Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Thanh Hóa tăng cường các giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường hướng đến phát triển bền vững

09/09/2022

    Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn (11.114,71 km2), đứng thứ 5 cả nước và được ví như đất nước Việt Nam thu nhỏ, với 3 vùng sinh thái (đồng bằng, miền núi, trung du và ven biển). Trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và đặc biệt là ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân, Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhiều chỉ tiêu vượt mức so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 13,41%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ (8,66%), đứng thứ 3 cả nước… Tuy nhiên, song song với mục tiêu phát triển kinh tế, cũng đặt ra cho địa phương nhiệm vụ quan trọng và thách thức trong công tác BVMT, vì vậy, tỉnh luôn xác định quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” theo đúng tinh thần của Luật BVMT năm 2020.

    Triển khai đồng loạt các hoạt động cụ thể, góp phần cải thiện chất lượng môi trường

    Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định “Quản lý hiệu quả tài nguyên và BVMT” là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước giai đoạn 2015 - 2020. Điều này lại một lần nữa được khẳng định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII “Lấy BVMT sống, sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ÔNMT, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác BVMT, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp và triển khai đồng loạt các hoạt động cụ thể, góp phần chung sức cùng cả nước vào công cuộc bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường. Cụ thể, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/8/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT như: Quy chế phối hợp BVMT trong hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao, du lịch; quy định về mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; phê duyệt Phương án xử lý CTR tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; quy định chi tiết quản lý CTR sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh… qua đó, góp phần hình thành nhiều phong trào, hoạt động BVMT gắn với phát triển kinh tế - xã hội, với sự ủng hộ và tích cực hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân ngay tại mỗi gia đình, trường học, cộng đồng dân cư, nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid -19 bùng phát, diễn biến phức tạp. Hiện nay, nhiều phong trào BVMT Xanh - Sạch - Đẹp, trồng cây xanh, xây dựng tuyến đường hoa được xây dựng và nhân rộng; các hoạt động mít tinh, ra quân vệ sinh môi trường nhân kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn cũng được tổ chức định kỳ hàng năm, với một số kết quả nổi bật như sau:

    Thứ nhất: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường luôn được quan tâm, đổi mới cả về nội dung và hình thức; việc thẩm định hồ sơ môi trường thực hiện đúng quy định, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thẩm định, trình phê duyệt gần 700 báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), 145 phương án cải tạo, phục hồi môi trường… Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát và doanh nghiệp nâng cao ý thức, thực hiện tốt trách nhiệm BVMT ở cơ sở.

Thanh Hóa hướng đến nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường

    Thứ hai: Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Từ năm 2016 đến nay, đã kiểm tra theo kết hoạch, giải quyết đơn thư, khiếu nại đối với hơn 2.200 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT với tổng số tiền phạt trên 18 tỷ đồng. 

    Thứ ba: Đẩy mạnh xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, 37/82 cơ sở đã hoàn thành xử lý ô nhiễm và được rút ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm. Đối với các cơ sở còn lại, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành rà soát, đánh giá mức độ ÔNMT hiện tại để có kế hoạch xử lý trong thời gian tới.

    Thứ tư: Chủ động kiểm soát, rà soát, yêu cầu các cơ sở, khu công nghiệp có lưu lượng xả nước thải từ 500 m3/ngày, đêm phải lắp đặt hệ thống quan trắc (HTQT) tự động nước thải; hệ thống giám sát tự động khí thải đối với cơ sở sản xuất xi măng, nhiệt điện và truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT để theo dõi, quản lý. Đến nay, đã có 11 đơn vị lắp đặt HTQT tự động khí thải; 14 đơn vị lắp đặt HTQT tự động nước thải. Đồng thời, thực hiện chương trình quan trắc chất lượng môi trường không khí, tiếng ồn, đất, nước mặt, nước dưới đất, tần xuất 6 lần/năm, góp phần dự báo môi trường nhằm phòng ngừa, hạn chế ÔNMT trên địa bàn.

    Thứ năm: Tăng cường quản lý CTR nói chung và CTR sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh; đã hình thành hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý CTR từ tỉnh đến huyện, xã, khu dân cư; ban hành phương án xử lý CTR, đơn giá thu gom, xử lý rác thải (XLRT) và cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc xử lý CTR, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện các dự án xử lý chất thải. Ngay từ đầu năm, tỉnh giao chỉ tiêu thu gom, XLRT sinh hoạt cho các huyện, nhờ đó, tỷ lệ thu gom, XLRT ngày càng được nâng lên (năm 2021 đạt 89% toàn tỉnh); hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, đơn vị XLRT sinh hoạt bằng công nghệ đốt với tổng kinh phí đến nay là 148 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu lượng CTR sinh hoạt xử lý bằng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

    Thứ sáu: Luật BVMT năm 2020 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, đây cũng là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc BVMT, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Do vậy, công tác BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài của cả hệ thống chính trị, của từng doanh nghiệp, từng gia đình, mỗi người dân để có hành động cụ thể, thiết thực làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm, hành động, góp phần bảo đảm cho sự nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt, Bộ tiêu chí Quốc gia đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã “Đề cao bộ mặt nông thôn Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”, vì thế, các tiêu chí số 17, 18 về môi trường, chất lượng môi trường sống trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao được đặc biệt quan tâm.

    Một số tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp

    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định: Luật BVMT năm 2020 có nhiều điểm mới, quan trọng, mang tính đột phá nhưng công tác tham mưu ở địa phương còn gặp nhiều vướng mắc, lúng túng như quy định về dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh là đối tượng phải lập Báo cáo ĐTM. Trong khi đó, nhiều dự án phải chuyển mục đích đất lúa, diện tích rất nhỏ để xây dựng hạ tầng công cộng (nhà văn hóa, đường giao thông trong xã, thôn…) mà không phát sinh nhiều chất thải cũng thuộc trường hợp phải lập Báo cáo ĐTM là chưa phù hợp với thực tiễn, chưa sát với quan điểm của Luật (phân loại dự án để giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, chỉ những dự án có mức độ ÔNMT cao mới phải làm ĐTM). Đồng thời, theo quy định của Luật, UBND tỉnh ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, nhưng hiện nay, các căn cứ tính toán chi phí xây dựng công trình, thiết bị xử lý nước thải (XLNT) tại chỗ chưa đầy đủ và Bộ TN&MT cũng chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về công trình, thiết bị XLNT tại chỗ đáp ứng yêu cầu BVMT. Do vậy, chưa có cơ sở xác định mức hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình. Ngoài ra, Luật quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư nhưng đến nay Bộ TN&MT chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật nêu trên, dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý môi trường địa phương trong quá trình xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mới cũng như quá trình thẩm định hồ sơ môi trường, tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành lộ trình di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng không đảm bảo yêu cầu vào các khu sản xuất tập trung, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

    Người dân địa phương tham gia vệ sinh môi trường biển

    Bên cạnh đó, việc kêu gọi nhà đầu tư vào thực hiện các dự án xây dựng nhà máy XLRT trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Trong khi lượng rác thải trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, XLRT bằng biện pháp chôn lấp nhưng chưa đúng kỹ thuật, gây ÔNMT, nhiều khu xử lý hiện nay đang quá tải, gây khó khăn cho công tác quản lý, XLRT của địa phương. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện quy định về chính sách hỗ trợ xử lý CTR, phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt chưa đồng bộ ở các địa phương; ngân sách của tỉnh còn khó khăn, nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng thiếu kinh phí để thực hiện, đặc biệt là dự án xử lý các điểm ÔNMT nghiêm trọng thuộc khu vực công ích (bãi chôn lấp rác thải, điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật).

    Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, địa phương có một số đề xuất, đề nghị Lãnh đạo Bộ TN&MT xem xét, chỉ đạo:

    (1) Lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý môi trường các cấp; đồng thời, sớm ban hành Sổ tay hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho địa phương trong việc triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2020.

    (2) Xem xét, báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn hoặc báo cáo Quốc hội để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế về đối tượng lập Báo cáo ĐTM là các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa 2 vụ trở lên.

    (3) Sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về công trình, thiết bị XLNT tại chỗ, đáp ứng yêu cầu BVMT theo quy định, làm cơ sở cho địa phương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ; khoảng cách an toàn về môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đối với khu dân cư.

    (4) Khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án xây dựng nhà máy XLRT trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đồng thời, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt để làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt ở địa phương theo quy định của Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ.

    (5) Hướng dẫn lựa chọn công nghệ và đánh giá công nghệ xử lý CTR sinh hoạt cho phù hợp với đặc điểm rác thải Việt Nam nói chung, của các địa phương nói riêng.

    (6) Quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Thanh Hóa triển khai các dự án xử lý triệt để ÔNMT tại những cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng thuộc khu vực công ích.

    Có thể nói, nhờ sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân mà công tác BVMT của Thanh Hóa trong thời gian qua đã được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả với nhiều chuyển biến tích cực, đáng khích lệ. Hy vọng thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ban, ngành Trung ương để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường, đưa Thanh Hóa không chỉ trở thành một “cực tăng trưởng mới” ở phía Bắc mà còn là một vùng đất đáng sống, văn minh, thân thiện, hiện đại và giàu bản sắc.

Lê Đức Giang

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Lê Văn Bình

Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2022)

 

Ý kiến của bạn