Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Phục hồi và phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước sông Đầm, tỉnh Quảng Nam

28/05/2024

    Sông Đầm là hồ điều hòa lớn nhất TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, với tổng diện tích lưu vực 650 ha, trong đó diện tích mặt nước chiếm khoảng 250 ha, mực nước sâu trung bình 1,6 m, thuộc xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú, TP. Tam Kỳ. Nơi đây có hệ sinh thái (HST) đất ngập nước (ĐNN) đa dạng, đặc trưng cho khu vực Trung Trung bộ, là ngôi nhà của hơn 500 loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Nằm cách biển Đông khoảng 1 km, mang vẻ đẹp sinh thái nguyên sơ, gắn với quần thể Di tích địa đạo Kỳ Anh - Di tích lịch sử cấp quốc gia, sông Đầm có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường, cảnh quan thiên nhiên, được tỉnh Quảng Nam quy hoạch như một công viên lớn và ví như “Lá phổi xanh” của Tam Kỳ. Những năm qua, chính quyền cùng người dân địa phương đã nỗ lực rất nhiều trong việc phục hồi giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH), biến nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch thú vị, hấp dẫn của Quảng Nam.

    1. HST phong phú và đa dạng

    Sông Đầm thông với sông Bàn Thạch (Phú Yên), mùa lũ chứa nước mưa, mùa nắng cung cấp nước ngọt, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân, tùy vào thời gian thủy triều lên xuống hàng ngày, dòng nước trong sông sẽ thay đổi theo. Thời chiến tranh, đây là vùng đầm hoang vu, lau lách và cây sậy phát triển mạnh, chở che cho quân dân kháng chiến, khi đất nước hòa bình, người dân địa phương khai phá đầm để trồng lúa, hoa màu. Do có nhiều loài cá, tôm sinh sống như chép, nheo, tràu, lát, diếc, rô phi, tôm càng xanh... nên người dân thường dùng cây làm hàng trăm chiếc chuôm, chiều rộng khoảng 20 m2/chuôm, rồi cắm cọc xung quanh để dụ cá đến, bên ngoài có hàng rào ngăn bèo, rác thải tấp vào. Những ngày thủy triều xuống, người dân mang lưới vây quanh chuôm và dỡ cọc bắt cá (khoảng 2 tháng/lần), cho nguồn thu ít nhất 50 kg cá/chuôm, đây là nguồn nuôi sống nhiều gia đình địa phương theo nghề đánh bắt thủy sản.

    Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam thực hiện năm 2022 cho thấy, tại khu vực sông Đầm quy tụ khá nhiều loài động, thực vật giá trị. Cụ thể, động vật có xương sống ghi nhận được 81 loài thuộc 53 họ, 20 bộ; 33 loài cá khác nhau thuộc 21 họ, 11 bộ và 1 loài lươn đồng; 16 loài bò sát, ếch nhái; 31 loài chim, đáng chú ý, những năm gần đây, vào mùa thu, hàng nghìn cá thể cò nhạn - Loài chim nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007 di cư về sinh sống tại sông Đầm. Về động vật không xương sống, ghi nhận 214 loài và 211 loài côn trùng; với thực vật bậc cao, có 170 loài, thuộc 74 họ.

Loài cò nhạn quý hiếm, có tên trong sách Đỏ Việt Nam xuất hiện ở sông Đầm

    Ngoài ra, theo nhiều tài liệu khoa học, HST sông Đầm có mức độ ĐDSH cao, mang nhiều chức năng, giá trị đối với môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, đời sống sinh hoạt, sản xuất và văn hóa truyền thống của cư dân bản địa xung quanh bờ; là lá phổi xanh, giúp điều hòa không khí; là vùng chứa lũ, giúp TP. Tam Kỳ thích ứng hiệu quả trước những diễn biến phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu. Với những đặc điểm nổi bật nêu trên, tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Đầm được khẳng định đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ. Địa phương định hướng sẽ bảo tồn, phát triển nơi đây trở thành Trung tâm lưu giữ các sinh vật cảnh thiên nhiên trong khu vực sông nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung; đồng thời, là Trung tâm Bảo tồn và cứu hộ, cứu nạn sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

