Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Thúc đẩy chuyển đổi Năng lượng xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero

24/10/2024

    Ngày 24/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí TN&MT tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi Năng lượng xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero”. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp cụ thể cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, các quốc gia phát triển như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ đã ban hành các chính sách mạnh mẽ để chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, được phê duyệt theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu gây ra. Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng đã đề ra những mục tiêu quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Chiến lược nhấn mạnh việc ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và đạt được phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Một trong những quan điểm chủ đạo là xây dựng hệ thống năng lượng quốc gia đa dạng hóa, bao gồm nhiều loại hình năng lượng như năng lượng mặt trời, gió, sinh khối và năng lượng mới khác, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng hóa thạch một cách hợp lý. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc chuyển đổi này không chỉ gặp khó khăn về tài chính và công nghệ mà còn yêu cầu sự thay đổi lớn về mặt thể chế và chính sách. Với cam kết của Việt Nam về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc hoàn thiện các khung chính sách pháp lý, đảm bảo tính minh bạch và nhất quán, đồng thời đưa ra các cơ chế tài chính ưu đãi hơn, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật xanh… sẽ tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo không chỉ được sản xuất mà còn được truyền tải và sử dụng một cách hiệu quả.

    Theo TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và môi trường, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó, sứ mệnh tiên phong của doanh nghiệp đối với đầu tư và khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo như: Điện mặt trời trên mái nhà, điện gió và năng lượng sinh khối. Việc chuyển đổi này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn tăng tính tự chủ năng lượng và giảm chi phí dài hạn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc chuyển đổi năng lượng nhằm tạo ra sự tiết kiệm tiêu dùng tích luỹ, với mục tiêu đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng (tương đương 480 triệu USD) và giảm đáng kể khí thải các-bon, với ước tính giảm khoảng 34 triệu tấn vào năm 2030. Do đó, theo TS. Đào Xuân Hưng, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, đồng thời đối mặt với các thách thức lớn về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. 

GS.TS. Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

    Chia sẻ tại Hội thảo, GS.TS. Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, năng lượng tái tạo được hình thành từ các nguồn tự nhiên như ánh sáng mặt trời, mưa, gió, thủy triều và được phân loại thành nhiều dạng như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối… Đây là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường và có tính bền vững cao. Đối với năng lượng mặt trời, tận dụng nguồn năng lượng sạch vô tận từ ánh nắng mặt trời để tạo điện năng phục vụ hoạt động sản xuất, điện mặt trời giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sử dụng điện và tăng doanh thu (nhờ bán điện dư cho ngành điện). Điện mặt trời còn giúp doanh nghiệp “ghi điểm” vì sản xuất xanh, tăng giá trị hình ảnh thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường, mở ra nhiều cơ hội thâm nhập những thị trường quốc tế khó tính như Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, lắp đặt hệ thống điện mặt trời quy mô lớn, chất lượng cao đòi hỏi doanh nghiệp cần một khoản vốn đầu tư không nhỏ. Bên cạnh đó, do chịu tác động từ tự nhiên nên năng lượng tái tạo có tính ổn định thấp hơn so với các nguồn năng lượng truyền thống. Chỉ có thể khai thác năng lượng mặt trời vào ban ngày vào những ngày có mặt trời, còn ban đêm hay những ngày trời âm u, mưa thì hệ thống sẽ không hoạt động. Hay với năng lượng gió, các tua-bin gió chỉ có thể sinh điện vào những thời điểm có tốc độ gió thổi trong khoảng 4-25 m/s. Tốc độ gió phải tối thiểu 4 m/s thì các tua-bin gió mới bắt đầu chạy đều và phát điện, nhưng nếu vượt qua 25 m/s thì các tua-bin sẽ ngừng hoạt động để tránh hỏng hóc trong điều kiện gió mạnh. Ngoài ra, các tua-bin gió có thể gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người và động vật xung quanh. Do đó, theo GS.TS. Đặng Kim Chi, cần tìm giải pháp khắc phục những hạn chế trên để sử dụng năng lượng tái tạo một cách bền vững.

Quang cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung về: Chuyển đổi năng lượng xanh; Bối cảnh toàn cầu, cam kết quốc tế của Việt Nam và thực trạng, giải pháp triển khai năng lượng xanh tại nước ta; Cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ chuyển đổi năng lượng tái tạo; Đổi mới công nghệ trong phát triển năng lượng xanh; Thách thức trong lưu trữ và phân phối năng lượng xanh và năng lượng tái tạo…

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn