Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Tiếp sức để phủ xanh rừng đặc dụng Du Già

24/04/2023

    Nhằm bảo vệ rừng, phục hồi sự đa dang sinh thái của rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều giống loài động thực vật quý hiếm sinh trưởng và phát triển, những năm qua, Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già, tỉnh Hà Giang đã tăng cường thực hiện các giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp; những chủ trương, chính sách, quy định mới trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

    Xác định tuyên truyền, phổ biến những quy định mới là một biện pháp quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Do vậy, Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già cũng chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện lồng ghép tuyên truyền cho người dân về công tác quản lý bảo vệ và phòng chống cháy rừng để người dân nắm bắt, sau đó về tuyên truyền, phổ biến lại cho người thân, thôn bản. Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng tham mưu với chính quyền địa phương củng cố lại ban, phòng chống cháy rừng cấp xã và thành lập các tổ đội phòng, chống cháy rừng ở các thôn, bản. Đồng thời, Ban quản lý tiếp tục tiến hành khoán lại rừng cho cộng đồng, hoặc người dân quản lý để họ giám sát chặt chẽ hơn việc tuần tra, phát hiện các trường hợp vi phạm lâm luật. Kết quả, số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng như chặt phá cây rừng, đốt rừng làm nương trong thời gian gần đây giảm rõ rệt, đặc biệt không xảy ra các vụ chặt phá, buôn bán gỗ rừng lớn.

Các đại biểu và người dân tham gia trồng cây tại buổi phát động

    Song song với đó, Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già cũng tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép chương trình, dự án và mới đây được sự hỗ trợ của Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trưởng - Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” đã tài trợ cho Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già trồng rừng trên diện tích 5ha, bên trong khu bảo tồn và trồng bổ sung vào những diện tích rừng nghèo. Với số lượng trồng trên 10 nghìn cây bản địa là giống cây Giổi, Lim, Quế... Đây là những nỗ lực phủ xanh đất trồng, đồi núi trọc bằng các loài cây bản địa của Chương trình cũng như địa phương.

    Việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình không chỉ góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chung tay quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Qua đó góp phần phục hồi sinh thái, giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn