Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Tăng cường hiệu quả quản lý các khu dự trữ sinh quyển thế giới, thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam

25/11/2022

    Ngày 25/11/2022, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác quản lý các khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) ở Việt Nam: Hiện trạng và định hướng trong bối cảnh mới”. Hội thảo nhằm nêu một số kết quả ban đầu của Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất khung hướng dẫn quản lý KDTSQTG được UNESCO công nhận tại Việt Nam”.

    Năm 2021 - 2022 là giai đoạn đầu tiên của Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT và các KDTSQTG thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất khung hướng dẫn quản lý KDTSQTG  được UNESCO công nhận tại Việt Nam”. Trong năm qua, Đề tài đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra theo đúng tiến độ, xây dựng được cơ sở khoa học và thực tiễn về quản lý khu dự trữ sinh quyển Việt Nam. Trên cơ sở đó, Đề tài đang triển khai xây dựng các mô hình quản lý khu dự trữ sinh quyển phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương cụ thể, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý các KDTSQTG theo khuyến nghị của UNESCO và thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo

    Việt Nam hiện có 11 KDTSQTG nằm rải rác trên khắp chiều dài đất nước với các giá trị đa dạng sinh học cao. Các KDTSQTG ở Việt Nam vô cùng đa dạng với các hệ sinh thái (HST) như HST biển đảo (Cát Bà); HST rừng ngập mặn ven biển và biển (châu thổ sông Hồng, Cù Lao Chàm - Hội An, Cần Giờ, Kiên Giang, Mũi Cà Mau); HST rừng nhiệt đới gió mùa (Tây Nghệ An); HST rừng nhiệt đới (LangBiang); HST rừng trên đất liền và đất ngập nước nội địa (Đồng Nai); HST rừng bán khô hạn (Núi Chúa). Điều này dẫn đến sự khác biệt về tài nguyên thiên nhiên cũng như cơ cấu các bên liên quan, thể chế và quản lý của từng khu KDTSQTG.

    Hiện nay, trong công tác quản lý, các KDTSQTG ở Việt Nam gặp một số khó khăn như KDTSQTG vẫn chưa được đưa vào hệ thống pháp luật quốc gia như một thể chế thống nhất, dẫn đến việc thiếu khung pháp lý liên quan đến quản lý, giám sát các KDTSQTG. Cơ cấu quản lý các KDTSQTG chưa thống nhất và không được phân định đầy đủ ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương. Sự phối hợp liên ngành trong công tác lập kế hoạch và quản lý KDTSQTG ở Việt Nam bị giới hạn địa giới hành chính do thiếu các hướng dẫn về quản lý nên các kế hoạch quản lý hiện nay đều là sáng kiến của địa phương. Việc xây dựng và thực hiện cơ chế điều phối, hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan tại các KDTSQTG còn thiếu và thực hiện chưa hiệu quả. Nguồn nhân lực cho hoạt động quản lý KDTSQTG còn hạn chế, cán bộ quản lý chủ yếu là kiêm nhiệm và thiếu những kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết… Vì vậy, việc cần có các quy định pháp luật rõ ràng và cụ thể cho các KDTSQTG là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh toàn cầu và Việt Nam, nhưng quy định như thế nào để vẫn tạo điều kiện cho hoạt động của KDTSQTG, đồng thời tránh chồng chéo và đảm bảo điều kiện cho tính mở, linh hoạt của mô hình là một vấn đề cần cân nhắc.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày tham luận như một số kết quả đạt được của Đề tài sau một năm thực hiện; Cơ hội và thách thức đối với công tác quản lý các KDTSQTG ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; Mô hình tổ chức quản lý KDTSQTG: Kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn Việt Nam và các đề xuất; Nguyên tắc và tiêu chí quản lý bền vững khu KDTSQTG ở Việt Nam; Xây dựng và quản lý các mô hình sản xuất bền vững của cộng đồng ở các phân vùng chức năng của KDTSQTG ở Việt Nam… Qua đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đi đến thống nhất trong việc đề xuất xây dựng khung hướng dẫn quản lý các KDTSQTG được công nhận tại Việt Nam dựa trên các nội dung Hướng dẫn kỹ thuật cho KDTSQTG do UNESCO ban hành, cũng như các quy định của Việt Nam như Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và một số văn bản liên quan khác.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn