Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Thí điểm đánh giá nhanh giá trị kinh tế các dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước tại Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát

31/10/2022

Sự cần thiết của việc xây dựng Đánh giá nhanh giá trị kinh tế hệ sinh thái đất ngập nước

    Với tổng diện tích gần 12 triệu ha (chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên và phân bố rộng khắp trên cả 8 vùng sinh thái), các hệ sinh thái (HST) đất ngập nước (ĐNN) của Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người và nền kinh tế. Không chỉ cung cấp tài nguyên phục vụ cho sự phát triển của nhiều ngành sản xuất như: nông nghiệp, thủy sản, khai khoáng, du lịch, giao thông vận tải…, các HST ĐNN còn cung cấp nhiều loại dịch vụ quan trọng như: lưu trữ và cải thiện chất lượng nước, hấp thụ các-bon, điều hòa khí hậu, hạn chế lũ lụt, văn hóa, giải trí… Tại Việt Nam, các HST ĐNN hiện đang cung cấp lương thực, thực phẩm, sinh kế, thu nhập cho khoảng 20 triệu người và là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Theo ước tính, giá trị của các hàng hóa và dịch vụ mà các HST ĐNN mang lại trong năm 2016 lên tới 10 tỷ đô-la [1].

    Mặc dù có vai trò quan trọng, nhưng tại nhiều vùng, nhiều địa phương trên cả nước, các HST ĐNN đang dần biến mất hoặc bị suy thoái, gây ra các tác động tiêu cực về mặt sinh thái, xã hội và kinh tế, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của con người, đặc biệt là của những người nghèo sống trong hoặc xung quanh các vùng ĐNN. Một trong các nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng này là các lợi ích về mặt kinh tế - xã hội của ĐNN thường bị các nhà hoạch định và thực thi chính sách đánh giá thấp, xem nhẹ và bỏ qua trong quá trình ra quyết định và hành động. Các nghiên cứu lượng giá dịch vụ HST có thể hỗ trợ các nhà hoạch định và thực thi chính sách trong việc ghi nhận và tích hợp các lợi ích đa dạng của ĐNN vào quá trình ra quyết định. Tuy nhiên, tại Việt Nam, một nghiên cứu lượng giá HST ĐNN sử dụng các phương pháp lượng giá phổ biến thường mất tối thiểu 6 tháng với sự tham gia của ít nhất 3 - 4 chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau và một nguồn lực tài chính đáng kể. Do đó, trong nhiều trường hợp, các nghiên cứu lượng giá dịch vụ HST ĐNN thông thường không đáp ứng được yêu cầu về “thông tin nhanh” để đưa vào quá trình ra quyết định của các bên liên quan trong công tác quản lý và sử dụng tài nguyên ĐNN.

    Trước thực trạng này, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) đã phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực để xây dựng “Hướng dẫn đánh giá nhanh giá trị kinh tế dịch vụ HST ĐNN” (gọi tắt là Hướng dẫn). Hướng dẫn này được xây dựng dựa trên việc rà soát, đánh giá và kế thừa một số bộ công cụ đánh giá nhanh dịch vụ HST trên thế giới (như InVEST, TESSA, ARIES, Costing Nature, MIMES, SolVES…), đồng thời có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế (về nguồn nhân lực, nguồn tài chính và sự sẵn có của các thông tin đầu vào) tại Việt Nam. Mục tiêu chính của Hướng dẫn là hỗ trợ các bên liên quan trong việc ước lượng giá trị tổng hợp của HST ĐNN với khung thời gian ngắn nhất và nguồn lực thấp nhất (dưới 30 ngày - người). Cụ thể, Hướng dẫn cung cấp hướng dẫn chi tiết cách nhận diện các loại/nhóm dịch vụ HST ĐNN quan trọng; công thức tính giá trị kinh tế của các loại/nhóm dịch vụ HST ĐNN; các lưu ý trong quá trình thu thập, phân tích và tổng hợp số liệu; các lựa chọn thay thế trong trường hợp không thể thu thập các thông tin đầu vào cho việc áp dụng các công thức tính giá trị kinh tế.

Hướng dẫn đánh giá nhanh giá trị kinh tế các dịch vụ HST ĐNN

    Hình 1 dưới đây trình bày tóm tắt các quy trình đánh giá nhanh giá trị kinh tế các dịch vụ HST ĐNN trong Hướng dẫn:

Hình 1. Quy trình các bước đánh giá nhanh giá trị kinh tế các dịch vụ HST ĐNN

Nguồn: Theo TESSA [2]và Merriman & Murata [3]

    Trong khâu chuẩn bị, bên thực hiện đánh giá cần phải xác định rõ mục tiêu của đánh giá vì mục tiêu của đánh giá sẽ quyết định quy mô và phạm vi đánh giá. Nếu mục tiêu là để có một cái nhìn tổng quan về các loại dịch vụ mà HST ĐNN đang cung cấp và đóng góp của các dịch vụ này với kinh tế địa phương thì khi thực hiện sẽ cần đánh giá toàn diện các loại dịch vụ; nhưng nếu mục tiêu để xem xét tiềm năng tham gia các cơ chế liên quan đến tín chỉ các-bon thì chỉ cần đánh giá dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của HST ĐNN. Bên cạnh đó, bên thực hiện đánh giá cũng cần xác định rõ địa điểm đánh giá (Ví dụ: chỉ đánh giá vùng lõi của một VQG mà không đánh giá vùng đệm, hoặc chỉ đánh giá vùng HST ĐNN thuộc một số xã nhất định) và các bên liên quan đến địa điểm đó (Ví dụ: các cộng đồng bản địa, các tổ chức phi Chính phủ, các ban quản lý, Chính phủ). Cuối cùng, bên đánh giá cũng cần phải thu thập các thông tin nền bao gồm bối cảnh chính sách (đặc biệt là các chính sách phát triển và bảo tồn), tổng quan thông tin kinh tế - xã hội, hiện trạng đa dạng sinh học và các nguy cơ đối với HST ĐNN.

    Trong khâu xác định phạm vi đánh giá, bên thực hiện đánh giá cần xác định các sinh cảnh quan trọng trong HST ĐNN thông qua việc thu thập bản đồ thể hiện vị trí, ranh giới, diện tích của từng sinh cảnh (trong trường hợp không có bản đồ thì có thể xác định sơ bộ vị trí, diện tích hoặc tầm quan trọng của các sinh cảnh thông qua phỏng vấn người dân và các nhà quản lý tại địa phương); xác định các dịch vụ HST ĐNN quan trọng và các đối tượng hưởng lợi từ các dịch vụ HST đó dựa trên thông tin về đóng góp của các dịch vụ HST đối với nền kinh tế của địa phương, số lượng người được hưởng lợi từ dịch vụ HST.

    Trong khâu lựa chọn phương pháp đánh giá, bên thực hiện đánh giá cần lưu ý mỗi loại/nhóm dịch vụ HST có nhiều phương pháp tính toán khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp tính toán nào để áp dụng sẽ phụ thuộc vào sự sẵn có và độ tin cậy của các số liệu đầu vào có thể thu thập được trên hiện trường. Trong một số trường hợp không thể thu thập được các thông tin, số liệu đầu vào để tính toán (chẳng hạn, khu bảo tồn ĐNN mới được thành lập nên chưa tư liệu hóa được các thông tin, số liệu có liên quan), bên thực hiện đánh giá có thể tham khảo các phương pháp chuyển giao giá trị (tức là sử dụng kết quả đánh giá giá trị kinh tế dịch vụ HST ĐNN ở những nơi khác để chuyển giao cho HST ĐNN mục tiêu tiếp theo) được mô tả kỹ trong Hướng dẫn.

