Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tăng cường xử lý tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch ở TP. Huế

04/07/2022

    TP. Huế đang bước vào thời điểm thu hoạch vụ mùa Đông Xuân 2021 - 2022, chuẩn bị cho gối vụ Hè Thu 2022. Trong thời gian cao điểm của nắng nóng, hanh khô, tình trạng bên cạnh tình trạng đốt rơm, rạ trên cánh đồng sau thu hoạch vẫn còn tiếp diễn gây ô nhiễm không khí, mất vệ sinh và mỹ quan đô thị của thành phố. Trước tình trạng đó, ngày 11/5/2022, UBND TP. Huế đã ban hành Công văn số 3129/UBND-NN về việc tăng cường xử lý tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch.

    Theo đó, UBND TP. Huế chỉ đạo các ban, ngành chức năng, UBND 36 phường, xã khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng đốt rơm, rạ sau thu hoạch, trong đó Chủ tịch UBND các phường, xã, các Hợp tác xã nông nghiệp phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tác hại đốt rơm rạ trên đồng ruộng để nông dân biết và tự giác chấp hành; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa (máy cuộn rơm,…) trong việc thu gom vận chuyển rơm rạ; Khuyến cáo việc ứng dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

    Lãnh đạo TP. Huế yêu cầu các phường, xã phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đốt rơm rạ trên đồng ruộng, đường giao thông gây cản trở và làm mất an toàn giao thông tại địa bàn do phường, xã quản lý nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và người dân.

    Các chuyên gia môi trường cho rằng, đốt rơm rạ là quá trình đốt không kiểm soát và đốt không cháy hoàn toàn nên dễ phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí như bụi PM2.5, PM10, NOX... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính những người dân bản địa và cả những người dân sống ở những khu vực không có hiện tượng đốt rơm rạ. Một số chuyên gia y tế khuyến cáo, khói rơm rạ cũng được cho là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh liên quan đến hô hấp như phổi tắc nghẽn mãn tích, hen suyễn…

An Vi

Ý kiến của bạn