Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Thị trường carbon - Nguồn lực để định hình chiến lược khí hậu

12/10/2022

    Thị trường carbon lần đầu tiên được đề cập trong Quyết định số 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2012. Sau đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 của Đảng và Nghị quyết 50-NQ/CP năm 2021 Chính phủ đã bao gồm xây dựng thị trường carbon trong các nhiệm vụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và gần đây nhất là Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn đã cụ thể hóa lộ trình thiết lập hệ thống trao đổi hạn ngạch carbon trong nước.

Thúc đẩy phát triển thị trường carbon, góp phần giảm biến đổi khí hậu

    Theo đó, thị trường carbon được kỳ vọng sẽ đóng góp vào thực hiện cam kết khí hậu quốc gia, là động lực giảm phát thải một cách hiệu quả về chi phí và mang lại nguồn tài chính để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp. Đồng thời, sẽ giúp kết nối Việt Nam với thị trường carbon quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa tương thích với những cơ chế quốc tế mới có ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.

    Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam phải đối mặt với thách thức phát triển hướng tới một nền kinh tế carbon thấp nhưng có tốc độ phát triển vượt bậc, và sẽ cần huy động mọi nguồn lực, áp dụng các giải pháp sáng tạo, trong đó định giá carbon (bao gồm thuế carbon và thị trường carbon) được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi.

    Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 01/2022 về danh mục các ngành/phân ngành và cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trong đó bao gồm 1662 cơ sở thuộc ngành Công Thương, 70 cơ sở thuộc ngành Giao thông vận tải, 104 cơ sở thuộc ngành Xây dựng, 76 cơ sở thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường.

    Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế carbon qua Thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá carbon nếu tính trên đơn vị khí nhà kính khi thuế suất cho xăng dầu (32 - 76 USD/tấn CO2) cao hơn nhiều so với than (0,22 – 0,42 USD/tấn CO2 phát thải).

    Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cả hai công cụ thuế carbon và thị trường carbon đều có thể được áp dụng song song một cách linh hoạt để tối ưu hóa việc cắt giảm phát thải. Tuy nhiên, thị trường carbon ngày càng trở nên phổ biến vì đạt được kết quả giảm phát thải một cách chắc chắn hơn. Giải pháp này cho phép các doanh nghiệp được linh hoạt, chủ động trong lựa chọn biện pháp tuân thủ hạn ngạch phát thải, từ đó mang lại hiệu quả về chi phí trong cắt giảm phát thải.

    Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, khi rất nhiều các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Từ đó, giảm phát thải đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Giảm phát thải không chỉ nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường và hướng tới phát triển bền vững mà còn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của quốc gia nhập khẩu.

    Để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành…

Nam Việt

Ý kiến của bạn