    2. Tăng cường các giải pháp bảo vệ

    Xác định được tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phục hồi HST tự nhiên sông Đầm, thời gian qua, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã được UBND TP.Tam Kỳ triển khai hiệu quả như đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các loài chim hoang dã; kiểm soát nguồn nước đầu vào sông Đầm gắn với sinh kế của người dân. Hàng năm, Thành phố hỗ trợ kinh phí và kêu gọi, hướng dẫn người dân trồng sen tạo cảnh quan phục vụ du lịch với diện tích 15 ha/năm, trong quá trình đó, chính quyền các xã đã tích cực vận động nhân dân đồng tình với chủ trương của Nhà nước, hiến hơn 12,3 ha đất để trồng, phát triển cây xanh. Nhờ đó, việc bảo vệ, phục hồi HST sông Đầm đã có những kết quả tích cực bước đầu: Diện tích cây xanh tăng lên; nguồn nước sạch hơn; nguồn lợi thủy sản đang dần phục hồi với những chuyển biến rõ nét; các loài chim di cư về đây ngày càng nhiều và sông Đầm ngày càng được nhiều người biết đến. Riêng năm 2023, tại Lễ phát động bảo vệ, phục hồi HST ĐNN và phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm sông Đầm diễn ra ngày 1/4/2023, địa phương đã tiến hành thả 30.000 cá các loại để làm đa dạng thêm nguồn lợi thủy sản, cùng với đó, nhiều sự kiện truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thế giới động, thực vật hoang dã, góp phần bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH cũng được triển khai. Giai đoạn 2020 - 2026, địa phương tiếp tục bố trí nguồn kinh phí 8,9 tỷ đồng từ ngân sách để trồng cây, phục hồi HST trên diện tích 22 ha, gồm nhiều chủng loại cây bản địa như vừng, tre đồng, cừa, sậy, dừa nước... Ngoài ra, Thành phố trích ngân sách hơn 5,3 tỷ đồng để trồng 3,8 ha các loại cây bán ngập nước như tràm ta, dừa nước và trồng 605 cây lộc vừng, mù u, cừa, sưa dọc hai bên bờ sông Đầm; thả bổ sung nhiều loại tôm, cá để đa dạng thêm nguồn lợi thủy sản; tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép, săn bắt các loại chim hoang dã và di cư tại sông Đầm. Hiện Dự án đang tiếp tục thực hiện theo đúng lộ trình và tiến độ, sông Đầm dần được phủ màu xanh tự nhiên.

Sông Đầm mang vẻ đẹp nguyên sơ, bình yên

    Hưởng ứng Năm phục hồi ĐDSH quốc gia - Quảng Nam 2024 với chủ đề “Chung sống hài hòa với thiên nhiên”, kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá và ngày truyền thống ngành Thuỷ sản (1/4/1959 - 1/4/2024), ngày 30/3/2024, TP. Tam Kỳ tổ chức Lễ phát động phục hồi, phát triển ĐDSH HST ĐNN sông Đầm với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa gắn với công tác bảo vệ, phục hồi HST sông Đầm như: 10 hộ dân đại diện cho xã Tam Thăng, Tam Phú, phường An Phú đã thực hiện ký cam kết “Phục hồi, phát triển HST ĐNN sông Đầm” và nhận ngư lưới cụ của UBND Thành phố để chuyển đổi dần việc đánh bắt; UBND TP. Tam Kỳ khen thưởng cho 3 tập thể, 124 cá nhân tự nguyện hiến đất trồng cây phục hồi HST sông Đầm; lãnh đạo tỉnh, thành phố cùng người dân thả cá, tôm giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; trồng cây xanh bản địa phục hồi, phát triển HST; lập chương trình, kế hoạch truyền thông về đánh bắt bền vững sông Đầm gắn với nâng cao năng lực phát triển du lịch cộng đồng… Sự kiện một lần nữa khẳng định chính quyền và nhân dân TP. Tam Kỳ sẽ quyết tâm, nỗ lực, vừa nâng cao chất lượng, vừa mở rộng quy mô để các chương trình ý nghĩa này trở thành hoạt động thường niên, thực sự phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

    Mặt khác, hiện nay TP. Tam Kỳ đang nỗ lực đạt được các tiêu chí của đô thị loại I, hướng đến hình thành khu đô thị sinh thái hiện đại, thân thiện với môi trường, là đô thị “Thủ phủ xanh”, với tầm nhìn đưa bãi Sậy sông Đầm trở thành điểm du lịch trải nghiệm theo hướng xanh, sinh thái độc đáo của Quảng Nam. Để đạt được mục tiêu đề ra, TP. Tam Kỳ đã và đang tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, bến thuyền, nhà đón tiếp, khu ngắm cảnh và sinh hoạt trải nghiệm; củng cố các Tổ hội nghề nghiệp, phát triển các dịch vụ tạo sinh kế ven bờ... từ đó từng bước hoàn thiện hạ tầng, hình thành các dịch vụ du lịch trải nghiệm độc đáo, đặc sắc theo hướng xanh, sinh thái, bền vững, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là hướng đến tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân vùng phụ cận. Một trong những mục tiêu chính của Thành phố là hình thành và duy trì một đô thị có sức hấp dẫn thông qua việc tạo dựng cảnh quan đặc sắc gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn văn hóa địa phương để tạo sự thu hút không chỉ với cư dân mà còn đối với khách du lịch, qua đó tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

