Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Quảng Ninh: Thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

07/08/2024

    Từ một địa phương có nền kinh tế chủ yếu dựa vào công nghiệp khai thác than, Quảng Ninh đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT - XH), với tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng phát triển bền vững (PTBV); tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt trên 11%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 9.500 USD, gấp đôi mức bình quân chung của cả nước. Hiện nay, Quảng Ninh được đánh giá là trung tâm đổi mới của vùng đồng bằng Bắc bộ, giữ vững vị trí “cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc” và là cửa ngõ giao thông quan trọng, điểm kết nối giao thương của khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Đây là kết quả sau hơn 10 năm nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, gắn phát triển kinh tế với BVMT trên quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng” của chính quyền và người dân địa phương.

1. Hành trình “xanh hóa” nền kinh tế

    Giai đoạn trước năm 2012, khu vực công nghiệp - xây dựng là lĩnh vực chủ đạo (chiếm 52%) trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, tổng thu ngân sách địa phương tại thời điểm này đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, tuy nhiên, tài nguyên khoáng sản là hữu hạn, đi cùng với đó là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sự PTBV cũng như sức khỏe con người. Để giải quyết bài toán này, năm 2012, Quảng Ninh xác định BVMT là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị, là nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương, kế hoạch phát triển KT - XH. Đây là sự đổi mới tư duy mang tầm nhìn chiến lược, là “chìa khóa” mấu chốt, tiền đề mở ra thời kỳ phát triển đột phá của địa phương trong suốt hơn một thập kỷ qua. Từ tháng 7/2015, Quảng Ninh là một trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn triển khai thí điểm xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh (TTX), đến ngày 16/11/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 6970/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp xanh; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH); hướng đến một nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải và tăng lượng hấp thụ khí nhà kính...

    Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh thể hiện rõ quyết tâm gắn liền giữa lợi ích kinh tế và BVMT, đặt môi trường ở vị trí trung tâm, là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển KT - XH bền vững. Với định hướng đó, nhiều chỉ tiêu về môi trường của tỉnh luôn đạt hoặc vượt kế hoạch, minh chứng là 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; 100% khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường và lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát nước thải tự động, liên tục theo quy định; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt đạt 98%... Quảng Ninh cũng là một trong số ít địa phương đã ban hành, triển khai hiệu quả Bộ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường và Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sử dụng vật liệu phao nổi trong nuôi trồng thủy sản, góp phần tái tạo tài nguyên theo vòng tròn khép kín, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

    Phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” tiếp tục được Quảng Ninh khẳng định rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với trọng tâm lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng; lấy phát triển kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục - đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ làm động lực; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và BVMT làm trọng điểm. Cùng với đó, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở đó, đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng nền hành chính hiện đại; phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao... Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển theo mô hình “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” [1]. Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh xây dựng chiến lược cụ thể cho TTX, định hướng phát triển đối với từng ngành, từng lĩnh vực, nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia; phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững; đồng thời, thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo đảm hiệu quả kinh tế - sinh thái, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh, thân thiện với môi trường... góp phần đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đi đầu trong thực hiện Chiến lược TTX quốc gia. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh vừa hoàn thiện, xuất bản Sách trắng về TTX khu vực vịnh Hạ Long với chủ đề “Quảng Ninh nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa (CTN), hướng tới mục tiêu TTX”. Sách do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh thực hiện, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh và hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tác giả là những chuyên gia trong và ngoài nước, cán bộ quản lý liên quan đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường tổng hợp, biên soạn từ các báo cáo KT - XH của tỉnh, tư liệu chuyên môn và nguồn thông tin đại chúng khác, nhằm cung cấp cho bạn đọc khái niệm, kiến thức cơ bản về CTN; ảnh hưởng của CTN đến con người, môi trường, hệ sinh thái; chia sẻ hoạt động quản lý, xử lý CTN trên địa bàn tỉnh cũng như kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giảm thiểu CTN, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để áp dụng tại địa phương.

