền vững, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đây là một trong những Luật quan trọng, không chỉ điều chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước mà còn là cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, trong đó có các Nhà máy thủy điện trong và ngoài EVN về việc sử dụng, bảo vệ TNN. Do đó, Hội thảo “Tìm hiểu Luật TNN số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định thi hành phục vụ công tác vận hành, khai thác công trình thủy điện” được tổ chức không chỉ nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho các đơn vị quản lý, vận hành các công trình thuỷ điện mà còn là dịp để các đại biểu đóng góp, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với các chuyên gia, từ đó tìm ra giải pháp để thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về TNN.

    Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã lắng nghe tham luận về: Luật TNN và các văn bản hướng dẫn thi hành; chính sách pháp luật về TNN liên quan đến khai thác, sử dụng nước cho thủy điện và nhiệt điện; điều hòa phân phối nguồn nước, tối ưu hóa vận hành hồ chứa, hướng tới vận hành hồ chứa theo thời gian thực... Theo đó, Luật TNN năm 2023 gồm 10 Chương, 86 Điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng TNN; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ nước Việt Nam. Luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ TNN thông qua bốn nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước, xã hội hóa ngành nước; kinh tế TNN; bảo vệ TNN, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

    Nhấn mạnh những điểm mới của Luật TNN 2023 so với những quy định của pháp luật về TNN trước đây liên quan đến công tác vận hành, khai thác công trình thủy điện, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Cục Quản lý TNN cho biết, tại Chương IV, Luật TNN - Điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng TNN đã bổ sung quy định xây dựng kịch bản nguồn nước (khoản 3, Điều 35): Hàng năm, Bộ TN&MT xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên cơ sở số liệu do các Bộ và địa phương cung cấp. Căn cứ kịch bản nguồn nước, các Bộ, địa phương chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng TNN (khoản 6, Điều 35). Đối với lưu vực sông dự báo xảy ra hạn hán, thiếu nước, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện phương án điều hòa, phân phối TNN (K7, Điều 35).

Toàn cảnh Hội thảo

    Bên cạnh đó, Luật TNN 2023 quy định rõ hơn về quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa (Điều 38): Quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa phải được xây dựng, ban hành hướng tới việc vận hành các hồ chứa theo thời gian thực; quy định trách nhiệm nghiên cứu, đầu tư đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực (khoản 4). Bộ TN&MT lập danh mục các đập, hồ chứa phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa; xây dựng, điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp các Bộ, UBND tỉnh, tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa đề nghị điều chỉnh thì phải xây dựng phương án gửi Bộ TN&MT thẩm định (điểm a, khoản 7, Điều 38); Quy định xây dựng quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa (K9, Điều 38);

    Ngoài ra, Luật TNN 2023 cũng bổ sung điều mới quy định chung về khai thác, sử dụng TNN (Điều 41); bổ sung quy định quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng TNN (Điều 42). Quy định việc đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối phải phù hợp với quy hoạch về TNN, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng TNN và phải bảo đảm đa mục tiêu, chủ động tích trữ nước, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển nguồn nước (khoản 1, Điều 50). Quy định về khuyến khích các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành đập, hồ chứa thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa (khoản 7, Điều 50); quy định việc nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định (khoản 8, Điều 50).

    Bốn nhóm chính sách được thể hiện xuyên suốt trong Luật TNN năm 2023 đã được cụ thể hóa qua 10 điểm mới. Đầu tiên là nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng TNN, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra. Hai là, điều tra cơ bản TNN, chiến lược, quy hoạch TNN. Ba là, quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước. Bốn là, điều hòa, phân phối TNN. Năm là, khai thác, sử dụng TNN. Sáu là, phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra. Bảy là, công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ TNN. Tám là, hợp tác quốc tế về TNN. Chín là, thanh tra, kiểm tra về TNN. Mười là, quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về TNN. Đặc biệt, trong các điểm mới nêu trên, Luật đã quy định về nguyên tắc quản lý và trong số các nguyên tắc quản lý, có nguyên tắc “bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý”, “ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Luật tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác”.

    Trong phần thảo luận, các đại biểu cho rằng, để Luật TNN năm 2023 đi vào cuộc sống, Bộ TN&MT cần sớm hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật và xây dựng các văn bản dưới Luật, nhất là các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng những điểm mới, quy định mới của Luật để góp phần nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu TNN quốc gia. Lãnh đạo Cục Quản lý TNN và lãnh đạo các phòng chuyên môn trực thuộc Cục cũng đã giải đáp một số câu hỏi, thắc mắc của các đại biểu trong quá trình thực thi các văn bản liên quan đến hoạt động khai thác, sử dụng nước cho thủy điện.

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn