Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không (Net zero emission): Kinh nghiệm của một số quốc gia và bài học cho Việt Nam

31/10/2022

    Trong những năm gần đây, cụm từ “phát thải ròng bằng không” hay “net zero emission - NZE” đã trở thành chủ đề quen thuộc tại nhiều diễn đàn về biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững. Năm 2015, Thỏa thuận Paris về BĐKH được 192 quốc gia thông qua, tại điểm 4.1 nhấn mạnh “các bên tham gia hướng đến đỉnh phát thải khí nhà kính (KNK) càng sớm càng tốt… như vậy sẽ đạt được cân bằng giữa các nguồn phát thải và loại bỏ bởi các bể hấp thụ KNK vào giữa thế kỷ 21”. Theo thống kê của Netzerro Tracker, đến tháng 9/2022, có hơn 136 quốc gia tuyên bố/cam kết về phát thải ròng bằng “0”, trong đó chủ yếu cam kết NZE vào năm 2050, một số ít quốc gia cam kết vào trước năm 2050 như Phần Lan (2035); Áo, Iceland (2040) và Thụy Điển (2045), số ít còn lại cam kết đạt vào năm 2060, 2070. Việt Nam đã cam kết mục tiêu NZE vào năm 2050 tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 26 (COP 26) tổ chức tại Glasgow (Scotland) và được cụ thể hóa trong Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050. Để thực hiện được mục tiêu NZE, việc tìm hiểu kinh nghiệm của một số quốc gia, từ đó đúc rút bài học cho Việt Nam trong lộ trình thực hiện mục tiêu NZE, đặc biệt là lựa chọn lĩnh vực ưu tiên và phương thức thực hiện có vai trò quan trọng. Trong phạm vi bài viết sẽ tập trung rà soát kinh nghiệm của 3 quốc gia gồm Anh, Singapo và Trung Quốc về thực hiện NZE, từ đó rút ra một số bài học cho Việt Nam.

Hành động của một số quốc gia để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”

    Để thực hiện được mục tiêu NZE, các quốc gia tùy vào điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội đã xác định lĩnh vực ưu tiên giảm phát thải KNK và đưa ra các hành động giảm nhẹ cụ thể. Anh đã đặt ra mục tiêu sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch vào năm 2035 với việc đầu tư phát triển đồng thời năng lượng hạt nhân (Các dự án năng lượng hạt nhân cỡ nhỏ tại các khu vực Wylfa, Bắc xứ Wales), năng lượng mặt trời, năng lượng gió (Dự kiến phát triển các dự án điện gió ngoài khơi cung cấp điện cho vùng Biển Bắc và Celtic) và triển khai các biện pháp lưu trữ năng lượng nhằm hạn chế việc tăng giá điện đột biến trong tương lai. Cụ thể, Anh đưa ra quy định cấm bán ô tô mới sử dụng động cơ xăng và diesel vào năm 2030 (UK Committee on Climate Change, 2019) cũng như ưu tiên giảm phát thải đối với lĩnh vực năng lượng thông qua phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nâng cao hiệu quả, hiệu suất sử dụng năng lượng. Bên cạnh đó, Anh còn triển khai Chương trình hỗ trợ khử các-bon và tạo hydro nhằm hỗ trợ các dự án sản xuất hydro và các dự án liên quan đến lưu trữ các-bon quy mô công nghiệp. Những ngành công nghiệp trọng tâm sẽ được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Chuyển đổi năng lượng để cải tiến công nghệ và phải đạt được “net zezo” thông qua hệ thống trao đổi tín chỉ phát thải (ETS) nội địa. Bên cạnh đó, để giảm phát thải trong lĩnh vực nhà ở và xây dựng, Anh dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn hệ thống sưởi ấm bằng khí gas trong các tòa nhà vào năm 2035. Thay vào đó, hệ thống cấp nhiệt trong các tòa nhà sẽ sử dụng công nghệ bơm nhiệt mới với hệ thống sưởi các-bon thấp và được triển khai thực hiện thông qua các Chương trình hỗ trợ của Chính phủ như: Nâng cấp hệ thống nhiệt; chuyển đổi bơm nhiệt; nhà ở xã hội các-bon thấp; nâng cấp nhà, Làng Hydrogen… Trong lĩnh vực giao thông, Anh xây dựng kế hoạch loại bỏ phương tiện chạy bằng xăng và dầu diesel vào năm 2030 và đến năm 2035 sẽ không có phát thải từ các phương tiện giao thông. Đồng thời, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, đi bộ trong thành phố, phát triển hệ thống xe bus và tàu điện công cộng không phát thải. Chính phủ Anh cũng triển khai hỗ trợ người dân phát triển canh tác nông nghiệp các-bon thấp thông qua các Quỹ Đầu tư về thiết bị, công nghệ và hạ tầng nhằm tăng doanh thu, mang lại lợi ích môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, Chính phủ ưu tiên đầu tư cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính khác hạn chế sử dụng than bùn, trồng rừng, thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình…