Quảng Ninh vinh dự nhận Danh hiệu là tỉnh dẫn đầu PGI năm 2023 của cả nước

    Mới đây, ngày 9/5/2024, tỉnh Quảng Ninh được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vinh danh là tỉnh dẫn đầu Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của cả nước năm 2023, với tổng điểm 4 chỉ số thành phần là 26 điểm, trong đó: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của BĐKH (7,41 điểm); đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu (6,18 điểm); vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh (6,68 điểm); chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong BVMT (5,73 điểm) [2]. Từ 4 chiều cạnh để xây dựng lên chỉ số PGI như cảm nhận của DN về mức độ quyết liệt của chính quyền; chất lượng thực thi các chính sách môi trường; mức độ tuân thủ quy định về xả thải; ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường của các DN… cho thấy, việc được công nhận vị trí dẫn đầu PGI là minh chứng cho quan điểm, đường lối chỉ đạo, cách làm đúng đắn của Quảng Ninh, đây cũng là thông điệp thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong việc đồng hành cùng Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, góp phần giải quyết thách thức toàn cầu về BĐKH và vấn đề môi trường hiện nay, được Việt Nam tuyến bố tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26). Năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu tổng điểm được cải thiện từ 26 lên 30 điểm, ưu tiên tập trung cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 2 chỉ số thành phần là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thiên tai, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu. Tỉnh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVMT; hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục nhận thức về quản lý, BVMT, ứng phó với BĐKH [3].

2. Chú trọng thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn

    Khái niệm kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật BVMT 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Thực hiện mục tiêu KTTH, tiết kiệm tài nguyên, chống lãng phí gắn với BVMT, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thông tin, quán triệt tới các cấp, các ngành, DN và người dân về KTTH ngay sau khi Luật BVMT năm 2020 chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án đầu tư công và quá trình xây dựng công trình của người dân cùng các hoạt động KT - XH phát sinh lượng lớn nguồn phế thải xây dựng, đất đá dư thừa đủ điều kiện làm vật liệu san nền, nhưng vấn đề sử dụng, tận thu nguồn vật liệu này gặp nhiều khó khăn, nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính, công tác phân loại vật liệu xây dựng thông thường, phế thải đủ điều kiện làm vật liệu san lấp theo mô hình KTTH còn lúng túng. Kèm theo đó, lượng đất, đá bị thải bỏ từ các hoạt động khai thác khoáng sản (than) trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng hơn 150 triệu m³/năm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

    Để giải quyết bài toán này, tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu và xin chủ trương sử dụng đất, đá thải từ các mỏ than làm vật liệu san lấp mặt bằng, vừa giúp giảm tải các bãi thải, tiết kiệm chi phí, vừa BVMT, thúc đẩy phát triển KT - XH theo hướng bền vững. Về phía Sở Xây dựng cũng chủ động rà soát, phối hợp với các chủ đầu tư có liên quan xác định trữ lượng, khối lượng đất đá, phế liệu từ hoạt động xây dựng công trình, dự án đầu tư và các hoạt động KT - XH - môi trường khác trên địa bàn đủ điều kiện làm vật liệu san lấp. Đồng thời, rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và điều kiện thực tế của địa phương để nghiên cứu, lựa chọn các vị trí phù hợp, lập và phê duyệt phương án tạo lập, cải thiện, nâng cao điều kiện canh tác đất sản xuất hoặc lưu chứa để tận thu khối lượng vật liệu dư thừa theo nguyên tắc không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái, phù hợp với thực tế địa phương, không xung đột với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất. Cùng với đó, xây dựng phương án quản lý, thu gom, tiếp nhận, phân loại và sử dụng các nguồn đất đá rời, đất màu bề mặt, phế liệu để thực hiện mục tiêu KTTH; hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư nhằm tạo sự thống nhất, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu KTTH, BVMT; kiên quyết không để xảy ra tình trạng chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công dựa vào khó khăn nguồn vật liệu đất đắp, vị trí đổ thải, lưu chứa vật liệu dư thừa để kéo dài thời gian thi công, giảm hiệu quả đầu tư các nguồn vốn... Đặc biệt, tháng 5/2023, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1710/BXD-VLXD gửi Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn thủ tục, tiêu chuẩn, kỹ thuật liên quan đến việc thu gom, tái chế chất thải rắn xây dựng để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Trước đó, năm 2020, tỉnh cũng đã phối hợp với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam lên phương án sử dụng đất, đá thải của các mỏ làm vật liệu san lấp, không những giải quyết được bài toán khan hiếm vật liệu san lấp cho các công trình, mà còn tiết kiệm tài nguyên, thu hẹp diện tích các bãi thải mỏ, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển KTTH. Ngày 24/11/2021, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam chính thức khởi động Dự án khai thác, thu hồi đất, đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh và Công ty Chế biến than Quảng Ninh là đơn vị được giao quản lý, khai thác đất, đá thải mỏ.

    Dù mới triển khai nhưng mô hình KTTH tại Quảng Ninh đã ghi nhận nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, điển hình như mô hình “Ngân hàng gửi rác lấy tiền” tại Công ty CP Xây dựng và xi măng Quảng Ninh, đây là mô hình thu gom rác thải vô cơ có thể đốt cháy để thay thế một phần nguyên liệu sử dụng trong lò nung clinker. Ở nhiệt độ lên đến 1.4000C, rác thải sẽ bị tiêu hủy hoàn toàn, không phát sinh mùi và khí thải độc hại như hình thức đốt thông thường, phù hợp với chủ trương của Bộ Xây dựng về yêu cầu thay thế nguồn nguyên liệu đầu vào là than ngày càng khan hiếm. Từ năm 2020 đến nay, Công ty đã dành hơn 400 tỷ đồng để đầu tư thiết bị, nâng cấp kết cấu hạ tầng và hệ thống giám sát chỉ số phát thải ra môi trường; sử dụng rác trong quy trình nung clinker, giúp giảm thiểu 15% lượng than nhiên liệu, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng/năm. Trong sản xuất xi măng, Công ty tận dụng tối đa rác thải để đưa vào quá trình nung clinker, thay thế nhiên liệu đốt, vừa giảm ảnh hưởng tới môi trường, vùa giảm giá thành xi măng, tăng sức cạnh tranh và góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu hạn chế phát thải ròng. Ngoài ra, để tạo thói quen phân loại rác thải cho người dân, Công ty còn tổ chức thu mua rác vô cơ theo hình thức trả tiền mặt hoặc dùng phiếu tích điểm, giúp người bán có thể tiết kiệm tiền trong tài khoản với số điểm tích lũy được tính lãi suất ở mức 1%/năm, thu hút sự quan tâm, tham gia tích cực của cộng đồng.

Không gian xanh tại Thôn Cao Thắng, xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu)

    Trong phát triển du lịch, nhiều mô hình bền vững mang tính tuần hoàn đã được triển khai hiệu quả, tiêu biểu như tại TP. Hạ Long, từ năm 2019, UBND Thành phố đã có quyết định cấm bán và sử dụng các loại chai nhựa trên vịnh Hạ Long. Theo đó, các tổ chức, DN hoạt động du lịch, dịch vụ sẽ không sử dụng/bán sản phẩm nhựa dùng một lần (cốc nhựa, ống hút nhựa, chai nước nhựa, hộp, bát đĩa đựng thức ăn, túi ni lông)...; tuyên truyền, thông báo và yêu cầu du khách không được mang xuống tàu cũng như sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần khi tham quan vịnh. Tại huyện đảo Cô Tô, từ ngày 15/9/2023, tất cả cơ quan, đơn vị hành chính, trường học, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn huyện đảo không được sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần; yêu cầu du khách không được mang túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần ra các đảo nhằm giảm thiểu CTN và ô nhiễm môi trường biển.

    Trong nuôi trồng thủy sản, Quảng Ninh sở hữu diện tích vùng biển lớn với khoảng 6.000 km2, chiều dài bờ biển trên 250 km, đây là lợi thế để phát triển mạnh việc đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản, trong đó có hình thức nuôi các loài nhuyễn thể như hàu, hà, ngao... tuy nhiên, việc chế biến những loại nhuyễn thể này làm phát sinh hàng nghìn tấn vỏ hàu, hà, thải đổ ra môi trường tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử, chỉ tính riêng vùng trọng điểm nuôi hàu, hà Vân Đồn, với hơn 2.620 ha nuôi thả, 40 cơ sở sơ chế, chế biến, lượng vỏ hàu thải ra môi trường khoảng 60 - 80 tấn/ngày, ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh vùng đổ thải. Trước thực tế trên, các DN sản xuất thủy sản đã thực hiện nhiều mô hình KTTH, tiêu biểu như Hợp tác xã Phát triển hàu sữa Quảng Ninh đã đầu tư dây chuyền chế biến vỏ nhuyễn thể thành sản phẩm cho nông nghiệp, trung bình mỗi ngày sản xuất được từ 8 - 10 tấn bột để cung cấp cho một số công ty, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, sử dụng vào mục đích trồng trọt, chăn nuôi. Từ ngày 1/1/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải thay thế phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường, thay thế cho phao xốp, đến thời điểm hiện tại, việc chuyển đổi đã cơ bản hoàn thành (đạt 99,5%), đây được coi là giải pháp đột phá trong quản lý, rà soát, giám sát chặt chẽ việc giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển.

