Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Thực trạng thoái hóa đất và cam kết quốc tế của Việt Nam

05/07/2023

    Đất đai là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá cung cấp nguồn vật chất năng lượng trong suốt quá trình phát triển kinh tế xã hội loài người và thế giới sinh vật. Nhưng một trong những vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay là thoái hóa đất/suy thoái đất và hoang mạc  hóa ngày càng gia tăng. Những tác hại do suy thoái đất gây ra cho con người cả về kinh tế - xã hội (KT-XH) là vấn đề đáng báo động. Trong các hoạt động phát triển kinh tế, con người cần hướng tới các mục tiêu Phát triển bền vững. Giảm thiểu tác hại do suy thoái đất, sa mạc hóa là một trong những mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (Mục tiêu số 15), với nội dung: “Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất”. Trong đó cụ thể chỉ tiêu 15.3, đến năm 2030, chống sa mạc hóa, phục hồi các vùng đất và đất bị thoái hóa, kể cả đất bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa, hạn hán và lũ lụt, và phấn đấu để đạt được một thế giới không thoái hóa đất.

    Năm 1992, một công ước về chống sa mạc hóa với các mục tiêu giảm thiểu suy thoái đất tại các vùng khô hạn, vùng ẩm nửa khô hạn do các nguyên nhân khác nhau như biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người gây ra. Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD) nhận định rõ: Sa mạc hóa là vấn đề có quy mô toàn cầu ảnh hưởng đến mọi vùng trên trái đất, cộng đồng thế giới cần phải có hành động chung để chống sa mạc hóa, nhận thức rõ rằng sa mạc hóa là do nhiều nhân tố tác động như lý học, sinh học, chính trị, xã hội, kinh tế gây ra; tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển xã hội và xóa đói giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên của các nước đang phát triển bị sa mạc hóa, sa mạc hóa và khô hạn làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và an ninh lương thực. Theo đó, các nước cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc chống sa mạc hoá, hạn hán. Nhận thức rõ vấn đề và cùng chung trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã ký tham gia Công ước từ rất sớm (năm 1998) và luôn nỗ lực cam kết thực hiện Khung hành động của Công ước cũng như trách nhiệm nước thành viên Công ước UNCCD. Hiện nay, Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm chống suy thoái đất đang diễn ra trên toàn cầu.

    1. Thực trạng thoái hóa đất ở Việt Nam

    Thoái hóa đất là sự suy giảm năng suất sinh học của đất, giảm độ che phủ của thực vật, giảm chất lượng và trữ lượng nguồn nước, suy thoái đất và ô nhiễm không khí. Thoái hóa đất là hai mặt của quá trình phát triển, tiến hóa, nó dẫn tới làm giảm tiềm năng của nguồn tài nguyên đất. Trên thực tế những nguyên nhân thoái hóa đất rất đa dạng và phức tạp, gắn liền với các điều kiện phát sinh đất, thoái hoá đất thể hiện như một dạng thiên tai (thoái hóa tự nhiên) và nguyên nhân khác chủ yếu do tác động của con người. Chủ đạo quá trình sa mạc hóa ở nước ta là quá trình mất lớp phủ thảm thực vật rừng tự nhiên do nhiều nguyên nhân. Hệ lụy quá trình mất lớp thảm phủ kéo theo một loạt quá trình thoái hóa đất tiếp theo như quá trình xói mòn, rửa trôi; quá trình kết von, đá ong hóa, giảm chất hữu cơ, độ phì đất và đất bị khô hạn. Sự xuất hiện một diện tích lớn đất trống đồi núi trọc là kết quả tổng hợp của các quá trình này.

    Theo Chương trình hành động Quốc gia chống Sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010 và định hướng 2020 (Quyết định số 204/2006/QĐ-TTg ngày 2/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ) thì 4 vùng có nguy cơ sa mạc hóa cao (phạm vi của Chương trình hành động) ở Việt Nam là: Tây Bắc, Duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa tới Phú Yên), Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long (Tứ giác Long Xuyên).

