Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam

05/05/2022

    Nhằm triển khai thực hiện kết quả Hội nghị COP 26, mục tiêu cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ xây dựng Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam. Ngày 25/4/2022, Bộ TN&MT đã giới thiệu Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển. Đây là nguồn tài liệu tham khảo để các Bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình hoạch định, xây dựng và cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển liên quan đến năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, sóng ngoài khơi các vùng biển Việt Nam.

    Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào. Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng gió trung bình so với các nước trên thế giới và trong khu vực nhưng thuộc diện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thuỷ điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020. Trong khi đó, Biển Đông là một khu vực biển hẹp so với đại dương nên không tồn tại trường sóng lừng liên tục trong năm như các vùng bờ biển phía đông Đại Tây Dương hoặc bờ biển phía Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do nằm trên khu vực có hai chế độ gió mùa luân phiên nên được ban tặng cho nguồn tài nguyên năng lượng sóng phong phú nhất so với các nước trong khu vực. Theo đánh giá mật độ năng lượng sóng ở Biển Đông thấp hơn vào mùa xuân - hè và cao hơn vào mùa thu - đông.

    Nội dung báo cáo gồm 4 phần:

    Phần I: Thực trạng phát triển năng lượng gió, sóng ngoài khơi: Trong đó nêu lên thực trạng và xu thế phát triển tiềm năng năng lượng gió, năng lượng sóng trên thế giới; Một số đánh giá ban đầu về tiềm năng năng lượng gió, năng lượng sóng ở Việt Nam; 

    Phần II: Nguồn số liệu và phương pháp. 

    Phần III: Kết quả đánh giá tiềm năng năng lượng gió, năng lượng sóng:

    Phần IV: Các nhân tố tác động đến khai thác năng lượng gió, sóng và ảnh hưởng của công trình khai thác tới môi trường và hoạt động kinh tế - xã hội

    Báo cáo được xây dựng trên cơ sở tham khảo các công trình nghiên cứu về tiềm năng năng gió, sóng trong và ngoài nước đến thời điểm hiện nay và tận dụng tối đa nguồn số liệu gió, sóng, số liệu tái phân tích của các mô hình hiện có tại Việt Nam. Báo cáo đã đánh giá được tiềm năng năng lượng gió, sóng và các điều kiện tác động đến tiềm năng năng lượng gió, sóng chi tiết cho các vùng biển của Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cập nhật và hoàn thiện Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam. Qua các kết quả phân tích, có thể nhận thấy nhiều khu vực biển tại Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió và sóng cao, chưa được khai thác. Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam sẽ là hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo, thay thế nguồn năng lượng hiện có đang cạn kiệt. Ngành Khí tượng Thủy văn đang sở hữu công nghệ dự báo khí tượng thủy văn hiện đại và năng lực tính toán cao ngang hàng các nước trong khu vực nên có thể đưa ra những dự báo dài hạn có độ tin cậy. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, dự báo khí tượng thủy văn sẽ hướng dần tới dự báo xác suất (tiềm năng ảnh hưởng) và dự báo tác động đến một đối tượng, đơn vị vận hành cụ thể, do đó với việc phát triển các sản phẩm dự báo tác động cho các nhà máy điện nói chung và cho nhà máy khai thác năng lượng tái tạo nói riêng sẽ là hướng đi hết sức thiết thực, mang lại lợi ích phục vụ trực tiếp xã hội. Các dữ liệu khí tượng thủy văn bao gồm mô hình dự báo và quan trắc sẽ cho phép kết hợp với các cơ quan liên ngành để xây dựng những bài toán hiệu chỉnh, qua đó có những kết quả dự báo, đánh giá tiềm năng năng lượng sóng, gió một cách chính xác và tin cậy hơn. Mặt khác, khi công nghệ mô hình số trị khí tượng, hải dương được phát triển, việc tái xây dựng các bản đồ tiềm năng về gió, sóng ở mức độ chi tiết cao hơn là hoàn toàn khả thi, khi đó sẽ cho phép đánh giá được các khu vực có khả năng khai thác mới với các điều kiện phù hợp hơn, ví dụ mức độ ổn định của năng lượng thu được, mức độ ảnh hưởng của các điều kiện thiên tai đến địa điểm khai thác.

    Tuy nhiên, việc chi tiết hóa dự báo sóng và gió đòi hỏi những sự phát triển về năng lực tính toán và các dữ liệu quan trắc phù hợp để hiệu chỉnh có được các sản phẩm dự báo tin cậy, đáp ứng được nhu cầu của nhà máy khai thác năng lượng tái tạo và các cơ quan vận hành điều độ điện cho các nhà máy năng lượng tái tạo. Trong khi đó, hệ thống quan trắc của Ngành Khí tượng Thủy văn thường tập trung vào chế độ gió sát bề mặt (mực 10 m) và trên cao (từ vài km trở lên), do đó những quan trắc gió ở các mực khai thác năng lượng gió (50 m, 100 m, 200 m, ...) cần có những bổ sung bao gồm các quan trắc mang tính chất chuyên đề (nhằm đánh giá tiềm năng) và quan trắc liên tục (phục vụ vận hành thời gian thực).

    Với những lý do trên, để phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi, Báo cáo đã đề xuất các nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới bao gồm: Tổ chức điều tra, khảo sát, quan trắc bổ sung điều kiện tự nhiên các vùng biển; Ứng dụng công nghệ mô hình số trị trong việc tái mô phỏng và đánh giá tiềm năng năng lượng gió chi tiết theo không gian; Giám sát, dự báo năng lượng gió, sóng thời gian thực, cảnh báo thiên tai, dự báo tác động để phục vụ công tác sản xuất năng lượng tái tạo; Nghiên cứu, đánh giá, dự báo chi tiết tác động thiên tai, môi trường biển tới khả năng xây dựng và khai thác của các công trình điện gió, sóng ngoài khơi; Nghiên cứu, đánh giá, dự báo các tác động của các công trình điện gió, sóng ngoài khơi đến môi trường và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trần Hương

Ý kiến của bạn