Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Sự tham gia, đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực bảo vệ nguồn nước và quản lý rác thải

05/10/2022

    Phụ nữ là đối tượng chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường nhưng đồng thời cũng là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác BVMT, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ tại các địa phương trên phạm vi cả nước được xây dựng, duy trì, nhân rộng, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động BVMT của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ cũng như cộng đồng. Để hiểu rõ hơn những đóng góp của phụ nữ trong công tác BVMT, cụ thể là trong hai lĩnh vực bảo vệ nguồn nước và quản lý rác thải (QLRT), phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn bà Đoàn Vũ Thảo Ly - Phó Giám đốc phụ trách về giới và môi trường, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR).

    PV: Bà có thể chia sẻ một số chính sách mà Việt Nam đã ban hành liên quan đến nội dung thúc đẩy bình đẳng giới cũng như những điều luật về BVMT có sự tham gia của cộng đồng và phụ nữ?

    Bà Đoàn Vũ Thảo Ly: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến bình đẳng giới (BĐG), đề cập đến việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia trong quá trình ra quyết định. Cụ thể, năm 2002, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010, đến năm 2006 Quốc hội thông qua Luật BĐG. Theo đó, chính sách, pháp luật về BĐG của Việt Nam được xây dựng dựa theo các chuẩn mực, nguyên tắc Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW). Đặc biệt, Luật BĐG đã định nghĩa “BĐG là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực cá nhân cho sự phát triển của cộng đồng, gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. Luật BĐG cũng quy định việc lồng ghép giới là thủ tục pháp lý bắt buộc khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp đó, từ tháng 12/2007, Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về BĐG; Năm 2010, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 - 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 - 2015.

Bà Đoàn Vũ Thảo Ly - Phó Giám đốc phụ trách về giới và môi trường, CECR

    Gần đây nhất, trong Luật BVMT năm 2020, Điều 54 có nêu công tác tổ chức tự quản về BVMT, cụ thể, khoản 1 quy định Nhà nước khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ chức tự quản về BVMT nơi mình sinh sống nhằm thực hiện các nhiệm vụ sau đây: Kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và BVMT; xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước về BVMT; Tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

    PV: Phụ nữ có vai trò như thế nào trong công tác bảo vệ nguồn nước và quản lý rác thải, thưa bà?

    Bà Đoàn Vũ Thảo Ly: Hiện nay, phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc sử dụng, quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Do các chuẩn mực và vai trò giới, nhiều công việc hàng ngày của phụ nữ có tác động trực tiếp đến việc quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, cụ thể như nấu ăn, chăm sóc gia đình, giặt rũ tại hộ gia đình… Tại cộng đồng, phụ nữ là đối tượng luôn tiên phong trong công tác phân loại, thu gom rác thải; ra quân vệ sinh môi trường, làm sạch các dòng sông, suối, ao, hồ địa phương. Có thể thấy, phụ nữ là đối tượng tham gia rất tích cực vào các hoạt động quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước tại cộng đồng, góp phần giảm thiểu, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm nước tại khu vực, giữ gìn môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.  

    Trong lĩnh vực QLRT, phụ nữ tại hộ gia đình và cộng đồng đi đầu về việc phân loại, tái sử dụng, tái chế rác thải, thông qua những hoạt động cụ thể, thiết thực như biến rác thải hữu cơ thành phân compost; phân loại rác thải nhựa, rác tái chế để chuyển cho công ty tái chế, góp phần giảm thiểu tối đa lượng rác thải đưa ra bãi chôn lấp, đóng góp trực tiếp vào giảm thiểu khí nhà kính từ bãi chôn lấp. Trong hoạt động của Trung tâm CECR, các nhà khoa học nữ đã xây dựng, tính toán, mỗi hộ gia đình thực hiện phân loại, đóng góp giảm 73,34 kg CO2 tương đương, nếu làm phân composting sẽ giúp giảm 13.00 kg CO2 tương đương. Ngoài ra, mỗi gia đình đóng góp giảm 6.000 đồng cho việc vận chuyển rác ra bãi chôn lấp. Nếu theo cách tính toán này, một phụ nữ làm nghề ve chai sẽ đóng góp giảm 192kg CO2 tương đương/ngày, tức giảm 79 tấn CO2 tương đương/năm và họ cũng tạo ra thu nhập, công việc để nuôi sống gia đình. Ở khu vực nông thôn, việc xây dựng các hầm khí Biogas từ phân chuồng, giúp chị em có thêm khí gas để đun nước sôi, sưởi ấm, nấu bếp, giúp giảm khí CH4, đồng thời nâng cao sức khỏe của phụ nữ, trẻ em, người già và cả vật nuôi, giảm thiểu bệnh tật. 

    Bên cạnh đó, phần lớn các dự án, chương trình liên quan đến QLRT như 3R, phân loại rác tại nguồn, 5 không 3 sạch, hay giảm thiểu rác thải nhựa, đều do Hội phụ nữ các cấp khởi xướng và chỉ đạo thực hiện. Hội viên phụ nữ là những người lan tỏa, hướng dẫn việc thực hiện tại cộng đồng, trường học, cơ quan, gia đình. Với hơn 19 triệu hội viên trên cả nước, trong đó có 105.000 cán bộ hội từ Trung ương đến cấp thôn, bản, Hội phụ nữ chính là tác nhân quan trọng cho việc nâng cao vị thế và năng lực của phụ nữ trong những nỗ lực giảm thiểu rác thải, đặc biệt là chất thải sinh hoạt. Phụ nữ có vai trò khởi xướng, cam kết và tận tâm thực hiện ở các cấp, từ hội phụ nữ đến hộ gia đình trong các dự án phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn, kết hợp với công việc của những người phụ nữ hoạt động trong khu vực không chính thức, đã góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu mức tiêu thụ, tăng cường thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt. Nhờ đó thu hồi được lượng lớn rác tài nguyên để tái chế, tái sử dụng, làm giảm đáng kể lượng rác, chi phí thu gom, xử lý rác thải, giảm áp lực cho các bãi chôn lấp, cơ sở xử lý rác và công tác BVMT.

Phụ nữ là lực lượng tiên phong thực hiện thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế rác thải

    Dẫn chứng cụ thể như Dự án “Vì một đại dương không nhựa” do CECR phối hợp với Hội phụ nữ Đà Nẵng thực hiện tập trung vào việc giảm sử dụng túi ni lông và phân loại rác tại nguồn. Kết quả thực hiện cho thấy, trung bình mỗi tháng một hộ gia đình tại Đà Nẵng có thể thu gom từ 2 - 3 kg rác để tái chế và 17 kg rác hữu cơ để ủ phân bón. Với 600 hộ tham gia Dự án, hàng tháng có tới 1.600 kg rác được thu gom, phân loại cho mục đích tái chế, tái sử dụng (rác tài nguyên). Mỗi ngày, một người thu gom ve chai có thể thu bình quân khoảng 30 kg rác tài nguyên, như vậy, với số lượng 300 người làm nghề ve chai trên địa bàn Thành phố có thể thu gom, phân loại khoảng hơn 250 tấn rác tài nguyên/tháng.

    PV: Những khó khăn, thách thức đối với phụ nữ khi tham gia hoạt động này là gì, thưa bà?

    Bà Đoàn Vũ Thảo Ly: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, khi tham gia vào công tác bảo vệ nguồn nước và QLRT, phụ nữ cũng gặp những khó khăn nhất định. Trong lĩnh vực bảo vệ nguồn nước, các thông tin, nghiên cứu về sự đóng góp cộng đồng, trong đó có phụ nữ tham gia bảo vệ nguồn tài nguyên nước còn rất hạn chế. Theo Báo cáo của CECR xuất bản năm 2015, phụ nữ có mối quan tâm rất đặc biệt về sinh kế và các vấn đề môi trường như nước uống, ô nhiễm các dòng sông, đồng ruộng, ô nhiễm không khí và những tác động của ô nhiễm đến sức khỏe của họ cũng như các thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế phụ nữ lại không được tham vấn ý kiến trong quá trình xây dựng kế hoạch quản lý nước hay các chương trình cải thiện chất lượng không khí. Bên cạnh đó, vai trò của phụ nữ còn tương đối mờ nhạt và chưa được cụ thể trong các văn bản, chính sách liên quan đến BVMT. Việc phụ nữ có tham gia vào các dự án quản trị nước còn khá mới mẻ và chiếm tỷ lệ thấp (dưới 10% người tham gia quản trị nguồn nước là phụ nữ). Một trong những nguyên nhân chính là do định kiến giới còn hiện hữu trong văn hóa của Việt Nam. 

    Hay trong lĩnh vực QLRT, các chị em thu gom phế liệu là lực lượng thu gom đông đảo ở Việt Nam, tuy nhiên họ phải đối mặt với sự không công nhận của xã hội, bị phân biệt đối xử. Họ tiếp cận hạn chế với bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và đang phải làm việc hơn 8 giờ/ngày trong điều kiện không có công cụ bảo hộ nên mức độ phơi nhiễm bệnh tật cao như bệnh khớp, sốt xuất huyết, viêm phổi/viêm phế quản và các bệnh về da…

    PV: Để tiếp tục thúc đẩy BĐG và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào công tác BVMT trong thơi gian tới, bà có đề xuất/kiến nghị gì?

    Bà Đoàn Vũ Thảo Ly: Từ thực tế nêu trên, để tiếp tục thúc đẩy BĐG và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào công tác BVMT, tôi có một số kiến nghị như sau:

  • Tăng cường hợp tác và điều phối giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhằm trao đổi kinh nghiệm, tìm ra những cách thức bền vững đề thúc đẩy BĐG trong công tác BVMT, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ nguồn nước, QLRT, sáng kiến dựa vào cộng đồng và hệ sinh thái nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh.

  • Xây dựng chương trình tăng cường năng lực về kỹ thuật cho các tổ chức phụ nữ, phụ nữ cộng đồng, nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số về BVMT bền vững. 

  • Tiếp tục có nhạy cảm giới khi xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến BVMT. 

  • Khuyến khích và thúc đẩy sáng kiến do phụ nữ khởi xướng hoặc phụ nữ làm chủ, tạo cơ hội để phụ nữ được tiếp cận các nguồn lực tài chính, trao quyền năng về kinh tế cho phụ nữ ở các vùng, ngành nghề dễ bị tổn thương trong công tác BVMT. 

  • Tìm kiếm, chia sẻ chương trình, nguồn lực tài chính tới các đơn vị cơ sở, tổ chức cộng đồng, thành viên mạng lưới để lan toả các sáng kiến về bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa, rác thải sử dụng một lần do phụ nữ khởi xướng.

  • Thúc đẩy BĐG và tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ, công nhận đóng góp của các chị em phụ nữ phi chính thức trong công tác BVMT cũng là một trong những nội dung quan trọng để giảm thiểu bất BĐG.

    PV: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn!

Bùi Hằng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2022)

Ý kiến của bạn