    Tây Bắc là vùng núi nằm trên các đai cao, bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn và có một diện tích đáng kể núi đá vôi. Về khí hậu, vùng Tây Bắc có nhiệt độ cao hơn vùng Đông Bắc và chịu ảnh hưởng mạnh của gió Lào khô, nóng. Lượng mưa một số địa phương khá thấp như Yên Châu (1.400mm), tỉnh Điện Biên… Mùa khô thường thiếu nước đặc biệt những vùng núi đá vôi như cao nguyên Mộc Châu, các địa phương tỉnh Sơn La. Một đặc điểm liên quan đến quá trình sa mạc hóa ở Tây Bắc là việc sử dụng đất không bền vững từ trước tới hiện tại. Rất nhiều diện tích rừng tự nhiên đã bị phá chủ yếu do canh tác nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt nơi tập trung sinh sống đồng bào H’Mông ở nước ta trên các đai cao. Tây Bắc thưa dân, người dân bản địa chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống còn nhiều khó khăn, sức ép vào rừng lớn và việc sử dụng đất không bền vững.

    Duyên hải miền Trung là vùng có nhiều đặc trưng về điều kiện khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, lớp phủ thực vật có liên quan tới quá trình sa mạc hóa và có nhiều nguy cơ tiềm ẩn cao về sa mạc hóa. Về đặc điểm khí hậu đó là vùng có những nơi lượng mưa lớn, tập trung như Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị.... gây xói mòn mạnh và lũ lụt vào mùa mưa bão nhưng lại có vùng lượng mưa rất thấp, nhiệt độ cao, điển hình là 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và một phần tỉnh Khánh Hòa. Hạn hán là nguy cơ tiềm ẩn tăng cường sa mạc hóa ở Duyên hải miền Trung. Về địa hình nhiều tỉnh có bề ngang hẹp, đâm ra biển nên sông ngắn, dốc lớn gây xói mòn mạnh, sạt lở đất và lũ lụt. Khu vực Duyên hải miền Trung là vùng có phân bố diện tích đất cát biển, cồn cát kể cả di động lớn nhất cả nước nên nguy cơ sa mạc hóa là lớn. Đây cũng là vùng nhiều diện tích rừng tự nhiên bị phá hủy do chất độc hóa học trong chiến tranh.

    Vùng Tây Nguyên, những năm trước đây phần lớn là rừng tự nhiên nguyên sinh, nhiều diện tích rừng phát triển trên đất đỏ Ba dan màu mỡ. Đó là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, đồng thời đây cũng là vùng di dân ở các tỉnh đến sinh sống ngày càng gia tăng. Nhân dân tập trung gây trồng cà phê, cao su, hạt tiêu - một trong những mặt hàng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tượng phá rừng làm rẫy, bán đất khai phá rừng vẫn còn diễn ra. Với điều kiện khí hậu đặc biệt ở Tây Nguyên lượng mưa phân bố tập trung theo mùa, mùa khô khác nghiệt kéo dài 6 tháng gây ra hạn hán, cây trồng thiếu nước. Do vậy nguy cơ đất bị xói mòn, thoái hóa cao.                

    Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt tứ giác Long Xuyên có đặc điểm là có diện tích lớn đất ngập mặn phèn tiềm tàng và đất chua phèn hoạt động. Những năm qua, xâm nhập mặn vùng Tứ giác Long xuyên đã và đang gây ra nhiệu hệ lụy cho cong người. Nhiều diện tích đất phèn đã được khai phá sử dụng có hiệu quả trong những năm gần đây. Việc sử dụng đất không bền vững là một vấn đề cần quan tâm ở đồng bằng sông Cửu Long có liên quan tới một diện tích lớn đất ngập mặn phèn tiềm tàng và đất chua phèn. Ngoài ra, xâm nhập mặn, nước biển dâng diễn ra mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long là nguy cơ hiện hữu và tiềm ẩn thúc đẩy quá trình sa mạc hóa của vùng.

    Năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội (Quyết định số 1432/QĐ-BTNMT), trong đó có kết quả nghiên cứu về diện tích đất bị thoái hóa chia theo loại hình thoái hóa: Đất bị suy giảm độ phì; Đất bị xói mòn; Đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa; Đất bị kết von, đá ong hóa; Đất bị mặn hóa; Đất bị phèn hóa trong đó, diện tích bị thoái hóa nặng lên đến hơn 1 triệu ha (trên tổng số hơn 33 triệu ha đất tự nhiên của cả nước).

    Bảng 1. Diện tích đất bị thoái hóa chia theo loại hình thoái hóa

              * Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

2. Cam kết của Việt Nam trước thực trạng suy thoái đất

    Nhận thức rõ tính nghiêm trọng của suy thoái đất, sa mạc hóa, ngày 19/8/1998, Bộ Ngoại giao đã ký Công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc, Công hàm này là Văn kiện gia nhập chính thức của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với Công ước Chống sa mạc hóa (UNCCD).