    3. Một số đề xuất, kiến nghị

    Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo tồn ĐNN và ĐDSH tại sông Đầm, mới đây, trong báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP. Tam Kỳ đề xuất tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng hồ sơ trình Chính phủ thành lập Khu Bảo tồn ĐNN và ĐDSH HST sông Đầm theo Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ, nhằm bảo vệ, phục hồi các loài thủy sản, động, thực vật quý hiếm có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế đặc trưng; duy trì các chức năng sinh thái, liên kết giữa các sinh cảnh của thiên nhiên ĐNN; giảm thiểu những tác động tiêu cực làm suy giảm chất lượng môi trường sống, cấu trúc HST, ĐDSH, tăng khả năng chống chịu của các HST trước biến động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, thống nhất chủ trương về địa điểm để UBND TP. Tam Kỳ lập dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng ĐDSH tỉnh Quảng Nam tại khu vực sông Đầm với quy mô 6 ha. UBND TP. Tam Kỳ cũng đề nghị UBND tỉnh lập quy hoạch phân khu Khu sinh thái và ĐDSH ĐNN sông Đầm là Trung tâm lưu giữ lại các sinh vật cảnh thiên nhiên trong khu vực sông Đầm và tỉnh Quảng Nam; Trung tâm bảo tồn, cứu hộ cứu nạn sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

    Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, TP. Tam Kỳ đề nghị tỉnh đầu tư 118 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, tuyến đường vành đai đệm để phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm sông Đầm. Cụ thể, TP. Tam Kỳ đề xuất 3 tỷ đồng xây dựng nhà đón tiếp kết hợp công trình vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe, trồng cây xanh, tôn tạo giếng Ông Kỳ khu vực đình Vĩnh Bình, đường chạy bộ kết hợp bến thuyền; trùng tu, tôn tạo Di tích Nhà liệt sĩ Phạm Sỹ Thuyết với kinh phí 15 tỉ đồng; làm đường hầm từ Nhà liệt sĩ Phạm Sỹ Thuyến ra sông Đầm, tuyến đường từ giếng Ông Kỳ đến bến đò sông Đầm với kinh phí 15 tỉ đồng… Thành phố đề xuất khoản dự chi nhiều nhất 85 tỷ đồng dành cho đường vành đai sinh thái quanh sông Đầm dài khoảng 10,5 km, bao gồm tuyến đường mới trải nhựa dài 3,5 km, rộng 7 m; tuyến đường bê tông cải tạo, nâng cấp mở dài 3,3 km, rộng từ 3 - 5 m; cải tạo cảnh quan các tuyến đường hiện hữu như 615, DX3, Nguyễn Tất Thành... thời gian thực hiện trong năm 2024. Đồng thời, thúc đẩy phong trào luyện tập thể dục thể thao cộng đồng và hình thành tuyến chạy bộ, đi xe đạp quanh sông Đầm hướng tới phục vụ các sự kiện thể thao cấp tỉnh mang đậm đặc sắc văn hóa và cảnh quan sông, biển, là đòn bẩy để Tam Kỳ đưa sông Đầm thành điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm có thương hiệu của Quảng Nam.

    Trước những đề xuất của Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức khảo sát thực tế và ghi nhận, đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của khu vực sông Đầm cùng những giải pháp mà Tam Kỳ đang tập trung thực hiện để bảo tồn, phát triển HST nơi đây. Đối với việc triển khai các dự án, chương trình tại sông Đầm, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc, khó khăn, TP. Tam Kỳ cần phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh để tháo gỡ. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ có cuộc họp với các sở, ban ngành để bàn thảo về việc tiếp tục hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển ĐDSH tại sông Đầm.

    4. Kết luận

    Có thể nói, ĐNN là HST rất quan trọng, làm gia tăng giá trị ĐDSH, góp phần giảm thiểu và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; đồng thời, dự trữ nguồn nước ngọt sẵn có, cung cấp nguyên liệu cho nền kinh tế; duy trì sự sống, đảm bảo sự thịnh vượng của loài người trên Trái đất… Với Quảng Nam, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho tỉnh nói chung, TP. Tàm Kỳ nói riêng sự giàu có về ĐDSH, nhất là hệ HST ĐNN đặc trưng của khu vực Trung Trung bộ, đây là tiềm năng để địa phương phát triển du lịch bền vững, thân thiện với môi trường. Do đó, việc phục hồi ĐDSH và HST ĐNN sông Đầm là vấn đề cấp bách, cần thực hiện kịp thời, bảo đảm sự hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường và để biến tiềm năng này thành hiện thực, đòi hỏi sự chung tay hưởng ứng, tham gia tích cực của các cấp chính quyền, nhất là cộng đồng dân cư địa phương.

Nguyễn Thùy Dung

Học Viện Nông nghiệp Việt Nam

Thu Hằng

Ý kiến của bạn