Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Thực trạng môi trường đô thị tại Đà Lạt và giải pháp để phát triển bền vững

03/11/2023

    1. Đặt vấn đề

    Đà Lạt - thành phố (TP) có nhiều nét đặc trưng về môi trường tự nhiên. Từ năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 620/TTg phê duyệt Đồ án quy hoạch tổng thể xây dựng TP. Đà Lạt, vùng phụ cận đến năm 2010 và xác định, Đà Lạt là trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng của vùng, cả nước và quốc tế; tỉnh lỵ; trung tâm văn hóa, dịch vụ, đầu mối giao lưu kinh tế của tỉnh Lâm Đồng và là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học của cả nước. Tại Quyết định số 409/2002/QĐ-TTg ngày 27/5/2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020. Theo đó, phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Đà Lạt và vùng phụ cận bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP (gồm 12 phường và 3 xã); vùng phụ cận (gồm các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương) có tổng diện tích 96.914 ha, trong đó TP. Đà Lạt có 39.104 ha. Sau đó, ngày 12/5/2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 704/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

    Có thể nói, Đà Lạt là một trong số ít địa phương sớm có quy hoạch tổng thể của TP, điều đó cho thấy, TP đã được quan tâm tương đối xứng tầm. Những năm qua, TP đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa xã hội, kiến trúc và phát triển du lịch... Với những đặc trưng riêng về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, di sản kiến trúc độc đáo, Đà Lạt được mệnh danh là TP ngàn hoa, trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Đà Lạt vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển, đặc biệt là suy thoái môi trường tự nhiên.

    Dưới góc độ tiếp cận từ lý luận phát triển bền vững (PTBV), tư liệu thực tiễn, bài viết nêu lên những thách thức và đề xuất giải pháp để Đà Lạt thực hiện PTBV trong thời gian tới.

      2. Tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đối với môi trường đô thị đặc thù tại Đà Lạt

    2.1. Áp lực đối với môi trường và hệ sinh thái (HST) trong quá trình phát triển và khai thác dịch vụ du lịch

    Đà Lạt được thiên nhiên ban tặng nhiều giá trị đặc thù giữa một vùng phương Nam nhiệt đới, nóng ẩm. Một bình nguyên rộng, tương đối bằng phẳng trên vùng núi cao, trung bình 1.500m so với mực nước biển, với khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Đà Lạt có HST phong phú dưới tán rừng thông xanh phủ khắp vùng, địa hình đồi núi với nhiều hồ thác tự nhiên, những con đường dốc, quanh co uốn lượn, tạo nên cảnh quan thơ mộng.

    Ngày 20/4/1916, thị tứ Đà Lạt được thành lập theo chỉ dụ của vua Duy Tân, Toàn quyền Đông Dương Maurice Long bổ nhiệm Ernest Hébrard chủ trì quy hoạch thị trấn Đà Lạt. Những năm sau, người Pháp đã tận dụng và khai thác những đặc thù về điều kiện tự nhiên của Đà Lạt, từ lập quy hoạch chi tiết vùng, đến quản lý quy hoạch và phát triển đời sống của dân cư. Nhờ thế, trong khoảng 40 năm sau ngày thành lập, sự phát triển của Đà Lạt khá hài hòa, không những bảo tồn được các giá trị đặc thù của tự nhiên, mà còn xây dựng nhiều công trình kiến trúc ấn tượng, tạo ra các di sản văn hóa cho TP.

    Những năm mới thành lập, dân cư ở Đà Lạt thưa thớt, nhà ở và công trình kiến trúc thường ẩn trong rừng, nên đúng nghĩa là "rừng trong phố, phố trong rừng". Con người tôn trọng, sống hài hòa với thiên nhiên, HST tự nhiên cơ bản là ổn định và cân bằng. Tuy nhiên, đến nay, dân số ngày càng tăng, TP đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế, nên nhiều quả đồi bị san phẳng, tình trạng bê tông hóa dày đặc ở khu trung tâm TP, trên đường phố có ít cây xanh. Rừng đã lùi xa, biến thành "rừng một nơi, phố một nơi" và Đà Lạt cơ bản không còn HST rừng tự nhiên.

Một góc TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

    Với mục tiêu quy hoạch Đà Lạt thành TP du lịch - nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia và quốc tế, thời gian qua, các khách sạn, nhà nghỉ đua nhau mọc lên trên các tuyến phố, vừa gây áp lực với hạ tầng giao thông, vừa tác động xấu đến môi trường. Vào mùa cao điểm du lịch, các khách sạn thải ra lượng lớn rác thải, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra suối, hồ, trong khi hệ thống thu gom chưa đáp ứng kịp, gây tắc nghẽn dòng chảy và ô nhiễm nghiêm trọng. Gần đây, phong trào kinh doanh homestay phát triển, ảnh hưởng tới cảnh quan, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý. Các khu du lịch thường được giao thuê đất gắn với thắng cảnh và rừng đặc dụng, điển hình như Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Tại một số khu du lịch, chủ đầu tư, vì muốn tăng doanh thu, bất chấp vi phạm về trật tự xây dựng, môi trường, thậm chí phá rừng, ảnh hưởng đến thảm thực vật của địa phương để kinh doanh dịch vụ du lịch.

    2.2. Những nguy cơ tiềm ẩn từ hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với HST và môi trường

    Một trong những nét đặc thù của Đà Lạt xưa chính là HST đồi - rừng tự nhiên, với loài thực vật đặc hữu là thông ba lá, trên nền các loại đất thuộc hai nhóm chính: nhóm đất feralit vàng đỏ phân bố ở độ cao 1.000 - 1.500m và nhóm mùn vàng đỏ trên núi phân bố ở độ cao 1.000 - 2.000m; ven các suối, vùng thung lũng rộng, có hệ thực vật đa dạng, nhiều loài cây lá rộng, thường xanh và cây bụi đặc hữu. Với HST đồi - rừng tự nhiên, hệ động, thực vật sống dựa vào nhau; động vật ăn thực vật và động vật khác, chất thải của động vật, cành lá rụng trên đất được vi sinh vật phân hủy hết để trả lại chất dinh dưỡng nuôi thực vật - thảm xanh giữ nước trong đất. Nhờ vậy, đất rừng luôn màu mỡ, nhiều vi sinh vật, côn trùng, giúp cho cây rừng đa dạng, tươi tốt, động vật phong phú và HST được cân bằng.

    Với những ưu thế đặc thù về khí hậu thời tiết, thổ nhưỡng, nhiều năm qua, Đà Lạt đã phát triển mạnh mẽ mô hình nhà kính (nhà màng lợp ni lông) trong sản xuất nông nghiệp, mang lại năng suất cao cho cây trồng, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế của TP. Nhà kính là lối canh tác chuyên canh, xoay vòng liên tục để cho cây trồng sinh trưởng tốt, chất lượng đồng đều. Thu nhập từ hoạt động sản xuất nông nghiệp bằng nhà kính cao, nên người dân xây dựng ồ ạt, sẵn sàng “đánh đổi” cả HST và môi trường. Hơn nữa, nhiều người từ nơi khác đến thuê đất làm nhà kính, trong khi chính quyền chưa có quy chế quản lý chặt chẽ nhà kính. Dần dần TP đã phủ đầy nhà kính, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp (cuối năm 2022, diện tích các nhà kính khoảng 3.000 ha). Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển nóng, những tác động tiêu cực của nhà kính để lại cho môi trường, cảnh quan tại Đà Lạt rất rõ rệt. Do bọc kín bởi ni-lông, nước mưa không bổ sung vào đất mà trôi nhanh ra đường đổ về chỗ trũng, vừa làm khô kiệt đất, tụt hạ tầng nước ngầm, vừa gây áp lực lớn lên các dòng chảy, dẫn đến ngập lụt cục bộ. Đồng thời, rác thải nhựa từ những khu nhà kính xả thẳng ra các dòng suối, ao, hồ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

    Ngoài ra, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, người dân có thói quen sử dụng thuốc hóa học trong canh tác, làm hủy diệt hệ vi sinh có ích, dẫn tới đất đai bị thoái hóa. Hóa chất tồn dư cao trong đất và thiếu tác động cân bằng từ hệ vi sinh vật tự nhiên, làm cho nấm bệnh phát triển mạnh, nguồn nước ô nhiễm, cây trồng bị bệnh nhiều hơn.   

    3. Định hướng và giải pháp để PTBV TP. Đà Lạt trong thời gian tới

    3.1. Quan điểm PTBV, giữ gìn giá trị môi trường tự nhiên đặc thù của Đà Lạt

    Việc phát triển kinh tế, xây dựng đô thị khang trang, hiện đại là chiến lược phát triển của nhiều địa phương, trong đó có TP. Đà Lạt, song cần phải quán triệt quan điểm PTBV. Theo TSKH. Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch Công ty NgoViet Architects & Planners, đã đến lúc chính quyền tỉnh Lâm Đồng và TP. Đà Lạt nên đưa các mục tiêu PTBV lên vị trí quan trọng hàng đầu. Sau một thời gian dài phát triển với quy hoạch thiếu hợp lý, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ khiến Đà Lạt phải chịu nhiều hệ lụy. Nhiều cánh rừng, cảnh quan thiên nhiên, HST… của Đà Lạt đã bị xâm hại, suy thoái nghiêm trọng. Để khắc phục hiện trạng trên, đòi hỏi chính quyền và người dân nơi đây cần nhìn nhận lại toàn bộ quá trình phát triển, đánh giá đầy đủ những tác động đến môi trường, HST, tìm ra những hạn chế, bất cập, đặc biệt, tính toán kĩ những mất mát về giá trị tự nhiên đặc thù. Do đó, để PTBV, Đà Lạt cần chú trọng khai thác hợp lý các điều kiện tự nhiên và HST đặc trưng; giải quyết tốt vấn đề giữa bảo tồn và phát triển. Chính quyền TP cần tập trung gìn giữ, khôi phục và bồi đắp những giá trị thiên nhiên đặc thù; có chiến lược, biện pháp nghiêm minh, thậm chí cả những điều chỉnh về chỉ tiêu tăng trưởng, nhằm bảo tồn HST đặc thù. Đồng thời, cũng phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu của PTBV, nhất là trước những tác động khó lường của biến đổi khí hậu.   

    3.2. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển TP đặc thù

    Đô thị Đà Lạt chứa đựng nhiều giá trị tự nhiên đặc thù, nên đòi hỏi những chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của TP cũng phải mang tính đặc thù. Theo Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Đà Lạt là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực, quốc tế; trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia. Đây chính là định hướng, chiến lược cơ bản nhất cho các kế hoạch phát triển của TP. Đà Lạt; mọi chủ trương, quyết sách, từ quy hoạch đến tổ chức triển khai đều phải xoay quanh 4 chức năng trên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đòi hỏi chính quyền TP phải nghiên cứu kỹ, triển khai một cách đồng bộ, với các giải pháp khoa học và sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

    Trước hết, chính quyền TP. Đà Lạt cần phải triển khai quy hoạch theo hướng sau:

    Khu trung tâm TP, trong vòng bán kính 5km, TP nên dừng các công trình cao tầng, sắp xếp lại các khách sạn, nhà nghỉ không đạt tiêu chuẩn, giãn dần mật độ các khu dân cư; tăng mảng xanh lên mức cao nhất có thể, xóa toàn bộ nhà kính. Tạo thêm hồ điều hòa tại một số vùng trũng, mở rộng lòng suối phục vụ tiêu thoát nước; tăng thảm thực vật ven hồ, suối để vừa tạo mảng xanh, vừa giữ bờ, tránh sạt lở, bồi lắng.

    Đối với khu vực có bán kính từ 5 - 20km so với trung tâm TP, TP nên cho phép tồn tại khoảng 30 - 40% diện tích nhà kính, nhưng phải canh tác luân phiên, trồng xen các hàng cây thông dọc theo vườn để thoát nước, tạo mảng xanh; trồng một số khu rừng thông rộng trên 5 ha. Sắp xếp không gian, công trình cho phù hợp với địa hình đồi dốc, cấm xây dựng nhà ở phía dưới, hoặc sát sườn đồi dốc cao, tránh nguy cơ sụt lún, sạt lở.

    Tại khu vực bán kính từ 20 - 30km, cần tăng thêm diện tích rừng, cho phép xây dựng các khu phức hợp đô thị - dịch vụ hiện đại, các trường chuyên nghiệp và trung tâm thương mại. Xây dựng các công trình công cộng và bãi đỗ xe nổi, hoặc ngầm nằm ngoài đường tránh đã hình thành; tăng cường mạng lưới giao thông công cộng để phục vụ di chuyển ra, vào khu trung tâm.