    Công ước UNCCD được thành lập từ năm 1994, hiện có 197 thành viên, Việt Nam gia nhập Công ước UNCCD từ năm 1998. Mục tiêu của Công ước là chống sa mạc hóa, suy thoái đất và giảm thiểu tác hại của  hạn hán ở các vùng bị sa mạc hóa và suy thoái đất nghiêm trọng, áp dụng các biện pháp có hiệu quả và sự trợ giúp quốc tế để giúp các nước bị ảnh hưởng bởi thoái hóa, sa mạc và hạn hán phát triển bền vững. Ngày 17/6 hằng năm được Ban thư ký Công ước chọn là Ngày quốc tế chống sa mạc hóa.

    Bằng việc gia nhập Công ước với mục tiêu chung nhằm “Chống sa mạc hóa và giảm bớt hạn hán ở các vùng bị hạn hán và sa mạc hóa nghiêm trọng như ở Châu Phi, áp dụng các biện pháp có hiệu quả và sự trợ giúp quốc tế để giúp các nước bị ảnh hưởng bởi sa mạc và hạn hán phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này cần có chiến lược tổng thể dài hạn, tập trung vào việc cải tạo đất, khôi phục, bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên đất và nước, và cải thiện điều kiện sống của người dân” (Trích Công ước Chống sa mạc hóa: Không số_ 136070). Những năm qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực thực hiện trách nhiệm nước thành viên Công ước. Một trong những việc tham gia của Việt Nam với trách nhiệm nước thành viên Công ước UNCCD chính là cam kết thực hiện “Mục tiêu tự nguyện cân bằng suy thoái đất Việt Nam”. Bằng việc xây dựng đường cơ sở suy thoái đất (LD-Baseline) thông qua Bản đồ thảm phủ và sử dụng đất tại Việt Nam, đánh giá xu hướng và nguyên nhân suy thoái đất, Việt Nam đã đưa ra những cam kết cho việc phục hồi suy thoái đất mà ở đó, nhiệm vụ bảo vệ và Phát triển rừng bền vững chính là giải pháp căn bản.

    Vấn đề quản lý, sử dụng đất bền vững đang được các nước trên thế giới và Việt Nam đặt lên mối quan tâm hàng đầu nhằm chống suy thoái đất. Ngày 17/3/2023, Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết số 37 (Số 37/NQ-CP) Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trong đó có nhiệm vụ: “Xây dựng chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, nhiệm vụ này được giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện.

    3. Giải pháp giảm thiểu tác hại của suy thoái đất

    Với những điều kiện hiện nay, định hướng nhiệm vụ trong tâm trong giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại của suy thoái đất phù hợp mang tính khả thi và hiệu quả là rất cần thiết nhưng khó khăn. Những khó khăn có thể từ nền tảng dữ liệu, đặc thù thổ nhưỡng hay nhu cầu phát triển kinh tế của con người. Không có một giải pháp nào là tuyệt đối mà cần sự vào cuộc của toàn bộ máy chính trị, các nhà khoa học và sự ủng hộ của người dân. Một số giải pháp/nhóm giải pháp được đề xuất:

    Thứ nhất, xây dựng khung pháp lý chặt chẽ cho việc quản lý và sử dụng đất bền vững trong đó chú trọng đất nông nghiệp. Hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai ( sửa đổi) đang trong quá trình góp ý, hoàn thiện. Các quy định pháp luật về đất đai ở Việt Nam cần chú trọng việc tập trung, tích tụ, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp cần được xây dựng phương án sử dụng đất bền vững và dược giao cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền giám sát việc sử dụng đất nông nghiệp đúng theo phương án đã được phê duyệt. Cần có quy định chặt chẽ trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, phân loại khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực không được phép chuyển mục đích sử dụng đất. Pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của các đối tượng được giao thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất bị thoái hóa và cũng nêu rõ trách nhiệm nếu để xảy ra thoái hóa đất.

    Thứ hai, bảo tồn đất, các tính chất yếu tố tự nhiên của thổ nhưỡng cần được tôn trọng. Cần ngăn ngừa mất lớp trên cùng khỏi xói mòn, ngăn chặn sự giảm độ phì nhiêu trong tình trạng thoái hóa đất đáng báo động như hiện nay. Dựa vào tính chất tự nhiên của đất, tính toán ngưỡng chịu tải các chất ô nhiễm của đất nhằm bảo tồn, phát huy vai trò phục vụ canh tác nông nghiệp của đất. Bảo tồn đất chính là cách mà con người thể hiện sự tôn trọng đối với tự nhiên, tôn trọng môi trường sống cho chính mình và các thế hệ mai sau.

    Thứ ba, tập trung bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giữ vững diện tích rừng hiện có (khoảng 10 triệu ha rừng tự nhiên và 4 triệu ha rừng trồng). Đây là xu hướng chung của toàn thế giới, với đặc thù tự nhiên, Việt Nam được đánh giá là nước có đa dạng sinh học cao, bảo vệ và phát triển rừng không những bảo tồn, phát huy được tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái mà còn mang lại nhiều giá trị lớn hơn nữa về môi trường trong đó có vai trò “giữ đất, giữ nước” của rừng

    Thứ tư, nhóm giải pháp kỹ thuật, con người nhiều năm vẫn đi tìm hướng canh tác bền vững. Nghiên cứu kỹ thuật áp dụng cho canh tác đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho con người và suy trì sức sản xuất bền vững của đất. Các giải pháp kỹ thuật nhằm phục hồi đất đã bị thoái hóa, có nguy cơ bị thoái hóa và đồng thời cũng nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ đất khỏi bị thoái hóa.

    Thứ năm, các yếu tố chung về quan điểm, tư duy con người đối với việc sử dụng đất bền vững. Hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường đã có nhiều nỗ lực, trong đó có nhiều kết quả thành công khi kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay bảo vệ trái đất., nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân, từng cộng đồng trong trong BVMT nói chung và BVMT đất nói riêng.

    4. Kết luận

    Thực trạng thoái hóa đất là đáng báo động, suy thoái đất không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế mà sẽ tác động qua lại đến nhiều lĩnh vực của môi trường sống. Những giải pháp trên thế giới khá nhiều và cũng đã có những bải học thành công. Giảm thiểu suy thoái đất ở Việt Nam cần xây dựng được những Chương trình hành động với lộ trình cụ thể đáp ứng được những mục tiêu Phát triển bền vững và đảm bảo tính khả thi.

    Phục hồi diện tích đất chất kém chất lượng mang lại khả năng phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và an ninh lương thực. Đồng thời, đây cũng là động lực cho việc phục hồi đa dạng sinh học, giảm lượng các bon trong khí quyển đang làm nóng Trái đất, giảm tốc độ biến đổi khí hậu. Phục hồi các cảnh quan thiên nhiên làm tăng liên hệ gần gũi giữa tự nhiên và sự định cư của loài người, tạo ra một vùng đệm tự nhiên chống lại các dịch bệnh từ động vật. Việt Nam cùng thế giới đã và đang xây dựng, thực hiện Tuyên bố Glassgow về rừng và sử dụng đất. Với sự nỗ lực chung, chúng ta mong sớm tìm được hướng đi cho một nền Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

    Đất có giá trị đích thực khi được sử dụng hợp lý. Đất không chỉ là của con người mà còn là nguồn sống, là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật. Chúng ta cần sử dụng đất với những mục đích lớn lao để hướng tới những giá trị đích thực cho đất.

TS. Hán Thị Ngân

Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2023)

    Tài liệu tham khảo

    1. Bộ NN&PTNT. (2018). Báo cáo Báo cáo kết thúc nhiệm vụ Thu thập thông tin số liệu phục vụ việc xây dựng đường cơ sở suy thoái đất; đánh giá xu hướng và các nguyên nhân suy thoái đất và thiết lập mục tiêu tự nguyện cân bằng suy thoái đất tại Việt Nam.Bộ NN&PTNT.

    2. Tổng cục Lâm nghiệp. (2011). Báo cáo kết quả Dự án “Điều tra, đánh giá thực trạng và nguyên nhân gây sa mạc hóa, đề xuất các giải pháp phòng, chống sa mạc hóa vùng duyên hải miền Trung và Tâu nguyên. Bộ NN&PTNT

    3. Tổng cục Lâm nghiệp. (2019). Báo cáo tổng kết nhiệm vụ Xây dựng Kế hoạch khô hạn quốc gia. Bộ NN&PTNT

    4. Văn phòng thường trực Công ước chống sa mạc hóa (2018. 2023). Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước chống sa mạc hóa. Tổng cục Lâm nghiệp.

Ý kiến của bạn