Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

26/07/2024

    Ngày 10/7/2024, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã ký Quyết định số 1899/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch của Bộ TN&MT thực hiện Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 7/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

    Theo đó, Quy hoạch yêu cầu bảo đảm tính kế thừa đối với các chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt; tính liên kết, thống nhất giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bộ, ngành và địa phương. Đồng thời bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bộ, ngành và địa phương nhằm thực hiện đồng bộ, phù hợp giữa kế hoạch với nguồn lực và các giải pháp, chính sách khả thi trong triển khai thực hiện Quy hoạch và hoàn thành các mục tiêu của Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TM&MT thực hiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

    Cụ thể, Kế hoạch bao gồm 5 nội dung chính như sau: Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách và hướng dẫn kỹ thuật về quan trắc môi trường; Tổ chức triển khai các hoạt động quan trắc môi trường theo mạng lưới các điểm quan trắc đã được phê duyệt; Quản lý các thông tin, số liệu quan trắc môi trường hướng tới phục vụ cho mục tiêu cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường; Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; Đào tạo và tăng cường năng lực.

    Về việc hoàn thiện thể chế chính sách và hướng dẫn kỹ thuật về quan trắc môi trường: rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quan trắc môi trường và các quy định pháp luật có liên quan đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tế quản lý; xác định các vấn đề mới phát sinh cần điều chỉnh, sửa đổi và đề xuất đưa vào chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ TN&MT; Hoàn thành xây dựng và ban hành Thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động quan trắc môi trường phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng quy định về quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học; Xây dựng quy định về quy trình và định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường; công bố, công khai thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường; Rà soát, cập nhật các phương pháp kỹ thuật quan trắc môi trường trong quá trình sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; Nghiên cứu, bước đầu đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích, tăng cường xã hội hóa hoạt động quan trắc môi trường, huy động sự tham gia của các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động quan trắc chất lượng môi trường; Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ hiệu quả cho công tác quan trắc môi trường.

    Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách, cần tổ chức triển khai các hoạt động quan trắc môi trường theo mạng lưới các điểm quan trắc đã được phê duyệt. Trong đó, tiếp tục duy trì đối với 19 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động; nâng cấp, sửa chữa hạng mục cần thiết bảo đảm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về trạm không khí xung quanh tự động, liên tục theo quy định; Hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào sử dụng đối với 18 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục trong Dự án “Đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí (giai đoạn 1)”, đảm bảo việc cung cấp số liệu quan trắc môi trường theo quy định; Tới năm 2030, hoàn thành đầu tư mới đối với 16 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục trong đó bao gồm 06 trạm quan trắc chất lượng không khí nền đại diện cho 06 vùng phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch và sau năm 2030 sẽ triển khai đầu tư bổ sung thêm 15 trạm; Tiếp tục duy trì vận hành đối với 22 trạm quan trắc chất lượng nước tự động, liên tục đã được đưa vào vận hành và chuyển đổi 02 điểm quan trắc chất lượng nước được lồng ghép với Trạm thủy văn Tân Châu (An Giang) và trạm Thủy văn Mỹ Thuận (Vĩnh Long) thành trạm quan trắc chất lượng nước tự động, liên tục theo Quy hoạch được phê duyệt; Tới năm 2030, hoàn thành đầu tư mới đối với 12 trạm quan trắc chất lượng nước tự động, liên tục và sau năm 2030 sẽ triển khai đầu tư bổ sung thêm 23 trạm; Tiếp tục duy trì, vận hành đối với 06 trạm quan trắc chất lượng nước biển.

    Đồng thời, Hoàn thành đầu tư, xây dựng phòng thí nghiệm thuộc Trạm quan trắc môi trường vùng Đông Nam Bộ; Xây dựng các dự án nâng cấp, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, các trạm quan trắc chất lượng môi trường hiện có thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia theo phân kỳ trong Quy hoạch; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật quan trắc môi trường và việc quản lý thông tin, số liệu quan trắc môi trường phục vụ hiệu quả cho hoạt động quan trắc môi trường theo Quy hoạch đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho các chương trình quan trắc môi trường cấp tỉnh; Nghiên cứu, thiết kế, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường quốc gia theo hướng tích hợp hệ thống dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường trên phạm vi cả nước; thực hiện chia sẻ dữ liệu và công bố thông tin chất lượng môi trường tại các điểm quan trắc chất lượng môi trường do trung ương và địa phương quản lý; Tập trung hiện đại hóa và tăng cường năng lực cho các trung tâm xử lý dữ liệu quan trắc môi trường, triển khai một số mô hình chuyển đổi số bảo đảm thông tin đồng bộ, có hệ thống và độ tin cậy cao; Bước đầu xây dựng và phát triển công tác cảnh báo và tiến tới dự báo chất lượng môi trường tại một số thành phố lớn.

    Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, trao đổi thông tin; hướng dẫn, cập nhật các kỹ thuật về quan trắc môi trường và quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường giữa các đơn vị quan trắc môi trường của Trung ương, Bộ, ngành và các địa phương nhằm tăng cường năng lực kỹ thuật cho các cán bộ quan trắc môi trường; Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường trên cơ sở ứng dụng mô hình hoá, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IOT); Xây dựng và phổ biến các hướng dẫn kỹ thuật về quan trắc môi trường cho các cán bộ trong mạng lưới quốc gia và địa phương.

Bảo Bình

Ý kiến của bạn