    Đặc biệt, TP cần huy động nguồn lực, tri thức của các nhà khoa học, chuyên gia trong nước, quốc tế để tham gia vào việc xây dựng, PTBV Đà Lạt; chú trọng đến các nghiên cứu về đa dạng sinh học, kết cấu địa chất - địa hình, tầng nước ngầm của TP, để đưa ra được những dự báo về khả năng biến đổi của địa tầng, nguy cơ sạt trượt đồi dốc, tụt hạ nước ngầm, từ đó bố trí công trình, cảnh báo, di dời, đảm bảo an toàn cho dân. Đồng thời, TP cần có các biện pháp cấp bách nhằm khôi phục HST, nhất là ở những khu vực nhà kính; chấm dứt những hoạt động sản xuất - kinh doanh không thân thiện với môi trường. 

    3.3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và BVMT

    Đây là một trong các giải pháp quan trọng cần được chính quyền TP quan tâm chỉ đạo, cụ thể: Rà soát kĩ các văn bản pháp luật liên quan đến quy hoạch, bảo vệ và quản lý rừng, trật tự xây dựng, đầu tư, BVMT… trên địa bàn; Tham mưu lãnh đạo tỉnh sửa đổi, điều chỉnh những văn bản, quy định pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu PTBV; Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự đô thị; Sắp xếp lại các khu dân cư ở vùng lõi để phù hợp với tiêu chí khu dân cư xanh; Xử lý nghiêm những hoạt động xâm hại, tác động xấu đến môi trường, cảnh quan tự nhiên; buộc khôi phục nguyên trạng.

    Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý của TP cần được tăng cường năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, đề cao tinh thần trách nhiệm trong công việc; đẩy mạnh dân chủ, nghiêm túc lắng nghe ý kiến và dựa vào sự đồng thuận của người dân. Qua đó, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong hành động của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân để Đà Lạt trở thành một TP “Xanh - Sạch - Đẹp”, PTBV về môi trường.

    4. Kết luận 

    Môi trường tự nhiên đặc thù đã tạo nên Đà Lạt thơ mộng, hấp dẫn, nhưng cũng nhạy cảm, mong manh. Qua 130 năm hình thành và phát triển, con người đã góp phần làm giảm đi nhiều giá trị tự nhiên đặc thù của TP. Vì thế, việc nhận định rõ thực trạng hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác du lịch thiếu tính bền vững đã ảnh hưởng đến các giá trị tự nhiên của đô thị đặc thù của Đà Lạt như thế nào, từ đó đề xuất các giải pháp để PTBV TP là rất cần thiết. Mặt khác, việc khai thác điều kiện tự nhiên để phát triển phải giữ gìn tài nguyên cho mai sau, đảm bảo PTBV, nhất là giữ được bản sắc riêng có của TP.

PGS.TS. Bùi Trung Hưng

  Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2023)

    Tài liệu tham khảo

    1. Uông Thái Biểu. Cho một Đà Lạt phát triển hài hòa, giàu bản sắc văn hóa. Báo Điện tử Chính phủ, ngày 27/9/2022;

    2. Khổng Chiêm. Làm sao để tái lập vẻ đẹp nguyên sơ của Đà Lạt?. Báo Dân trí Điện tử, ngày 30/8/2023;

    3. Thu Ngà. Di sản Đà Lạt trong cơn lốc đô thị hóa. Tạp chí Bất động sản Việt Nam, ngày 2/7/2022;

    4. Phạm Linh - Phước Tuấn - Đăng Khoa. Đà Lạt - điểm nóng mưa ngập, sạt lở. VnExpress, ngày 4/8/2023, 06:00;

    5. PGS. TS. KTS. Nguyễn Hạnh Nguyên. Đà Lạt cần gì hôm nay? Nguoidothi. 09:03|Thứ ba, ngày 6/12/2022;

    6. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 704/QĐ-TTg, ngày 12/5/2014 về phê duyêt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trang Thông tin điện tử Chính phủ;   

    7. Trang ĐT: Wikipedia, lamdong.gov.vn; dalat.gov.vn.

Ý kiến của bạn