Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp ngành đồ uống trong giảm phát thải khí nhà kính

19/09/2022

    Tại Hội nghị COP 26 được tổ chức tại Glassgow (Scotland, Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu… Lộ trình thực hiện tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ mà Chính phủ đã cam kết sẽ không thể thiếu vai trò và đóng góp của khu vực tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành đồ uống. 

    Heineken Việt Nam là thành viên của tập đoàn Heineken xuất xứ từ Hà Lan với lịch sử hơn 150 năm, một trong những nhà sản xuất bia hàng đầu thế giới có mặt tại 180 quốc gia. Thành lập vào năm 1991, Heineken Việt Nam hiện vận hành 6 nhà máy bia và 9 văn phòng thương mại trên cả nước. Xác định phát triển bền vững không chỉ là cam kết mà đã trở thành mục tiêu hàng đầu trong chiến lược sản xuất kinh doanh, Heineken Việt Nam đặt tham vọng giảm phát thải ròng bằng “0” trong sản xuất vào năm 2025 và đạt trung hòa carbon trong toàn bộ chuỗi giá trị vào năm 2040. Để đạt mục tiêu này, Công ty đang xây dựng các lộ trình, áp dụng chiến lược 4Rs trong toàn bộ chuỗi giá trị từ nguyên liệu đến tiêu dùng. Cụ thể, giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, loại bỏ phát thải qua các dự án bù trừ carbon, báo cáo và quy chiếu theo các tiêu chuẩn ngành.

    Tiến tới mục tiêu không rác thải cần chôn lấp, Heineken Việt Nam đã tái sử dụng hoặc tái chế gần như toàn bộ (khoảng 99%) phế thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất. Theo đó, bã hèm và men thừa đều được tái sử dụng làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi; các nguyên vật liệu khác như thủy tinh, bìa các-tông, nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế. Công ty cũng xử lý 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn, sử dụng cho mục đích tưới cây và làm vệ sinh tại các nhà máy. Một dự án khác mà Công ty triển khai thành công, đó chính là sáng kiến ​​tái chế nắp chai bia Tiger - một minh chứng rõ nét cho những lợi ích mà kinh tế tuần hoàn có thể mang lại cho xã hội. Thông qua việc thu gom nắp chai bia và tái chế thành vật liệu sắt để xây cầu hỗ trợ cộng đồng, sáng kiến này đã thúc đẩy tái chế và giảm rác thải; cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cộng đồng; đồng thời nâng cao hình ảnh của nhãn hiệu bia Tiger với tinh thần đánh thức bản lĩnh, hành động sáng tạo để hỗ trợ cộng đồng… Đến cuối năm 2021, Công ty đã đạt mục tiêu không còn rác thải chôn lấp tại toàn bộ 6 nhà máy; sản phẩm của Heineken được tạo ra từ 52% năng lượng tái tạo.

    Với những cam kết và nỗ lực trong phát triển bền vững, năm 2021, Heineken Việt Nam lần thứ 6 liên tiếp được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vinh danh trong top các doanh nghiệp phát triển bền vững nhất Việt Nam (lĩnh vực sản xuất). Gần đây nhất, tại Lễ trao Giải thưởng “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - năm 2022” trên địa bàn TP. Đà Nẵng do Sở Công Thương thành phố tổ chức với sự phối hợp của Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ vào ngày 30/6/2022, Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam tại Đà Nẵng - một trong những thành viên của Heineken Việt Nam đã vinh dự được trao giải Nhì. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với Heineken Việt Nam trong việc thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm năng lượng, hướng tới phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố.

Một số sản phẩm được sản xuất từ rác thải và tái chế của Tetra Pak

    Là một doanh nghiệp hàng đầu có tinh thần trách nhiệm và kinh doanh bền vững, Tetra Pak tập trung vào 4 lĩnh vực chính để đạt được mục tiêu không phát thải khí nhà kính trong các hoạt động vận hành của công ty vào năm 2030 và hiện thực hóa tham vọng này cho toàn bộ chuỗi giá trị vào năm 2050, bao gồm: Giảm phát thải từ năng lượng; Hợp tác với các nhà cung cấp và các bên liên quan trong chuỗi giá trị để giảm đáng kể lượng khí thải carbon; Đẩy nhanh công tác phát triển danh mục thiết bị và vỏ hộp giấy đựng đồ uống ít phát thải carbon; Phát triển chuỗi giá trị tái chế bền vững. Nhà máy của Công ty tại Bình Dương là một trong những nhà máy đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ LEED Vàng phiên bản 4, phiên bản khắt khe nhất về môi trường được công nhận toàn cầu. Trung bình, Nhà máy có thể tiết kiệm 36% năng lượng tiêu thụ và tái sử dụng 17,6 triệu lít nước mỗi năm. Đầu năm 2022, Tetra Pak đã đầu tư 1,2 triệu Euro để lắp đặt một dây chuyền tách giấy hiện đại theo công nghệ của châu Âu tại nhà máy tái chế giấy của Đồng Tiến, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV-2022. Kết quả ban đầu cho thấy, vỏ hộp có màng bảo vệ từ sợi sẽ giúp làm giảm đáng kể lượng phát thải CO2 so với các vỏ hộp giấy tiệt trùng truyền thống, đồng thời đảm bảo thời hạn sử dụng và đặc tính bảo vệ thực phẩm tương đương. Mặc dù mảnh hơn sợi tóc người, lớp màng nhôm bên trong vỏ hộp giấy tiệt trùng hiện tại đã tạo ra khoảng một phần ba lượng khí thải nhà kính liên quan đến nguyên liệu nền. Bên cạnh đó, vỏ hộp có hàm lượng giấy cao cũng được ưa chuộng hơn tại các nhà máy giấy; do đó, ý tưởng này cho thấy tiềm năng rõ ràng của việc hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon trong ngành bao bì. Ngoài ra, với chất lượng bột giấy tái chế được nâng cao, Công ty Đồng Tiến sẽ đầu tư 2,3 triệu euro vào hệ thống nhà xưởng và dây chuyền sản xuất giấy kraft (loại giấy hiện đang rất được ưa chuộng trên thế giới). Việc hỗ trợ xây dựng năng lực tái chế vỏ hộp giấy tại địa phương nằm trong chiến lược hình thành nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon của Tetra Pak trên toàn cầu, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc đồng hành cùng các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống thực hiện trách nhiệm thu gom bao bì sau khi sử dụng.

    Để hoạt động thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đạt quy mô lớn và rộng khắp, Tetra Pak đang hợp tác với các nhà bán lẻ lớn như Mega Market, AEON MALL… mở rộng các điểm thu gom vỏ hộp giấy tại các thành phố lớn. Bên cạnh 63 điểm thu gom công cộng mà Tetra Pak cùng với các đối tác đã và đang triển khai tại Việt Nam, Công ty cũng hợp tác để đưa vỏ hộp giấy vào danh mục thu gom của ứng dụng VECA trên điện thoại thông minh. Cùng với đó, Tetra Pak đã cùng với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ và nhập khẩu sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO) với mục tiêu là toàn bộ bao bì do các thành viên trong Liên minh cung cấp cho thị trường Việt Nam sẽ được thu gom và tái chế vào năm 2030.

    Từ ngày 14 - 16/6/2022, Hội nghị Sữa toàn cầu lần thứ 15 đã được tổ chức tại Pháp, với sự tham dự của gần 200 tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới với nhiều báo cáo, bài trình bày về các xu hướng phát triển bền vững của ngành Sữa trên toàn cầu. Vinamilk là đại diện duy nhất của ngành Sữa Việt Nam và Đông Nam Á, được mời để chia sẻ về định hướng phát triển bền vững thông qua mô hình Trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm. Việc Vinamilk xây dựng hệ thống trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm ngay trong 2 năm gặp nhiều tác động vì dịch Covid-19 đã nhận được sự đánh giá cao tại Hội nghị. Điều này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của doanh nghiệp trong việc thực hiện các chiến lược phát triển bền vững.

    Cụ thể, mô hình Green Farm đã được Vinamilk xây dựng dựa trên 3 khía cạnh chủ đạo. Một là, chọn lọc đầu vào kĩ lưỡng. 3 trang trại Vinamilk Green Farm đặt tại Tây Ninh, Quảng Nam và Thanh Hóa, nằm trong hệ thống 13 trang trại tại Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở các trang trại hiện đại nhất và đạt chuẩn Global G.A.P. Hệ thống trang trại Green Farm của Vinamilk có tổng diện tích gần 950 ha, quản lý đàn bò sữa hơn 20.000 con nhập khẩu từ Mỹ, Úc, New Zealand, thuần chủng 100%. Hai là, thực hành nông nghiệp tái tạo với 100% các trang trại Green Farm sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời. Hệ thống xử lý chất thải hiện đại cùng công nghệ biogas giúp Giảm thiểu đáng kể lượng phát thải CO2, chuyển hóa chất thải thành các tài nguyên như: phân bón hữu cơ cho đồng cỏ, khí metan để thanh trùng sữa cho bê, sấy cỏ làm thức ăn cho đàn bò. Các trang trại Green Farm đều thực hiện canh tác theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu và ứng dụng vòng tuần hoàn tái tạo đất để quản lý tài nguyên. Một phần diện tích đất của trang trại được dành xây dựng các hồ điều hòa sinh học, giúp làm mát không khí cho đàn bò sữa tại các vùng khí hậu khô, nóng và góp phần tạo nên vòng tuần hoàn nước tại trang trại. Ba là, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp bền vững. Vinamilk Green Farm có hệ thống làm mát hiện đại, đảm bảo nhiệt độ chuồng luôn dưới 280C, giúp đàn bò sữa thoải mái, cho năng suất sữa cao cùng chất lượng sữa tươi nguyên liệu tốt nhất và tuyệt đối không sử dụng hoóc môn tăng trưởng trong chăn nuôi. Bên cạnh nguồn sữa tươi nguyên liệu đến từ các trang trại, sản phẩm sữa tươi Vinamilk Green Farm còn được đảm bảo yếu tố bền vững ở khâu sản xuất như: các nhà máy sản xuất sản phẩm sữa tươi 100% Green Farm đều đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế, có hệ thống xử lý chất thải hiện đại đảm bảo 100% nước thải được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường; triển khai đánh giá xác thực PAS 2060 về quản lý phát thải và trung hòa khí nhà kính.

    Có thể nói, Vinamilk luôn nhận thức, phát triển bền vững không phải chỉ là một đích đến, mà là một hành trình và là xu thế không thể đảo ngược của sự phát triển. Duy trì và tạo ra những giá trị bền vững đã, đang và sẽ là phương châm mà Vinamilk hướng đến khi phát triển và mang đến những sản phẩm không chỉ có chất lượng tốt nhất cho con người, mà còn cho thiên nhiên vì một tương lai khỏe mạnh và bền vững cho các thế hệ sau này.

Ông Nguyễn Quang Trí - Giám đốc Điều hành Marketing của Vinamilk chia sẻ về câu chuyện của "Green Farm” tại Hội nghị Sữa toàn cầu lần thứ 15

    Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg. Theo đó, cả nước có 1.912 cơ sở phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn của Bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3/2023 và tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025 để thẩm định. Theo quy định, cứ hai năm một lần, Thủ tướng Chính phủ sẽ ra quyết định điều chỉnh, cập nhật danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở sẽ sớm ra khỏi danh mục nếu đẩy mạnh triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính. Với cơ sở phát thải vượt quá hạn ngạch, có thể áp dụng các hình thức đấu giá, chuyển giao, vay mượn, sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước (sẽ vận hành thí điểm từ năm 2025). Nếu vẫn không đủ, cơ sở sẽ phải nộp tiền thanh toán cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá, đồng thời, khấu trừ vào vào hạn ngạch phân bổ cho giai đoạn cam kết sau đó. Những quy định trên sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ uống nói riêng phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững… để cùng chung tay tiến tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Vũ Thị Hoa

Hiệp hội Phát triển văn hóa du lịch Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Môi trường không khí năm 2022)

Ý kiến của bạn