    Trong khâu tính toán và phân tích kết quả, bên thực hiện đánh giá cần lưu ý các điểm sau: (i) Để đảm bảo rút ngắn thời gian và đơn giản về kỹ thuật, Hướng dẫn không hỗ trợ việc tính toán một số giá trị như giá trị đa dạng sinh học, giá trị hình thành đất…, mặc dù đây vẫn là những giá trị rất quan trọng của HST ĐNN; (ii) Các kết quả đánh giá có thể thay đổi rất khác nhau thời gian (theo mùa hoặc theo năm) tùy theo điều kiện và các mức giá của thị trường và (iii) Để tăng độ chính xác của kết quả, các phương pháp đánh giá chuẩn thông thường nên được ưu tiên sử dụng khi điều kiện cho phép. Đặc biệt, kết quả đánh giá nhanh các dịch vụ HST ĐNN có thể còn mới lạ với nhiều bên liên quan (như nhà quản lý, người dân địa phương,…), vì vậy, cần lựa chọn hình thức truyền tải dễ hiểu và trực quan, đảm bảo thông tin phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận.

Thí điểm đánh giá nhanh giá trị kinh tế HST ĐNN tại Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát

    Để có cơ sở hoàn thiện quy trình và phương pháp đánh giá nhanh giá trị kinh tế HST ĐNN, nhóm chuyên gia đã tiến hành thí điểm các nội dung của Hướng dẫn tại HST ĐNN tại Vườn Quốc gia (VQG) Lò Gò - Xa Mát, tỉnh Tây Ninh.

    VQG Lò Gò - Xa Mát nằm trên địa phận 6 xã của huyện Tân Biên: Tân Lập, Tân Bình, Hòa Hiệp, Thạch Tây, Thạch Bắc và Thạch Bình, với tổng diện tích là 30.023,13 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích là 20.615,16 ha; phân khu phục hồi sinh thái có diện tích là 19.277, 51 ha và phân khu hành chính, dịch vụ có diện tích 130,46 ha. VQG Lò Gò - Xa Mát có HST đặc trưng của vùng chuyển tiếp từ Nam Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long, có dạng địa hình đồi thấp, bàu, trảng, ĐNN theo mùa, các sông, suối, tự nhiên... tạo thành các kiểu thảm thực vật chính gồm: rừng nguyên sinh và thứ sinh thường xanh cây lá rộng theo mùa; rừng sao dầu thứ sinh trên ĐNN theo mùa; rừng khô thưa thứ sinh ngập nước theo mùa trên ĐNN ưu thế họ Sau dầu và Tràm; rừng khô ngập nước theo mùa ưu thế tràm và cây bụi gai; rừng thứ sinh cây bụi trảng cỏ ngập nước ven sông, lòng suối và trảng cỏ ngập nước theo mùa.

Hình 2. Ví trí và ranh giới của VQG Lò Gò - Xa Mát

    Kết quả khảo sát sơ bộ có sự tham gia của người dân và đại diện một số cơ quan, ban, ngành có liên quan tại huyện Tân Biên cho thấy, các sinh cảnh ĐNN quan trọng nhất trong địa phận VQG Lò Gò - Xa Mát gồm: Rừng ngập mặn: 1.883,54 (ha); Đầm nuôi trồng thủy sản: 116,13 (ha); Sông/lạch: 1.411,13 (ha); Ruộng lúa: 1.238,46 (ha).

    Bên cạnh đó, các loại dịch vụ HST quan trọng nhất cần được ưu tiên đánh giá cũng đã được xác định gồm: Dịch vụ cung cấp các sản phẩm khai thác (thủy sản đánh bắt, bông súng, măng le, các loài thuốc nam, lá mật cật) và nuôi trồng (cá diêu hồng); Dịch vụ cung cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt; Dịch vụ du lịch giải trí; Dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon.

    Với các thông tin, số liệu thu thập được từ hiện trường (thông qua phiếu khảo sát được chuẩn bị dựa trên nội dung của Hướng dẫn), kết quả đánh giá nhanh cho thấy tổng giá trị kinh tế của các dịch vụ HST ĐNN tại VQG Lò Gò - Xa Mát là 130,7 tỉ VNĐ (năm đánh giá là 2021). Trong đó, giá trị dịch vụ cung cấp các sản phẩm khai thác và nuôi trồng chiếm phần lớn (52%), với các sản phẩm đa dạng như thủy sản đánh bắt, thủy sản nuôi trồng, bông súng, là mật cật, măng le, thuốc nam. Đáng lưu ý, giá trị hấp thụ và lưu giữ các-bon chiếm tới 41%. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế mua bán tín chỉ/chứng chỉ các-bon nào được áp dụng để chuyển hóa giá trị này thành lợi ích kinh tế cho VQG và người dân địa phương.

Bảng 1. Kết quả đánh giá nhanh một số dịch vụ HST ĐNN tại VQG Lò Gò - Xa Mát

(Năm đánh giá: 2021)

STT

Loại dịch vụ

Giá trị (Triệu VNĐ)

1

Dịch vụ cung cấp các sản phẩm khai thác và nuôi trồng

68.000

2

Dịch vụ cung cấp nước

4.000

3

Dịch vụ du lịch giải trí

5.000

4

Dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon

53.707

Tổng

130.707

 

Hình 3. Cơ cấu giá trị kinh tế của các dịch vụ HST tại VQG Lò Gò - Xa Mát

    Với kết cấu đơn giản và yêu cầu dữ liệu không quá phức tạp, Hướng dẫn đánh giá nhanh tương đối dễ sử dụng với nhiều đối tượng và cho các mục đích khác nhau. Kết quả thí điểm tại VQG Lò Gò - Xa Mát cho thấy, khi được tập huấn, các cán bộ làm công tác bảo tồn ở địa phương ngay cả khi chưa có chuyên môn về lượng giá kinh tế, vẫn có thể nhanh chóng nắm bắt quy trình và phương pháp đánh giá. Từ đó, việc thu thập thông tin thứ cấp và sơ cấp tại hiện trường đã diễn ra khá thuận lợi. Khó khăn nhất đối với các cán bộ địa phương là bước lựa chọn phương pháp (lựa chọn công thức tương ứng với dữ liệu và thực hiện các điều chỉnh phù hợp với vùng nghiên cứu), đặc biệt khi đánh giá các dịch vụ “phức tạp” như dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon, dịch vụ giảm thiệt hại do thiên tai... Do vậy, có thể sẽ cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia lượng giá. Một điều đáng lưu ý nữa là cơ sở dữ liệu về HST ĐNN càng phát triển thì thời gian đánh giá nhanh càng có thể được rút ngắn và độ chính xác càng cao. Điều này đặt ra yêu cầu về việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các VQG, để việc đánh giá được thuận lợi và hiệu quả hơn trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ TN&MT, "Tờ trình Dự thảo Nghị định bảo tồn và sử dụng bền vững ĐNN", truy cập ngày 6/7/2021 tại địa chỉ: http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/congdan/DuThaoVanBan?_piref135_27935_135_27927_27927.mode=detail&_piref135_27935_135_27927_27927.id=2473, 2019

2. K. S.-H. Peh et al., "Toolkit for Ecosystem Service Site-based Assessment (TESSA)," Version 2.0. Cambridge, UK, 2017. [Online]. Available: http://www.birdlife.org/worldwide/science/assessing-ecosystem-services-tessa

3. J. C. Merriman and N. Murata, Guide for Rapid Economic Valuation of Wetland Ecosystem Services. BirdLife International Tokyo, Japan, 2016.

TS. Trần Thị Thu Hà

Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TS. Nguyễn Hoàng Nam

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT

TS. Nguyễn Xuân Dũng, Trương Quỳnh Trang

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2022)

Ý kiến của bạn