    Trong khi đó, để thực hiện mục tiêu NZE vào năm 2050, Singapo đề ra 3 ưu tiên chiến lược gồm: (i) Thực hiện chuyển đổi trong công nghiệp, kinh tế - xã hội bao gồm thúc đẩy tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng trong mọi lĩnh vực, xác định các cơ hội tăng trưởng mới, thúc đẩy đổi mới và thay đổi hành vi; (ii) Đẩy mạnh nghiên cứu và sử dụng các công nghệ các-bon thấp nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ loại bỏ các-bon; (iii) Thúc đẩy hợp tác, tăng cường đối tác với các quốc gia trên thế giới trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ lưu trữ các-bon, nhập khẩu năng lượng, sử dụng các cơ chế dựa vào thị trường. Cụ thể, Chính phủ Singapo ưu tiên giảm phát thải trong 6 lĩnh vực chính gồm sản xuất điện, công nghiệp, giao thông, xây dựng, hộ gia đình và chất thải, nước. Theo đó, đối với sản xuất điện sẽ nâng cao hiệu suất và đầu tư vào năng lượng mặt trời (dự kiến ít nhất 2GWp vào năm 2030) cũng như áp dụng công nghệ các-bon thấp. Đối với lĩnh vực công nghiệp để tăng cường hiệu suất sử dụng năng lượng sẽ áp dụng các giải pháp mang tính hệ thống và công nghệ các-bon thấp. Lĩnh vực giao thông sẽ không tăng lượng phương tiện, 90% người dân sẽ sử dụng các chuyến đi trong giờ cao điểm thông qua hình thức kết hợp “đi bộ - đi xe đạp - phương tiện có động cơ” và đến năm 2040 sẽ sử dụng toàn bộ phương tiện giao thông sạch hơn. Lĩnh vực xây dựng, 80% các công trình đạt tiêu chuẩn công trình xanh vào năm 2030 và triển khai thực hiện chương trình siêu năng lượng thấp. Đối với các hộ gia đình bắt buộc phải tham gia chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc, tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu và chương trình thành phố xanh. Riêng đối với lĩnh vực chất thải và nước sẽ áp dụng cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn trong đó giảm phát sinh chất thải, tăng tái chế và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng để xử lý nước mặn và nước thải. Cùng với đó, nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện mục tiêu NZE, Chính phủ Singapo có kế hoạch tăng thuế các-bon từ 5$ Singapo/tấn các-bon hiện nay lên 10-15$ Singapo vào năm 2030.

    Trung Quốc là quốc gia đã cam kết mục tiêu NZE vào năm 2060 thông qua ưu tiên giảm phát thải từ các lĩnh vực: (i) Hoạt động kinh tế nói chung; (ii) Cung cấp năng lượng; (iii) Công nghiệp; (iv) Giao thông; (v) Xây dựng; (vi) Lâm nghiệp (hấp thụ). Theo đó để đạt được mục tiêu NEZ trước năm 2060 cần phải giảm phát thải bằng không trong lĩnh vực sản xuất điện, các lĩnh vực sử dụng nhiều điện và giảm phát thải trong các hoạt động kinh tế xã hội khác. Các lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện để đạt mục tiêu NEZ gồm: (i) Điện khí hóa toàn bộ vận tải đường sắt và đường bộ; (ii) Sử dụng nhiên liệu sinh học, nhiên liệu tổng hợp, hydrogen hoặc ammoniac đối với vận tải hàng không và hàng hải đường dài; (iii) Chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn nhằm tài sử dụng và sử dụng hiệu quả hơn các nguyên liệu thiết yếu như sắt thép, xi măng, phân bón, đồ nhựa…; (iv) Sử dụng điện, khí hydrogen, công nghệ thu hồi và lưu trữ các-bon (CSS) và năng lượng sinh học để đạt NEZ trong các ngành công nghiệp nặng; (v) Áp dụng rộng rãi công nghệ bơm nhiệt hiện đại và hệ thống cách nhiệt tân tiến trong các tòa nhà (ETC-Energy-Transition Commission, 2019).

Bài học cho Việt Nam để thực hiện mục tiêu NZE

    Từ kết quả rà soát kinh nghiệm của một số quốc gia về lĩnh vực và giải pháp ưu tiên để thực hiện mục tiêu NZE, Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình thực hiện mục tiêu NZE như sau:

    Thứ nhất, cần xác định lĩnh vực ưu tiên và các giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực như ví dụ của Singapo, trong đó kết hợp các công cụ thị trường như thuế các-bon và phát triển, áp dụng công nghệ.

    Thứ hai, đánh giá tiềm năng và lợi thế đối với từng lĩnh vực, từng địa phương và cả quốc gia khi thực hiện các giải pháp giảm phát thải KNK nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển phát triển bền vững được thực hiện.

    Thứ ba, cần gắn quá trình thực hiện mục tiêu NZE với Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia, ngành và địa phương. Trong đó đề ra lộ trình và các chỉ tiêu phát triển gắn với tiết kiệm năng lượng, hiệu suất làm việc, hiệu quả sử dụng tài nguyên.

    Thứ tư, tăng cường kết nối và điều phối giữa các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên giảm phát thải, giữa các địa phương và tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận, tiếp nhận công nghệ các-bon thấp.

    Thứ năm, huy động sự tham gia của toàn xã hội đóng góp vào mục tiêu NZE từ hoạt động ở cấp độ cá nhân, hộ gia đình, cơ quan tổ chức đến quy mô quốc gia; từ hoạt động giao thông hàng ngày đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể quốc gia. Ví dụ của Anh về kế hoạch loại bỏ các phương tiện giao thông sử dụng dầu diel vào năm 2035 có thể áp dụng đối với các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong đầu tư và chi tiêu công.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2013). Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

2. Thủ tướng Chính phủ (2022). Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2022).

3. Thủ tướng Chính phủ (2022). Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 (Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2022).

4. Thủ tướng Chính phủ (2021). Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1658/QĐ-TTg 2021 ngày 1 tháng 10 năm 2021).

5. Chính phủ Việt Nam (2020). Đóng góp do quốc gia tự quyết định (bản cập nhật).

6. Black, R., Cullen, K., Fay, B., Hale, T., Lang, J., Mahmood, S., Smith, S.M. (2021). Taking Stock: A global assessment of net zero targets, Energy & Climate Intelligence Unit and Oxford Net Zero.

7. Energy Transition Commission (2019). China 2050: A fully developed rich Zero-Carbon Economy.

8. IPCC, 2013. Fifth Assessment Report (AR5).

9. IPCC, 2018. Special Report on Global Warming of 1.5°C.

10. Milner, J., Hamilton, I., Woodcock, J., Williams, M., Davies, M., Wilkinson, P., & Haines, A (2020). Health benefits of policies to reduce carbon emissions. BMJ (Clinical research ed.), 368, l6758. https://doi.org/10.1136/bmj.l6758.

TS. Nguyễn Sỹ Linh, TS. Nguyễn Trung Thắng, ThS. Vũ Hoàng Thùy Dương, ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, ThS. Lê Nam

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2022)

Ý kiến của bạn