3. Một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

    Theo Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm then chốt của tỉnh vẫn là PTBV, TTX, KTTH, tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển tại Việt Nam; đạt cơ bản các tiêu chí về PTBV kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với BĐKH, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng… [4]. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh cần tập trung nguồn lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng vào một số giải pháp trọng tâm sau:

    Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế thực hiện TTX và tăng cường hệ thống quản lý môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ TTX là động lực chính của PTBV; khuyến khích sự hưởng ứng, tham gia của tất cả mọi chủ thể, nhất là DN và người dân nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong TTX; tăng cường các mô hình sản xuất, kinh doanh, từ đó hình thành các chuỗi giá trị và ngành, nghề mới thông qua “xanh hóa” sản xuất công, nông nghiệp, dịch vụ, khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh, tiêu dùng xanh; “xanh hóa” lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững...

    Thứ hai, có chính sách, cơ chế để thu hút chọn lọc nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các KCN, khu kinh tế, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, KTTH. Chuyển đổi từ quy hoạch phát triển KCN theo tư duy truyền thống sang phát triển “hệ sinh thái công nghiệp” với yêu cầu gắn kết giữa công nghiệp hóa, dịch vụ hóa và đô thị hóa; giữa công nghiệp hóa với BVMT theo nguyên lý KTTH; giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa với nâng cao chất lượng sống của người dân; phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị gắn với xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, góp phần phục vụ trực tiếp cho phát triển du lịch.

    Thứ ba, quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTH như Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2025 - 2030; Nghị định về phát triển ngành công nghiệp môi trường… Trước mắt cần xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển KTTH của tỉnh và ban hành hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về KTTH, làm cơ sở đề xuất, xây dựng và hoàn thiện chính sách KTTH phù hợp với các chương trình, chính sách hiện hành liên quan của tỉnh.

    Thứ tư, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học - công nghệ vào các ngành, nhất là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Quy định lộ trình thay thế nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm. Điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng khác; kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải. Về phía DN, để mở rộng nền KTTH, các DN cần xác định rõ đâu là ưu tiên hàng đầu, thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, thì độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững mới là yếu tố then chốt.

    Thứ năm, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong nước và quốc tế, nhất là những nơi đã và đang thực hiện thành công TTX, KTTH, từ đó chuyển giao, áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh. Đồng thời, có cơ chế, chính sách cho phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế, chất thải phải trở thành nguồn tài nguyên trong nền kinh tế xét cả ở khía cạnh sản xuất và tiêu dùng; thúc đẩy phát triển KTTH gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên và tạo ra cơ hội việc làm mới...

    Kết luận: TTX và KTTH đã trở thành xu hướng tất yếu của toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với BĐKH. Để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng phải có kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương trên tinh thần triển khai đầy đủ quan điểm, mục tiêu, định hướng của Chiến lược quốc gia, Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, phải có lộ trình cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng cấp, từng ngành và xây dựng được giải pháp thực hiện hữu hiệu, kết hợp hài hòa giữa giải quyết vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn để thực hiện được mục tiêu đề ra; gắn nhiệm vụ triển khai thực hiện kế hoạch TTX, KTTH với quá trình xây dựng và phát triển KT - XH của tỉnh. Đồng thời, tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức về TTX, KTTH cho các cơ quan, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư, DN; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan một cách phù hợp và lồng ghép nội dung về TTX, KTTH vào các kế hoạch phát triển KT - XH của địa phương. Đặc biệt, luôn nhất quán phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, thay vào đó là thu hút những dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng... Qua đó, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, KTTH để PTBV.

Khiếu Đình Điệp

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2024)

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

2. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 2023. Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023.

3. UBND tỉnh Quảng Ninh, 2024, Quyết định số 1318/QĐ-UBND ngày 6/5/2024 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động TTX tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2030.

4. Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ý kiến của bạn