Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

09/05/2022

    Hiện nay, lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Thái Bình ngày càng gia tăng tạo áp lực cho công tác quản lý BVMT của địa phương. Trước thực trạng trên, tỉnh Thái Bình đã và đang kêu gọi đầu tư các dự án xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giải quyết “bài toán” rác thải lâu dài. Cùng với đó, tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường theo quy định của Luật BVMT năm 2020. Phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Thái Bình về công tác quản lý, thu gom, xử lý CTR sinh hoạt và việc triển khai áp dụng quy định mới của Luật BVMT năm 2020 vào thực tế tại địa phương trong thời gian tới.

              

Ông Hoàng Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Thái Bình

PV: Xin ông cho biết hiện trạng phát sinh lượng CTR và kết quả công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý CTR tại địa phương hiện nay?

Ông Hoàng Văn Ngoạn: Hiện nay, tổng lượng CTRSH trên địa bàn tỉnh Thía Bình hiện nay khoảng 990 - 1.045 tấn/ngày. Thực tế hiện nay, việc phân loại tại nguồn phát sinh mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương mang tính thử nghiệm và khuyến khích. Các chất thải tái chế thường được các hộ gia đình, người đi thu gom, ve chai thu nhặt và bán tái chế. Mặt khác, các địa phương chưa có thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại chất thải được phân loại. Do vậy, trong nhiều trường hợp chất thải được vận chuyển chung trong cùng thiết bị, phương tiện, dẫn đến việc phân loại tại nguồn đạt hiệu quả chưa cao.

    Về công tác thu gom, tại đô thị, chất thải phát sinh tại các hộ gia đình thông thường được các đơn vị thu gom theo giờ nhất định, các phương tiện xe thủ công được người thu gom sử dụng để chuyển rác thải ra các điểm tập kết, từ đó đưa lên xe vận chuyển về cơ sở xử lý. Còn ở nông thôn, 100% các địa phương đã thành lập tổ, đội thu gom, CTRSH phát sinh trong dân cư được các hộ dân tập kết tại các điểm tập kết ven các trục đường thôn, xã, thị trấn; tần suất từ 2 - 3 lần/tuần công nhân vệ sinh tại các xã, thị trấn tổ chức thu gom bằng các phương tiện như xe đẩy tay, xe lôi, xe gắn máy, một số ít xã có ô tô chuyên dùng vận chuyển về khu xử lý rác.

    Trong công tác xử lý CTRSH, đối với khu vực TP. Thái Bình, toàn bộ lượng CTRSH được công nhân vệ sinh tại các phường, xã thu gom từ các hộ gia đình, công sở, trường học, chợ, vỉa hè, lòng đường, các khu công cộng… tập kết tại 31 điểm trung chuyển rác, sau đó vận chuyển bằng xe ép rác chuyên dụng đưa về Nhà máy xử lý rác TP. Thái Bình phân loại sơ bộ và xử lý theo công nghệ đốt kết hợp chôn lấp, Nhà máy hiện hoạt động 2 lò đốt công nghiệp với công suất 4 tấn/giờ/lò. Phương tiện vận chuyển gồm 16 xe cơ giới chuyên dụng và 150 xe đẩy tay chuyên dụng đáp ứng đủ khả năng thu gom, vận chuyển lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP.

    Tại huyện Quỳnh Phụ, có 01 Nhà máy xử lý CTRSH - Công ty cổ phần thương mại Thành Đạt xử lý rác thải sinh hoạt cho 15 xã, thị trấn với quy mô công suất 50 tấn/ngày. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 101 lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ, 124 bãi chôn lấp CTRSH xử lý rác thải cho các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Các lò đốt có công suất thiết kế dao động từ 300 - 1.000kg/giờ, được đầu tư với kinh phí 64.495 triệu đồng (500 triệu đồng/xã); hỗ trợ xử lý là 51.528 triệu đồng (15.000/người/năm).

PV: Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật có những quy định mới như: Giấy phép môi trường, khoảng cách an toàn khu dân cư, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất quản lý chất thải…, Sở có hoạt động gì để tuyên truyền, triển khai hiệu quả các nội dung này đến người dân và doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Ngoạn: Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành tới cán bộ, doanh nghiệp… và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, vừa qua, tỉnh Thái Bình đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền Luật đi vào đời sống, cụ thể: Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh Thái Bình ban hành Văn bản số 1451/UBND-NNTNMT ngày 16/4/2021 về việc triển khai Luật BVMT năm 2020, theo đó, yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và từng đối tượng, địa bàn. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở TN&MT đăng tải thông tin tuyên truyền thực hiện Luật BVMT năm 2020 và các văn bản dưới Luật hướng dẫn thi hành lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của Sở, gửi văn bản đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh biết, thực hiện.

    Để triển khai thi hành Luật, ngày 11/2/2022, Sở TN&MT tỉnh đã ban hành Văn bản số 233/STNMT-CCBVMT gửi các Sở, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức thuộc tỉnh; UBND huyện, TP, xã, phường, thị trấn; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh về việc triển khai Luật BVMT năm 2020 và các văn bản dưới Luật hướng dẫn thi hành. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chủ động nghiên cứu các quy định mới của Luật để thực hiện hiệu quả…

Các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã thành lập tổ thu gom rác thải và hoạt động hiệu quả

PV: Để quản lý CTR hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh có những giải pháp cũng như đề xuất, kiến nghị gì để công tác quản lý BVMT nói chung và CTRSH nói riêng trên địa bàn theo quy định của Luật BVMT năm 2020?

 Ông Hoàng Văn Ngoạn: Để nâng cao công tác quản lý nhà nước về BVMT theo quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiệu quả, Sở TN& MT tập trung vào một số giải pháp sau:

    Thứ nhất, tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 75, 76, 77, 78, 79, 80 Luật BVMT năm 2020; Điều 58, 59, 60, 61, 62, 63 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; Điều 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT cho cán bộ môi trường cấp huyện, địa chính xã, các đơn vị thu gom, vận chuyển rác và người dân trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định pháp luật về quản lý rác thải thông qua các phương tiện phát thanh, truyền hình, cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

    Thứ hai, tập trung phân loại rác tại nguồn; đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý CTRSH; nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý CTRSH hiện đại, thân thiện môi trường, theo hướng giảm thiểu lượng CTRSH chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải.

     Thứ ba, lập quy hoạch chi tiết các khu xử lý CTRSH tập trung, kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án xử lý chất thải có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và hoàn thành thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư khu xử lý CTRSH tập trung.

    Thứ tư, không hỗ trợ và khuyến khích đầu tư mới khu xử lý CTRSH theo công nghệ lò đốt thủ công, quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh; không để phát sinh các điểm tập kết CTRSH tại các khu vực công cộng; Không hỗ trợ kinh phí xử lý CTRSH cho địa phương thực hiện thu gom, phân loại, xử lý CTRSH không đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó, tỉnh Thái Bình sẽ chuyển dịch dần và thay thế bằng việc đầu tư các nhà máy xử lý CTRSH quy mô cụm xã, cấp huyện hoặc liên huyện.

    Thứ năm, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về BVMT; thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung về BVMT; nghiêm cấm hành vi đổ trộm chất thải ra môi trường…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Châu Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)

 

Ý kiến của bạn