Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới

26/09/2024

    Nhằm góp phần triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, ngày 25/9/2024, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Diễn đàn Khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới”. 

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, TS. Mai Thanh Dung chia sẻ tại Diễn đàn

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn coi kinh tế tuần hoàn là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Để hỗ trợ quá trình này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và khung pháp lý quan trọng, bao gồm Luật BVMT năm 2020 và Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Việc thảo luận các chính sách cũng như nhận diện những khó khăn trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của mô hình này. Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Diễn đàn được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp và kiến nghị chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách xanh hóa tại Việt Nam.

    Trao đổi tại Diễn đàn, Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho hay, kinh tế tuần hoàn là khái niệm đã phát triển qua nhiều thập kỷ. Đến nay, kinh tế tuần hoàn trong điều kiện mới yêu cầu phải chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính gây lãng phí hiện tại sang nền kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn được ước tính sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng toàn cầu 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, đồng thời giúp khôi phục các hệ thống tự nhiên. Việt Nam cũng nằm trong xu thế sản xuất xanh, do đó cần tận dụng cơ hội biến kinh tế tuần hoàn trong điều kiện mới để đạt mục tiêu tăng trưởng.

    Đại diện cho đơn vị đang được Bộ TN&MT giao làm đầu mối thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, TS. Mai Thanh Dung nhấn mạnh, lần đầu tiên, trong Luật BVMT năm 2020 đã pháp lý hóa khái niệm, nội hàm về kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT đã nêu rõ các yêu cầu hướng dẫn chi tiết triển khai thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong đó giao Bộ TN&MT xây dựng kế hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn. Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đã được Bộ TN&MT chủ trì soạn thảo đang trình Thủ tướng Chính phủ với đề xuất 5 nhóm quan điểm, các mục tiêu gắn với các chỉ tiêu để giám sát, đánh giá theo các giai đoạn đến năm 2030 và năm 2035. Để hiện thực hóa Kế hoạch hành động, dự thảo cũng đã đề ra 5 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn trong việc đẩy mạnh truyền thông, bổ sung kiến thức pháp luật, lồng ghép các nội dung giáo dục về kinh tế tuần hoàn vào chương trình giáo dục các cấp học, bậc học, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn bao gồm: Tổ chức xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn cho ngành, lĩnh vực và các tỉnh; hoàn thiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; tăng cường quản lý chất thải và đẩy mạnh liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh các yếu tố trên, theo TS. Mai Thanh Dung, rất cần sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ý thức người dân, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các Bộ/ngành, UBND cấp tỉnh, các tổ chức đoàn thể… trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.

    Đề án và Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn được xây dựng với mục tiêu kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chất thải và tăng cường đổi mới sáng tạo. Nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 và xa hơn, 38 nhiệm vụ cụ thể đã được phân công cho các Bộ, ngành, địa phương.

Quang cảnh Diễn đàn

    Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg, đồng thời cập nhập những diễn biến chính sách mới trên thế giới; hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ trong việc địa phương hóa các chiến lược, kế hoạch liên quan đến kinh tế tuần hoàn, cũng như nhận diện và xác định đúng nguyên nhân sâu xa của những hạn chế, bất cập ở địa phương hiện nay. Trên cơ sở đó, các đại biểu kiến nghị đề xuất giải pháp để khắc phục những hạn chế và thách thức và tận dụng những lợi thế do bối cảnh mới mang lại để có chuyển đổi mạnh mẽ, thực chất trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam ở các cấp độ: Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và hộ gia đình.

Hương Mai

 

Ý kiến của bạn