Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Quảng Trị: Chú trọng thực hiện các giải pháp bảo vệ các loài chim di cư, hoang dã

01/04/2024

    Bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến khoảng cuối tháng 3 năm sau là thời gian các loài chim hoang dã, di cư thường tìm về trú ngụ trên các cánh đồng ở một số huyện như: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh..., tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là thời gian thợ săn chim hoang dã, di cư tìm chọn nơi đặt bẫy ở các cánh đồng lúa đã thu hoạch, có những bụi cây lớn, rậm rạp hoặc những vũng nước nông. Phương tiện săn bắt, bẫy chim là cò mồi, cò giả và lưới “tàng hình” được giăng khắp cánh đồng và dùng loa phát âm thanh giả tiếng dụ chim hoang dã, di cư… Nguyên nhân là do chính quyền địa phương ở một số nơi chưa làm tốt công tác tuyên truyền cũng như tổ chức thực hiện các biện pháp hữu hiệu để bảo tồn chim hoang dã, di cư, dẫn đến việc một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc bảo tồn chim hoang dã, di cư...

    Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn gửi các cơ quan, sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Sở NN&PTNT cũng thực hiện nhiều giải pháp cấp bách như chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Chăn nuôi -  Thú y, các đơn vị lâm nghiệp tăng cường các hoạt động thiết thực để bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD), nhất là các loài chim hoang dã, di cư.

    Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các hạt kiểm lâm, trạm kiểm lâm trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan liên quan tăng cường tuần tra, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, quảng cáo, tiêu thụ trái pháp luật các loại ĐVHD, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư. Đồng thời, chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động & phòng cháy chữa cháy rừng xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, quảng cáo, tiêu thụ trái pháp luật các loại ĐVHD, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư trên các tuyến đường khu vực biên giới Việt Nam - Lào; khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Cửa khẩu quốc tế La Lay, tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 9; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triệt phá dứt điểm các khu chợ, tụ điểm buôn bán các loại ĐVHD, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh.

Bẫy chim và cỏ giả làm bằng xốp được cơ auan chức năng thu gom, tiêu hủy

tại đồng ruộng trên địa bàn huyện Can Lộc (Ảnh: VC)

    Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tham mưu chính quyền các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, bắn chim hoang dã, di cư; không mua bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật ĐVHD, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức ký cam kết không kinh doanh, mua bán, chế biến, tiêu thụ, tàng trữ ĐVHD, đặc biệt là loài chim hoang dã, di cư đối với các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh.

    Kết quả, từ năm 2023 đến nay, các hạt kiểm lâm, trạm kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường bảo vệ chim hoang dã, di cư. Lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ ĐVHD, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư với việc tổ chức 9 đợt tuyên truyền lưu động; 23 cuộc họp thôn với 782 lượt người dân tham gia; 4 cuộc tuyên truyền tại các trường học với hàng trăm học sinh, giáo viên tham gia... Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, ký cam kết không kinh doanh, mua bán, chế biến, tiêu thụ, tàng trữ ĐVHD, đặc biệt là loài chim hoang dã, di cư với 134 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống; 2 cơ sở bán chim cảnh...

    Trong xử lý các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến việc săn, bắt, giết, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, quảng cáo, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, lực lượng kiểm lâm đã tiếp nhận và xử lý 5 vụ vi phạm (trong đó 3 vụ mua bán trái phép và 2 vụ đăng thông tin quảng cáo trên facebook) với số tiền phạt hơn 11 triệu đồng; thu giữ, thả về môi trường tự nhiên 47 cá thể chim hoang dã. Lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 52 đợt tuần tra, kiểm tra và đã tháo dỡ, tịch thu 385 bẫy, 150 m lưới “tàng hình” dùng để bắt chim hoang dã, di cư...

    Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không nuôi nhốt các loài chim hoang dã làm cảnh; không mua bán, vận chuyển, sử dụng sản phẩm từ chim hoang dã, di cư; khuyến khích người dân thông tin, tố giác các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm liên quan đến các quy định quản lý, bảo vệ ĐVHD, đặc biệt là loài chim hoang dã, di cư với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết mổ, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, quảng cáo, tiêu thụ trái pháp luật các loài ĐVHD trong đó có loài chim hoang dã, di cư; tổ chức ký cam kết không kinh doanh, chế biến, tiêu thụ, tàng trữ các loài ĐVHD dã nói chung và loài chim hoang dã, di cư nói riêng với các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn