Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Thỏa thuận xanh EU có thể xây dựng động lực cho chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam hay không?

26/04/2022

    Trong 2 ngày (từ ngày 21 - 22/4/2022), tại tỉnh Quảng Ninh, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thỏa thuận xanh EU có thể xây dựng động lực cho chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam hay không?".

    Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho rằng, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn thông qua việc xây dựng, triển khai các biện pháp bằng nguồn lực của mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức cân bằng (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050.

Phần thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Hội thảo (Ảnh: Vi Vi)

    Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti cũng nhấn mạnh, EU sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam cùng thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hành động mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu; cùng Việt Nam xem xét, triển khai chiến lược ngắn hạn, dài hạn để xây dựng các kế hoạch cụ thể theo lộ trình.

    Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra 2 buổi Tọa đàm với chủ đề: Những tác động đối với quan hệ (kinh tế) giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, ASEAN; Liệu thông qua Thỏa thuận xanh, Việt Nam và ASEAN có thể tìm ra những kinh nghiệm hữu ích hay không? Các chuyên gia, đại biểu, đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông cũng đã cùng trao đổi nhiều nội dung liên quan đến Thoả thuận xanh EU, lịch trình năng lượng sạch EU và mối liên hệ với sự phát triển bền vững ở Việt Nam; Thoả thuận xanh châu Âu và công nghiệp bền vững tại Việt Nam; Kinh tế tuần hoàn và các ngành công nghiệp bền vững; Năng lượng sạch...

    Thỏa thuận xanh châu Âu là một tập hợp các sáng kiến chính sách do Ủy ban châu Âu đưa ra với mục đích làm cho khí hậu châu Âu trở nên trung tính vào năm 2050, tăng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của châu Âu vào năm 2030 lên ít nhất 50% và hướng tới 55% so với mức của năm 1990. Đây là một bộ chính sách bao gồm các biện pháp mới và nỗ lực nhằm chuyển đổi nền kinh tế vì một tương lai bền vững. Các biện pháp EU đưa ra không giới hạn, tuy nhiên cũng tập trung vào những việc cụ thể như: Cung cấp năng lượng sạch, giá cả phải chăng và an toàn; vận động ngành công nghiệp vì một nền kinh tế sạch và tuần hoàn; xây dựng, cải tạo hiệu quả lĩnh vực năng lượng và tài nguyên; đẩy nhanh sự chuyển dịch sang phương tiện di chuyển thông minh, bền vững; bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; tham vọng không ô nhiễm cho một môi trường không độc hại… Thỏa thuận xanh mà EU công bố đã thắp lên hy vọng cho các nhà hoạt động môi trường về khả năng các nước phát thải lớn khác cùng tham gia.

Nam Việt

Ý kiến của bạn