Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tăng cường công tác quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam

14/09/2022

    Ngày 13/9/2022, tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tổ chức Tọa đàm “Giải pháp quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam” nhằm giảm tác động của hoạt động nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại đối với các quần thể ĐVHD trong tự nhiên. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và một số cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, tổ chức bảo tồn.

    Trong những năm gần đây, hoạt động gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại tiếp tục là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận bởi những tác động của hoạt động này tới công tác bảo tồn, bảo vệ ĐVHD. Hoạt động gây nuôi ĐVHD được xem là một công cụ phát triển kinh tế nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến quần thể loài trong tự nhiên nếu không được kiểm soát chặt chẽ cũng như gia tăng rủi ro lan truyền các dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ ĐVHD.

    Tại Việt Nam hiện đang có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại ĐVHD đã được cấp phép và ước tính còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc đang trong quá trình chờ cấp phép. Thực tế cho thấy, cơ chế quản lý chưa chặt chẽ và thiếu sự giám sát hiệu quả đối với hoạt động nuôi thương mại ĐVHD đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng nhằm thu lợi bất chính từ việc nhập lậu và hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp. Một số cơ sở đã và đang nuôi nhốt ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp trong một thời gian dài trước khi đăng ký với cơ quan chức năng, hoặc nuôi các loài không phải là loài được cấp phép. Chính vì vậy, hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất nước.

Ông Thomas Lyons - Đại diện Đại sứ Quán Hoa Kỳ phát biểu tại Tọa đàm 

    Trong khi đó, tình trạng buôn bán động vật hoang dã trên thế giới có những diễn biến phức tạp. Theo ông Thomas Lyons - Đại diện Đại sứ Quán Hoa Kỳ,  giá trị ước tính của tội phạm xuyên quốc gia về môi trường là từ 70 tỷ đến 200 tỷ đô la một năm với mạng lưới tội phạm chính trải dài khắp châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh. Ngoài tác động tàn phá của nó đối với hệ sinh thái và động vật, tội phạm về ĐVHD còn là mối đe dọa trực tiếp đối với nền pháp quyền và trật tự quốc gia. Các tội phạm này tạo tiền đề cho các loại tội phạm khác như tham nhũng, rửa tiền, buôn lậu quốc tế và thương mại bất hợp pháp. Điều này không chỉ là mối đe dọa đối với sự giàu mạnh, độc lập của Việt Nam mà còn là ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và an ninh trên toàn thế giới.

    Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD và triệt tiêu được tình trạng gian lận trong công tác quản lý gây nuôi ĐVHD tại Việt Nam, một trong những giải pháp mang tính khả thi cao là cần ban hành Danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại trong những loài thuộc danh mục này. Việc ban hành Danh mục sẽ giúp giải quyết các lỗ hổng trong quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam. Cụ thể là bảo đảm tất cả các loài ĐVHD không phù hợp cho nuôi thương mại không bị nuôi nhốt, buôn bán trái phép hay nhập lậu vào các cơ sở nuôi thương mại. Quy trình cấp phép đơn giản, nhanh chóng, cán bộ quản lý chỉ cần đối chiếu loài được đăng ký với Danh mục loài ĐVHD được phép nuôi thương mại và cấp phép nếu cơ sở đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mà không cần thực hiện thêm các thủ tục xác nhận với cơ quan khoa học. Bên cạnh đó, chủ cơ sở nắm rõ những loài được phép nuôi thương mại và đầu tư nguồn lực phù hợp cho hoạt động nuôi. Danh mục được ban hành có thể đi kèm với quy trình đăng ký được đơn giản hóa tạo điều kiện cho các cơ sở nuôi và Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại được cập nhật hàng năm từ đề xuất của người nuôi, cơ quan quản lý sau khi tham vấn ý kiến của cơ quan khoa học, đảm bảo tạo điều kiện cho người nuôi.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm

    Tại buổi Tọa đàm, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc, ENV chia sẻ: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế là cơ chế quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD hiện tại vừa chưa rõ ràng vừa không đủ hiệu quả để ngăn chặn tình trạng nhập lậu, buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Việc ban hành Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại ĐVHD chỉ trong những loài này là một giải pháp đơn giản, hữu hiệu, góp phần định hướng cho người nuôi và tạo điều kiện cho công tác quản lý, từ đó bảo vệ tốt hơn các quần thể loài ĐVHD trong tự nhiên”.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

    Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, để phát triển bền vững nghề gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại cần đảm bảo các yếu tố đó là: Có quy hoạch hợp lý về vùng nuôi, đối tượng nuôi và quy mô nhân nuôi; Có đánh giá và dự báo thị trường; Có hướng dẫn kỹ thuật nuôi và đánh giá rủi ro; Quản lý và giám sát hiệu quả. Những loài nên đưa vào nuôi thương mại bao gồm các loài sinh sản tốt trong điều kiện nuôi nhốt, có hiệu quả kinh tế và không bị đe dọa tuyệt chủng trong tự nhiên.

    Việc ban hành một danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi vì mục đích thương mại là giải pháp bước đầu được kì vọng có thể ngăn chặn tình trạng lợi dụng lỗ hổng pháp luật về quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD, loại bỏ những tác động tiêu cực của hoạt động này đối với các loài ĐVHD đang bị đe dọa và đơn giản hóa đáng kể các thủ tục cho cả người nuôi và cơ quan quản lý trên toàn quốc. Về lâu dài, giải pháp này cũng cần kết hợp cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách và tăng cường thực thi pháp luật để quản lý toàn diện, hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD vì lợi ích bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tương lai an toàn cho các loài ĐVHD, đồng thời cho phép người dân phát triển kinh tế và tăng lợi nhuận mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên.

                        Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn