Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị

14/04/2022

    Trong Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022, Chính phủ đặt ra 9 nhiệm vụ cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị.

(1) Lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp quốc gia và cấp tỉnh, đặc biệt chú trọng các đô thị lớn, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí.

(2) Đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm quan trắc không khí tự động ở các đô thị lớn; thường xuyên cảnh báo, công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I.

(3) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông công cộng, vận tải hành khách khối lượng lớn (MRT), hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn. Tăng cường xây dựng, mở rộng diện tích công viên, cây xanh, giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn trong các đô thị và khu dân cư.

(4) Tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, rà soát, hoàn thiện và ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; từng bước nâng cao tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu.

(5) Thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới, thân thiện với môi trường (xe đạp, xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo); xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.

(6) Kiểm soát, ngăn chặn các vi phạm trong quản lý, hoàn thiện tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng xăng dầu, chú trọng tiêu chuẩn dầu diesel; phát triển và ứng dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

(7) Kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng đô thị; kiểm soát việc đốt phụ phẩm cây trồng ngoài đồng ruộng ở các vùng ven đô.

(8) Xây dựng lộ trình, tiến tới loại bỏ việc sử dụng bếp than trong sinh hoạt ở các đô thị. Xây dựng và áp dụng các quy định, tiêu chuẩn về BVMT không khí trong nhà.

(9) Tăng cường kiểm soát các cơ sở công nghiệp có nguồn khí thải lớn như nhiệt điện, xi măng, thép, hóa chất...; khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, nhiên liệu và năng lượng.

    Ô nhiễm không khí là mối đe dọa lớn đối với môi trường, xã hội và sức khỏe con người. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, tình trạng môi trường không khí bị ô nhiễm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ TN&MT, trong giai đoạn vừa qua, ô nhiễm không khí ở nước ta tiếp tục là một trong các vấn đề nóng về môi trường. Môi trường không khí bị ô nhiễm chủ yếu là bụi (TSP, PM10, PM2.5), đặc biệt là ô nhiễm bụi ở các đô thị lớn, ở một số khu công nghiệp, một số khu vực khai thác khoáng sản và ở một số làng nghề.

Đức Anh

Ý kiến của bạn